Con trai của anh Nguyễn Bình Nam (TP.HCM), em Nguyễn Nam Long được biết đến là “con nhà người ta” với nhiều thành tích đáng nể. Năm 2022, em từng gây sốt mạng xã hội khi mới 10 tuổi nhưng có trình độ lập trình tương đương với các anh chị sinh viên năm cuối. dù chỉ tự học.
Thời điểm đó, Nam Long nhận được khoảng 6 lời mời đề nghị thực tập từ các công ty và gia đình đã chọn một công ty về lập trình game blockchain thuộc top 3 ở Việt Nam. Ngoài ra, cậu bé còn có khả năng ngoại ngữ "đỉnh" khi đạt TOEIC 920/990 với điểm nghe gần như tuyệt đối 485/495.
Danh sách thành tích của Nam Long không dừng lại ở đó, khi mới đây, cậu bé đa tài này tiếp tục có kịch bản phim vào vòng Tứ kết cuộc thi viết phim ngắn toàn cầu Filmantic mùa 9 và top 35% trên Coverfly - một nền tảng dành cho giới viết kịch bản phim chuyên nghiệp. Đáng nói, Nam Long không hề theo học lớp viết kịch bản phim chuyên nghiệp nào trước đó. Em tự học, tự mày mò, cũng như những lần thi tiếng Anh hay học lập trình trước đó.
![]() |
Gia đình anh Nam. |
Anh Nam cho biết: “Nam Long thay đổi sở thích liên tục - cụ thể là chủ đề bạn quan tâm theo độ tuổi, lớp học mà cũng có thể theo xu hướng của xã hội. Có lúc bạn thích các đề tài kinh tế, đầu tư, lúc thì khoa học, có lúc thì nấu ăn, chơi thể thao, thỉnh thoảng lại là khảo cổ học, chơi game hoặc không có gì thì lại quay về lập trình, robot, máy tính... Mỗi chủ đề có thể kéo dài vài ngày, vài tháng. Không hẳn có cái này là bỏ cái kia, nhưng rõ ràng là dành nhiều thời gian, và nói về chủ đề đó 1 cách hứng khởi hơn.
Tôi thấy không áp lực gì cả. Miễn sao lúc nào bạn thích chỉ đề gì cũng hiểu sâu và sẵn sàng đối đáp với người khác. Bạn có quyền vẽ bức tranh theo cách mình muốn”.
Ông bố này cho rằng, đa phần các con có thể duy trì một niềm đam mê một cách mãnh liệt trong một thời gian dài. Ông bà hay nói trẻ con "cả thèm chóng chán". Nam Long hay nói với bố những sở thích của bạn là hobby - nghĩa là nó không đến nỗi mãnh liệt, nhưng vẫn có thể thích kéo dài. Vì vậy gia đình để cho con tự nhiên lựa chọn và quyết định sở thích của mình. Nam Long thử nghiệm nhiều để tìm ra cái mình thích và duy trì được nó. Hai vợ chồng ủng hộ và luôn tạo điều kiện để con tự do phát triển.
Đặc biệt, anh Nam không áp lực con phải giỏi toàn diện. Anh không thấy áp lực dù thứ hạng của con khoảng 20/33 ở trường. Nam Long dành khoảng 6 tiếng mỗi tuần để làm các bài tập trên lớp, còn lại cho các sở thích khác.
Làm thế nào để khai phá điểm mạnh của con?
Trong xã hội hiện đại, áp lực học tập và thành tích học sinh thường khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi con cái không nổi bật ở các môn học truyền thống. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo, và khả năng của chúng không chỉ giới hạn trong sách vở hay các bài kiểm tra.
Thay vì phàn nàn con cái mình học kém môn này môn kia, hãy khuyến khích con mình phát huy thế mạnh các môn mà trẻ yêu thích và vượt trội. Sự vượt trội giúp trẻ tự tin. Sự tự tin xây dựng chính kiến, lòng tự trọng, từ đó giúp trẻ lớn lên vững vàng hơn. Vậy, nếu con không có điểm mạnh rõ ràng thì sao? Liệu có thể giúp trẻ tìm ra điểm mạnh của mình và phát triển chúng?
Giải pháp theo anh Long gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tìm kiếm
1. Vượt trội không có nghĩa là môn học nào đó giỏi. Mà là bất kỳ môn nào con giỏi: thể thao, nghệ thuật, văn nghệ, tư duy, tính toán, thậm chí chơi game giỏi… cũng tính là vượt trội.
2. Nếu chưa tìm ra môn giỏi, thì mở rộng ra hơn: Nếu đánh đàn không giỏi thì thử đánh trống xem sao, nếu vẽ không đẹp thì thử nấu ăn xem sao, nếu game bắn súng không giỏi thì game chiến thuật xem sao…
3. Nếu không tìm được điểm giỏi vượt trội, thì tìm chủ đề mà trẻ quan tâm và yêu thích đặc biệt.
![]() |
Nguyễn Nam Long được biết đến là “con nhà người ta” với nhiều thành tích đáng nể. |
![]() |
Giai đoạn 2: Khai phóng
Ví dụ 1 đứa trẻ không có gì vượt trội, chỉ có quan tâm tới siêu nhân Gao là nhiều hơn đứa trẻ khác. Vậy khai phóng bằng cách nào?
1. Khuyến khích con nghiên cứu và tìm hiểu sâu rộng hơn đề tài này.
2. Ba mẹ cũng tham gia vào câu chuyện, trao đổi, phản biện: Siêu nhân nào mạnh hơn, tuyệt chiêu nào mạnh hơn, chiêu nào khắc chế…
3. Yêu cầu con phân tích, báo cáo, mô tả, sáng tạo xoay quanh chủ đề siêu nhân Gao. Ví dụ: Làm bảng tổng hợp so sánh các siêu nhân, sáng tạo siêu nhân mới có sức mạnh tổng hợp, thuyết trình về đề tài…
4. Từ từ sẽ mở rộng ra các chủ đề tương tự như siêu anh hùng Marvel, DC. Rồi xa hơn nữa như chủ đề các vị tướng chiến tranh, hay công nghệ…
Anh Nam quan điểm kiến thức như 1 bức tranh đẹp. Giáo dục nhà trường dạy vẽ bức tranh theo cách thức và thứ tự giống nhau cho tất cả các đứa trẻ. Nhưng vì mỗi đứa trẻ là khác biệt nên cách thức và thứ tự cũng nên khác nhau. Mỗi đứa trẻ bắt đầu vẽ từ chỗ mà nó vẽ đẹp nhất trước, rồi cùng cảm hứng và sự tự tin đó, nó sẽ hoàn thành bức tranh theo cách của riêng mình.
“Vợ chồng tôi dành thời gian trò chuyện với con mỗi ngày, trao đổi, lắng nghe (thỉnh thoảng là chịu đựng lắng nghe vì mình không hiểu hay quan tâm về chủ đề bạn nói), phản biện (hoặc tỏ ra phản biện) để con có sự đồng hành. Nhiều lúc tôi phải tra cứu lén trên mạng để bổ sung kiến thức, trước khi tranh luận với con. Ngoài ra, vợ chồng tôi dành thời gian chơi thể thao với con, chơi game, phân tích và tham gia sâu chứ không phải chỉ là quan tâm bề nổi.
Nói chung, phụ huynh muốn đồng hành cùng con là phải kiên nhẫn, tình yêu thương con cái có lẽ thể hiện rõ nhất ở thời gian mình dành cho nó, chứ không phải là tiền bạc, hay điều kiện vật chất. khi mình dành thời gian, mình sẽ hiểu con, và đồng hành cùng bạn tốt hơn”, anh Long nói.
Ốc Thanh Vân liên tục thay đổi nơi ở, nhiều người lo con cái ảnh hưởng: Chỉ 1 hành động cho thấy, ở đâu cô cũng dạy con quá tốt
Việc thay đổi chỗ ở xoành xoạch của nữ MC khiến nhiều người lo ngại các con cô bị ảnh hưởng.