Cổ phiếu cần quan tâm 4/1: HSG, PNJ, MBS, BSI, VPB, VIX

HSG, PNJ, MBS, BSI, VPB, VIX là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 4/1 được các công ty chứng khoán khuyến nghị.

Khuyến nghị HSG: Mua với giá mục tiêu 44.700 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) hưởng lợi từ làn sóng phục hồi kinh tế trong nước và toàn cầu: sản lượng tiêu thụ thép trong năm tài chính 2021 ghi nhận hơn 2,2 triệu tấn tăng trưởng gần 41% so với năm trước, trong đó tôn mạ đạt hơn 1,8 triệu tấn tăng 47% và ống thép đạt hơn 471 nghìn tấn tăng gần 20%.

Sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn tăng 84,2%, đóng góp chủ yếu bởi các sản phẩm tôn mạ đạt 1,24 triệu tấn. Tận dụng đà phục hồi nhu cầu trong nước chúng tôi kỳ vọng Hoa sen sẽ tăng trưởng tiêu thụ trong năm tài chính 2022 đạt gần 2,4 triệu tấn tăng trưởng 5%.

Kiểm soát giá bán tốt trong tình trạng giá nguyên vật liệu gia tăng: Mặc dù doanh thu trong năm 2019 và 2020 có mức tăng trưởng âm (2019: -18,6%; 2020: -1,8%) nhưng doanh thu năm tài chính 2021 đạt gần 49 nghìn tỷ đồng tăng trưởng gần 77%. Chứng tỏ doanh nghiệp đã kiểm soát tốt về việc tăng giá bán bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào trong tình cảnh đại dịch toàn cầu diễn ra.

Trong năm 2020, biên lợi nhuận gộp tăng lên mức 16.8% sau 2 năm liên tiếp giảm (2019: 11,4%, 2018: 11,5%). Ghi nhận trong 5 năm gần đây, vào thời điểm thuận lợi, biên lợi nhuận gộp của HSG đạt 16.9% năm 2017. Tuy nhiên sang năm 2021, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện vượt trội ở mức 18,2%.

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ kinh tế vĩ mô phục hồi: nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng trong những năm tới và tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp.

Rủi ro chung đối với thép Việt Nam: (1) tính chất biến động chu kỳ và ngắn hạn của giá thép và giá quặng sắt; (2) rủi ro từ chính sách sản xuất thép của chính phủ Trung Quốc; (3) cạnh tranh trong nước do các DN gia tăng năng lực sản xuất; và (4) thuế suất áp lên sản phẩm xuất khẩu.

Chúng tôi kết hợp đồng thời phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do DCF và phương pháp so sánh P/E đưa ra khuyến nghị mua mã cổ phiếu HSG với giá mục tiêu 44.700 đồng/CP tức upside 20% so với thị giá.

Khuyến nghị PNJ: Chốt lãi tại ngưỡng 110.200 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa hình thành phiên bứt phá sau khi tích luỹ tạo vùng nền giá mới quanh ngưỡng 93.5. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20, ủng hộ cho xu hướng tăng giá ngắn hạn, tuy nhiên về trung hạn cần theo dõi khi MA20 vượt lên trên MA50 và có một phiên bùng nổ về khối lượng.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mở vị thế tại ngưỡng 96.0, chốt lãi tại ngưỡng 110.2 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 90.6.

Khuyến nghị MBS: Khả quan với giá mục tiêu 46.500 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC): Doanh thu quý III/2021 của CTCP Chứng khoán MB (MBS – sàn HNX) đạt 515 tỷ đồng, tăng trưởng 105% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, tăng trưởng 187,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ tiêu ROA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản) hiện tại là 6,47%. Chỉ tiêu ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ) hiện tại là 19,74%. Chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp hiện tại là 33,49%.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBS với giá mục tiêu 46.500 đồng/CP.

Khuyến nghị BSI: Mua ở mức giá hiện tại

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của BSI (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - sàn HOSE) ở mức 92 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, mức Sức mạnh giá vẫn duy trì trên mức 90 điểm cho thấy cổ phiếu này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh.

Đồ thị giá của BSI đóng cửa phiên 30/12/2021 tăng 7% và vượt đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng hơn 81% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và rủi ro ngắn hạn giảm đáng kể. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của BSI cũng được nâng lên mức TĂNG.

Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Khuyến nghị VPB: Mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – sàn HOSE) ở mức 71 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, Sức mạnh giá của VPB chỉ ở mức 50 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên nắm giữ tỷ trọng thấp.

Đồ thị giá của VPB đóng cửa phiên 30/12/2021 tăng 1,9% với KLGD vẫn thấp hơn mức KLGD trung bình 20 phiên, nhưng dòng tiền ngắn hạn có xu hướng tăng dần. Đồng thời, đồ thị giá của VPB cũng vượt lên trên đường trung bình 20 phiên và đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của VPB cũng được nâng lên mức TĂNG.

Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi mức Stock Rating trên 80 điểm.

Khuyến nghị VIX: Vẫn duy trì ở mức giảm

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của VIX (CTCP Chứng khoán VIX – sàn HOSE) ở mức 90 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của VIX đóng cửa phiên 30/12/2021 tăng 7% với KLGD tăng nhẹ so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên và bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn đã giảm, nhưng xu hướng ngắn hạn của VIX vẫn duy trì ở mức GIẢM cho nên các NĐT ngắn hạn chưa nên mua ở giai đoạn này.

Nếu đồ thị giá vượt được mức kháng cự 33.24 thì các NĐT có thể mở vị thế mua mới đối với cổ phiếu này.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương