Ông Nguyễn Xuân Thành giám đốc phát triển đại học Fulbright cho biết - Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm dẫn tới xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm làm cho tổng kim ngạch của Việt Nam giảm. Năm 2019, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không cao. Đó là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Một chiếc áo hiệu Ted Baker với có mác “Made in Vietnam” trong một nhà máy tại Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Nhưng ngược lại xuất khẩu của chúng ta sang Hoa Kỳ lại tăng và nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 20,8%, trong khi năm ngoái tăng trên 11%. Đặc biệt những mặt hàng nhập khẩu tăng cao đó là phụ kiện điện tử, đạt 5 tỷ USD tăng trưởng 81%. Cũng cùng chủng loại này, chúng ta xuất sang Hoa Kỳ đạt 70%.
Trung Quốc không xuất được với số lượng lớn hàng hóa sang Hoa Kỳ nên xuất sang những nước khác trong đó có Việt Nam. Những mặt hàng chúng ta nhập mạnh từ Trung Quốc cũng là mặt hàng chúng ta xuất mạnh sang Hoa Kỳ.
Các sản phẩm nội thất và nguyên liệu gỗ, nhập từ Trung Quốc tăng 35% và xuất sang Hoa Kỳ cũng tăng 35% và liệu có sự chuyển tải hàng hóa ở đây hay không, thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Hàng hóa của Trung Quốc không vào được Hoa Kỳ sẽ vào thị trường Việt Nam thì sức nóng cạnh tranh sẽ cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM nhận định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cùng với đó là các thách thức không nhỏ tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Tiến sĩ Trần Du Lịch |
Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa.
Thêm vào đó, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên liệu truyền thống của Việt Nam nên nhiều khả năng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đưa hàng vào Việt Nam nhằm đánh tráo nguồn gốc xuất xứ rồi xuất khẩu qua Mỹ.
Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là phải cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam sự nguy hiểm nếu tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa của Trung Quốc có thể gây thiệt hại nặng nề về sau cho cả ngành hàng và nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Du Lịch, cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc không đơn thuần là những tranh chấp về mặt thương mại mà thực sự là cuộc cạnh tranh mang tính sống còn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế số cũng như không gian phát triển nên rất khó để hai bên đạt được thỏa thuận G20 trong tháng 6 này.
Những diễn biến leo thang trong việc đánh thuế của Mỹ lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc làm cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ tại thị trường Mỹ.
Điều này cũng có thể gọi là cơ hội cho hàng hóa các nước khác; trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro từ cuộc chiến này với các doanh nghiệp Việt Nam là không nhỏ nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ nội lực và tỉnh táo.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ và Trung tác động trực tiếp tới sự suy giảm kinh tế toàn cầu và thổi bùng lên xu hướng bảo hộ thương mại gây bất lợi cho những nền kinh tế mở như Việt Nam; trong đó, môi trường trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc xấu đi bởi Trung Quốc ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa.
Dẫn chứng là xuất khẩu các mặt hàng điện tử, điện thoại, máy tính, thủy sản, nông sản Việt Nam sang trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đều giảm, điện thoại giảm tới 62,3%, thủy sản giảm 31,5%...”
Một công nhân đang gấp áo sơ mi trong xưởng dệt may tại Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Ở góc độ đầu tư, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng thực chất việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng lại tạo ra rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước.
Khi các doanh nghiệp Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam thì giá nhân công, giá bất động sản công nghiệp sẽ tăng lên, cạnh tranh về nhân công, về nguyên phụ liệu sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đuối sức, thậm chí phải từ bỏ thị trường.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, đạt 2 tỷ USD; trong đó có tới 85% vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhưng lợi ích thật sự không thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, các nhà quản lý của Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư từ Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển các nhà máy sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam để tránh những tác động lâu dài tới môi trường.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng đại diện Phòng luật sư Măt Trời Mới – Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài quốc tế cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam do chính sách áp thuế của hai nước cuộc chiến tranh thương mại. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam chúng ta cần có sự chọn lọc, xem xét chọn lọc kỹ.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đầu tư, sẽ có những vấn đề khó khăn trong việc làm thủ tục lựa chọn và tiếp cận địa điểm. Ngoài việc đàm phán với các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp nếu như có đất, nhà xưởng, công nghệ, đơn hàng, nhân lực, địa điểm đều có thể sẵn sàng hợp tác với họ. Chúng ta cần sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc đang cơ cấu lại đầu tư của họ.
"Lá bài tẩy" của Huawei trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là gì?
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang sở hữu 56.492 bằng sáng chế và sẽ không ngại sử dụng chúng trong cuộc chiến kinh tế.