Cùng nhau ước mơ và hy vọng

Cái đáng trân trọng ở anh Nguyễn Quang Thạch trong sự nghiệp “sách hóa nông thôn” không phải chỉ ở ý tưởng đúng đắn, mà còn dám "sống chết" với điều đó.

Đối với những người làm thư viện và khuyến đọc ở Việt Nam, Nguyễn Quang Thạch là một cái tên rất quen thuộc.

Tôi biết đến anh Nguyễn Quang Thạch khi còn đang du học ở Nhật Bản. Quãng đó anh Nguyễn Quang Thạch đang thực hiện chuyến đi bộ từ Bắc vào Nam dài hơn 1700km để vận động khuyến đọc. Báo chí nói về anh rất nhiều và tôi, cho dù ở nước ngoài vẫn hồi hộp dõi theo từng bước chân của anh.

Sau này về nước, tham gia vào công việc khuyến đọc, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với anh nhiều hơn.

Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi lần này được anh Nguyễn Quang Thạch nhờ viết lời giới thiệu cuốn sách “Những bước chân hy vọng” - cuốn sách đầu tay của anh. Đây có thể coi là cuốn sách sơ kết những gì anh Nguyễn Quang Thạch-trong vai trò là người sáng lập “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đã làm trong hơn 20 năm qua.

“Những bước chân hy vọng”, cuốn sách đầu tay của Nguyễn Quang Thạch
“Những bước chân hy vọng”, cuốn sách đầu tay của Nguyễn Quang Thạch

Đọc cuốn sách này bạn đọc sẽ hiểu được tại sao anh Nguyễn Quang Thạch lại nung nấu ý nghĩ phải “sách hóa nông thôn Việt Nam”, tại sao anh lại quyết định bỏ công việc lương cao ở vị trí dễ có “màu mỡ” để dấn thân toàn diện cho công việc truyền bá tri thức và khai trí. Bạn đọc cũng sẽ hiểu được những bước đường khó khăn, thất bại và thành công của anh khi biến những ý tưởng về tủ sách dòng họ, tủ sách hậu phương chiến sĩ, tủ sách lớp học, tủ sách giáo xứ… thành thực tiễn.

Trong hơn 20 năm qua từ ý tưởng, sự khơi gợi cảm hứng, hoạt động tư vấn, trợ giúp của cá nhân anh Nguyễn Quang Thạch và Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng (trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) mà anh Thạch là giám đốc, hàng chục nghìn tủ sách đã ra đời ở khắp mọi miền Tổ quốc, đem lại cơ hội đọc sách cho hàng vạn, hàng triệu trẻ em.

Cái đáng trân trọng ở anh Nguyễn Quang Thạch trong sự nghiệp “sách hóa nông thôn” không phải chỉ ở ý tưởng đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng của những người tha thiết với vận mệnh dân tộc, với tương lai của trẻ em mà còn là ở chỗ anh dám “sống chết” với ý tưởng của mình.

Anh Nguyễn Quang Thạch.
Anh Nguyễn Quang Thạch.

Ở nước ta, làm gì cũng khó, nhưng khai trí là khó nhất. Giảng giải, thuyết minh cho một người mù chữ hiểu rằng nếu biết chữ cuộc đời anh ta sẽ sang trang mới, nhiều cơ hội sẽ mở ra là một điều dễ hơn nhiều so với việc vận động những người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học thay đổi nhận thức về chuyện đọc sách.

Người mù chữ có sự khiêm tốn và thấy rõ vấn đề của bản thân trong khi người có bằng cao đẳng, đại học lại thường khư khư giữ cho mình sự tự tôn, tự hào về bằng cấp. Hơn nữa, ở nước ta chuyện một ai đó lo lắng và làm những việc gì đó mang lại lợi ích cho cộng đồng thường bị cho là “đầu óc có vấn đề”, “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, “lo lắng chuyện bao đồng”…

Có khi bản thân anh Nguyễn Quang Thạch không nghĩ sự dấn thân, vất vả, khó khăn và thậm chí cả đau khổ mà anh phải chịu đựng khi làm công việc nói trên trong suốt một thời gian dài là hy sinh, nhưng tôi nghĩ anh đã  phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có cả những thứ thuộc về cuộc sống cá nhân để thực hiện ý tưởng của mình.

