COVID-19 sáng 8/11: Việt Nam không có ca mắc mới, Mỹ liên tiếp vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới sau bầu cử Tổng thống

Tính đến 6h00 ngày 8/11, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 trong 12 giờ qua. Cả nước còn 14.064 người đang cách ly phòng dịch.

Trong tổng số 1.213 ca mắc COVID-19 , có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay vẫn là 551 ca, đã điều trị khỏi1.070 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 14.064, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 209 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.926 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 929 người.

COVID-19 sáng 8/11: Việt Nam không có ca mắc mới, Mỹ liên tiếp vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới sau bầu cử Tổng thống

Việt Nam đã có 67 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 82 ngày không có ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng, tại TP. HCM cũng đã 98 ngày không có ca mới trong cộng đồng.

Việt Nam dồn tổng lực nghiên cứu vaccine COVID-19

Các nhà khoa học đang dồn lực nghiên cứu, và tiến trình cho ra đời vaccine COVID-19 ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Quá trình thử nghiệm trên người có thể sẽ được diễn ra ngay trong tháng 11/2020.

Vaccine COVID-19 được thử nghiệm lâm sàng lần này là do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên của nước ta được đưa ra thử nghiệm trên người.         

Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, nhưng theo Bộ Y tế, sẽ không cùng lúc tiêm thử nghiệm trên 60 người mà chia nhỏ làm các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm cho 20 người. 

Hiện, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19, gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen.   

Vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ảnh minh họa
Vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ảnh minh họa

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 8/11, thế giới đã ghi nhận 50.108.875 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.255.048 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 35.500.346 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 243.000 ca tử vong trong tổng số hơn 10 triệu ca nhiễm. Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 8,5 triệu người mắc COVID-19 và hơn 126.000 ca tử vong. Thứ 3 là Brazil với 5,65 triệu ca nhiễm và hơn 162.000 ca không qua khỏi.

Mỹ liên tiếp vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới

Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn, khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày bầu cử Tổng thống 3/11. Dịch bệnh cũng lây lan trong các quan chức chính phủ, trong đó Chánh Văn phòng Nhà Trắng, Mark Meadows, là quan chức mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Liên tiếp những ngày qua, Mỹ ghi nhận các kỷ lục lây nhiễm mới và lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, nước này trải qua một loạt ngày có số ca nhiễm mới đều ở mức trên 100.000.

Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ 2020 ở Phoenix, bang Arizona sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm. Ảnh: AFP
Nhân viên bầu cử kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ 2020 ở Phoenix, bang Arizona sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm. Ảnh: AFP

Châu Âu chao đảo bất chấp các lệnh phong toả, hạn chế mới

Tình hình dịch COVID-19 tại điểm nóng Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp khi nhiều nước ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Ngày 7/11, Ba Lan thông báo có thêm 27.875 ca mắc mới và 349 ca tử vong mới, liên quan đến COVID-19, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại nước này.

Tại Đức, nước này thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 11.919 ca lên 653.281 ca. Số ca tử vong cũng tăng 53 ca lên 11.417 ca.

Cũng trong ngày 7/11, Nga ghi nhận thêm 20.396 ca mắc, trong đó có 5.829 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.753.836 ca. Ngoài ra, nước này cũng thông báo có thêm 364 ca tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 30.251 ca.

  Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo. Ảnh: THX

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo. Ảnh: THX

Châu Á tăng cường kiểm soát tại các "điểm nóng" COVID-19

Tại châu Á, Indonesia, Philippines và Malaysia đang là các điểm nóng dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 7/11, Indonesia ghi nhận 4.262 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 433.836 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 98 ca lên 14.540 ca.

Malaysia cũng ghi nhận thêm 1.168 ca mắc, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên 39.357 ca. Số ca tử vong tại nước này hiện là 282 ca, tăng 3 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng cao khiến chính phủ quyết định gia hạn lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Kuala Lumpur cho tới đầu tháng 12.

Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng thông báo thêm 2.157 ca mắc và 24 ca tử vong mới, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi tại nước này lên lần lượt là 393.961 ca và 7.485 ca. 

Ngày 7/11, Bộ Y tế Campuchia tiếp tục truy vết và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary, Péter Szijjártó, sau chuyến thăm Campuchia vào ngày 3/11 vừa qua. Tổng cộng có 889 người được xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, bộ khuyến cáo những người này tiếp tục cách ly và phải tiến hành ba lần xét nghiệm nữa vào các ngày 9, 14 và 18/11.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương