Cục Cảnh sát giao thông: Không có chuyện uống siro hay ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn

Theo đại diện của Cục Cảnh sát giao thông, việc uống siro hay ăn hoa quả lên men mà bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác.

Trong buổi gặp mặt báo chí ngày 9/1, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã đưa ra tổng kết hoạt động cuối năm 2019, đồng thời nêu các nhiệm vụ của năm 2020, đặc biệt nói về kết quả của 1 tuần thực hiện Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT đã trực tiếp giải đáp thắc mắc của nhiều người về việc ăn hoa quả, uống siro trước khi tham gia giao thông có bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn hay không.

  Cục trưởng Cục CSGT khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà bị phạt nồng độ cồn. Ảnh: TP

Cục trưởng Cục CSGT khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà bị phạt nồng độ cồn. Ảnh: TP

Theo ông Nhật, đơn vị đã tiến hành thực nghiệm 150 lần với người ăn nhiều hoa quả khác nhau và dùng máy đo kiểm tra, kết quả là không có nồng độ cồn. Với các trường hợp uống siro máy báo là 1,2 mlg/lít khí thở, tuy nhiên sau 5 phút hoặc sau khi tài xế uống nước và đo lại thì không còn nồng độ cồn.

Với các loại hoa quả lên men, chỉ số ban đầu đo được là 0,6-1mlg/lít khí thở, thậm chí là 1,2mg/lít khí thở tuy nhiên sau 2 - 5 phút hoặc uống nước chỉ số này bằng 0. Vì vậy các thông tin ăn hoa quả hay uống siro bị xử phạt nồng độ cồn là không chính xác.

Cục CSGT yêu cầu các đơn vị khi đứng trước tình huống tài xế trình bày là uống hoa quả hoặc siro nên mới có nồng độ cồn cần áp dụng biện pháp cho họ uống nước và đo lại. Nếu kết quả là không có nồng độ cồn tức là không vi phạm, còn có nồng độ cồn phải bị xử lý theo đúng quy định. "CSGT tạo điều kiện cho tài xế trình bày và khiếu nại, thậm chí được thử nồng độ cồn bằng máu tại cơ quan chuyên môn, điều này sẽ đảm bảo khách quan trước khi cảnh sát ra quyết định xử phạt", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.

Trong buổi gặp mặt này, ông Nhật cũng cho biết năm vừa qua đã xảy ra 17.600 vụ tai nạn giao thông, 7.600 người chết, so với 2018 giảm hơn 900 vụ và giảm gần 700 người thiệt mạng.

Sau 1 tuần triển khai Nghị định 100, lực lượng CSGT đã xử phạt 25.000 trường hợp, tổng số tiền phạt là 22 tỉ, trong đó riêng vi phạm nồng độ cồn xử phạt 3.700 trường hợp, số tiền đã nộp phạt là 12,5 tỉ.

Ngoài ra, khi trao đổi về vấn đề uống hoa quả và siro đo nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, cục trưởng Cục CSGT, cũng khẳng định không có chuyện ăn hoa quả hay uống siro mà bị xử phạt. 

Theo quy định, lực lượng CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn phải quay toàn bộ quá trình làm việc bằng camera, đồng thời có nhiều lực lượng chức năng cùng giám sát.

 

Thanh Mai

Sẽ được lái xe sau khi uống rượu, bia bao lâu?

Sẽ được lái xe sau khi uống rượu, bia bao lâu?

Nhiều người thắc mắc theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì sau khi uống rượu bia bao lâu sẽ được lái xe?