Những đóng góp của “Sách hóa nông thôn Việt Nam”, với những bước chân, hoạt động của anh Nguyễn Quang Thạch, sự xuất hiện của các tủ sách, thư viện ở khắp mọi nơi đã làm cho mọi người ngày càng quan tâm tới văn hóa đọc. Những kết quả to lớn từ thực tiễn đã có tác động tới cả chính sách vĩ mô mà minh chứng là sự ra đời của công văn 6841 của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 31/12/2015 gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nhân rộng “Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp học” trên toàn quốc.

Cùng nhau ước mơ và hy vọng

Những gì “Sách hóa nông thôn” đạt được trong 20 năm qua, trong hoàn cảnh đầy khó khăn là một kỳ tích. Phần thưởng mang tên vua Sejong của UNESCO dành cho chương trình “Sách hóa nông thôn” ngày 1/9/2016 và giải thưởng phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Mỹ năm 2017 là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực và sáng tạo không ngừng của anh Nguyễn Quang Thạch.

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện quốc gia, nhìn sâu vào tình hình văn hóa đọc và nhận thức nói chung của người dân đối với văn hóa đọc trên mọi miền Tổ quốc thì chúng ta thấy, những gì mà “Sách hóa nông thôn Việt Nam” đạt được vẫn chỉ là hạt muối bỏ bể. Chúng ta vẫn còn có hàng chục triệu người đang sống mà không hề đọc sách, vẫn có hàng triệu trẻ em không có sách đọc hàng ngày và vô vàn học sinh, sinh viên không đọc gì ngoài sách giáo khoa, giáo trình trong suốt quãng thời gian đi học.

Dân tộc ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để xây dựng nền tảng văn hóa đọc-nền tảng cơ bản nhất cho công nghiệp hóa và văn minh hóa quốc gia. Thế kỷ 21 này là cơ hội cuối cùng cho chúng ta xây dựng và nâng tầm nền tảng đó.

Để làm được điều đó, một mình anh Nguyễn Quang Thạch là không đủ. Chúng ta cần hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người đồng hành, tiếp sức và lan tỏa. Chúng ta có thể làm khuyến đọc cùng anh Thạch bằng nhiều cách trong đó thiết thực, có thể làm được luôn là biến bản thân mình thành một người yêu đọc sách, có thói quen đọc sách.

Sau đó tiến hành xây dựng tủ sách gia đình cho gia đình mình, tặng sách cho bạn bè, người thân, mừng tuổi sách cho trẻ em trong gia đình, họ hàng… Xa hơn chúng ta có thể cùng các phụ huynh khác xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách gia đình phục vụ cộng đồng và tạo thành các nhóm khuyến đọc ở địa phương. 

Cùng nhau ước mơ và hy vọng

Để làm được điều đó mỗi người cần thay đổi nhận thức của chính mình để có sức mạnh từ bên trong. Cuốn sách “Những bước chân hy vọng” này có thể giúp bạn đọc có được sức mạnh đó.

Cho dù cuốn sách còn thiếu tính hệ thống, tôi rất mong bạn đọc trong và ngoài nước sẽ dành thời gian để đọc cuốn sách này và biểu thị sự đồng cảm, đồng hành với tác giả.

Chúng ta, có thể khác nhau về nhiều thứ, nhưng có lẽ đều chia sẻ chung một niềm hy vọng, một ước mơ về một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Bằng cách cùng nhau hy vọng và nỗ lực cho hy vọng đó, tôi tin rồi ước mơ ấy cũng thành sự thật.

Nguyễn Quốc Vương

Vai trò của hứng thú và trải nghiệm trong giáo dục

Vai trò của hứng thú và trải nghiệm trong giáo dục

Các nghiên cứu giáo dục đều rất coi trọng vai trò của hứng thú trong việc học của con trẻ. Nếu không có hứng thú sẽ không có đam mê, sáng tạo.