Nhìn lại ngành giáo dục từ "Năm học covid-19"

Con số thống kê mới nhất là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay có ngót 900.000 học sinh, trong đó hơn 1/3 không có nguyện vọng vào đại học

Năm học “COVID-19” rồi cũng đến hồi kết với ngổn ngang bộn bề công việc chưa biết rồi sẽ ra sao giữa thời tiết kinh dị của một năm lịch dị thường. Trò lo. Bố mẹ trò lo. Thầy cô lo. Các nhà quản lý giáo dục lo.

Lo đầu tiên là chất lượng. Chẳng biết lên hay xuống?

Cách đây chừng ba, bốn chục năm, ở các cấp học, kết thúc học kỳ, mỗi lớp thường chỉ có 01 học sinh đạt danh hiệu A1, thậm chí không có ai, một hai học sinh đạt A2, dăm ba học sinh đạt A3, còn lại là học sinh trung bình. Nay thì có khi trên 90% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, một vài em nhận danh hiệu học sinh khá trong tâm trạng ấm ức lây sang cả phụ huynh, học sinh trung bình thì hiếm hoi như lá cây mùa đông xứ lạnh.

Lớp nào có học sinh yếu kém khéo nổi tiếng cả quận, không biết chừng cả thành phố. Khái niệm bị "đúp", hay nói văn vẻ là bị lưu ban bị khai tử từ đời tám hoánh nào chả nhớ nữa. Đã có kiểu nói đùa mà khó cười được, “Giờ lưu ban còn khó vạn lần lên lớp.” Hồi xưa thì sao, mỗi lớp năm nào chả có vài học sinh lưu ban. Hiện nay phong trào họp lớp rộn rã khắp nơi. Nhiều hội nảy sáng kiến không gọi rõ con số ở tên lớp nữa mà chỉ lấy chữ cái và khóa học để gom cả số học dốt hay nghịch ngợm bị lưu ban cho thêm đông vui.

Năm học
Năm học "Covid-19" khiến nhiều phụ huynh "lao tâm khổ tứ"

Người tâm huyết với nghề muốn đảm bảo chất lượng và sự công bằng lập tức bị “chỉnh đốn” ngay. Vì thành tích mà. Lớp lớp thi đua. Trường trường thi đua. Quận quận thi đua. Tỉnh thành thi đua. Cả nước thi đua. Rốt cuộc, cả một guồng máy xã hội đảo điên lên vì thi đua làm hàng. Tác hại của việc thi đua là những thành tích không có thật, được tô vẽ cho đẹp bảng thành tích cá nhân, cho đẹp lòng phụ huynh, cho vừa lòng cấp trên.

Ở khâu cuối cùng, giáo viên, vì những lý do xưa như quả đất, chẳng tội gì không “make-up” cho đẹp bảng điểm cả lớp toàn giỏi với khá theo lối tư duy "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" của một bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình. “Thẳng lưng” được hiểu là những điều đúng, điều tốt, những người tốt mà lại bị coi là dị biệt, là khuyết tật thì quá đau xót, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Các nhà quản lý bày đặt ra hệ thống trường nọ trường kia.  Tâm lý phụ huynh ai chả muốn con cái được học ở trường tốt. Thế là đổ xô đi chọn trường. Mà có được học bạ khá giỏi thì mới dám gõ cửa các trường điểm, mới dám mon men vào trường chuyên. Kết quả sơ tuyển năm đầu cấp của các trường này cho thấy không ít hồ sơ điểm toàn 10, chứ không phải 9,10, nhưng bài làm toàn 1,2, thậm chí 0 điểm. Tiểu học vẫn mù chữ ở ngay cả thành phố lớn chứ chưa nói vùng sâu vùng xa, hết Trung học cơ sở không biết giải phương trình bậc 1, tốt nghiệp Trung học phổ thông không biết giải phương trình bậc 2, hay viết câu văn số lỗi nhiều hơn số chữ,…

Cần nhắc lại kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông  năm 2007, năm đầu tiên thực hiện chế độ thanh tra ủy quyền của Bộ về tận từng hội đồng thi, có những hội đồng thi ở vùng sâu vùng xa, thậm chí không sâu xa cho lắm vẫn không có thí sinh nào tốt nghiệp, nhiều tỉnh vốn bị coi là vùng trũng về giáo dục kết quả thực tế đảo lộn so với năm 2006 và những năm trước đó. Kết quả ít thay đổi chỉ có Hà Nội, TP HCM và một vài tỉnh thành vốn có truyền thống hiếu học cùng những điều kiện khách quan thuận lợi hơn về mọi mặt. Từ trung ương đến địa phương đều choáng váng. Sau cơn muối mặt này, các nhà quản lý chọn giải pháp buông xuôi, thu hẹp dần thành phần và phạm vi thanh tra (từ mùa thi 2010) và thế là đâu hoàn đấy.

Được đà, các địa phương vùng trũng lập tức quật khởi vùng lên, vượt mặt các trung tâm văn hóa lớn về số lượng thủ khoa và điểm số tuyệt đối các môn sau mỗi mùa thi. Phụ huynh các thành phố lớn có thêm cơ hội chì chiết lũ trẻ vốn đã khốn khổ vì học chính, học thêm, học các lớp luyện thi, “Đấy, có mà xách dép cho con người ta.” Mãi đến năm 2018, nhờ sự “đỏng đảnh” của Bộ Giáo dục (ý là công tác điều hành quản lý cùng mức độ khó dễ của đề thi cứ thay đổi loạch xoạch suốt) làm lộ vụ gian lận điểm thi ở mấy tỉnh vùng núi Tây Bắc mới giải oan cho những học sinh trót sinh ra là người thành phố mà lại mang tiếng dốt hơn các bạn ở vùng sâu vùng xa.

Nhìn lại ngành giáo dục từ

Những năm xưa, dạo còn phải thi đại học sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, mỗi phòng thi may lắm đỗ được một vài thí sinh. Tính tỉ lệ phần trăm trên phạm vi cả nước thì cũng chỉ độ 3-5% đỗ là “kịch đường tàu” theo lối nói dân giã. Thế mà vào đại học rồi, cũng đầy người không ra trường nổi. Sinh viên khối trường kỹ thuật những năm ấy, ai mà không bị mấy dòng quy chế “kinh dị” ám ảnh “Hai môn kiểm tra bằng một môn thi. Kết thúc năm học, nợ một môn thì lưu ban, không cho phép lưu ban hai năm liên tiếp, nợ một môn rưỡi bị buộc thôi học.” Đến nay thì sao, tuyển sinh đại học gần như không thí sinh nào trượt, trừ khi không muốn học mà thôi. Và đã bước qua cổng trường đại học thì gần như chắc chắn có bằng tốt nghiệp. Sơ đồ hình chóp mang tính kinh điển trong giáo dục đào tạo được thay thế bằng sơ đồ hình trụ mới thật trớ trêu!

Những con số so sánh ở trên nói lên điều gì: phải chăng năng lực trí tuệ của học sinh Việt Nam từ thời kỳ cải tổ đổi mới đã tăng vọt lên như vậy ư? Hay thực chất là chuẩn đánh giá của chúng ta đã bị hạ thấp quá mức để lấy thành tích thi đua?

Chừng năm, bảy năm trở lại đây, tuyển sinh đại học bắt đầu xuống dốc. Ban đầu là các trường nhóm dưới. Rồi đến cả những trường nhóm đỉnh cũng khó khăn. Chả có gì khó hiểu trong chuyện này cả. Giáo dục đại học đang dần trở về vị trí đúng nghĩa của nó. Bởi lẽ, giáo dục đại học không nhất thiết phải dành cho tất cả mọi người ở khía cạnh nhân lực cho hoạt động xã hội. Ở ta có sự nhập nhèm giữa hai khái niệm “đào tạo nhân lực” và “mở mang dân trí”. Đào tạo nhân lực thì cần tinh chứ không cần đa. Tỉ lệ một thầy – trăm thợ mới là đúng. Còn nhu cầu mở mang dân trí thì cứ nên rộng mở. Có việc làm, có thu nhập đảm bảo cuộc sống rồi, muốn trang bị thêm kiến thức mình quan tâm thì ghi danh học mấy trường chẳng được, miễn là đủ năng lực tài chính. Đằng này ai cũng muốn làm thầy, chả ai muốn làm thợ hết.

Thuở cách mạng mới thành công, những người đặt nền móng cho nền giáo dục nước nhà đã lựa chọn ngay mô hình khá là đơn giản, ai nhìn cũng hiểu được ngay: đó là hệ thống giáo dục phổ thông 3 cấp (1,2,3), hệ thống giáo dục trung cấp và cao đẳng, hệ thống giáo dục đại học. Chỉ cần hết cấp 2 là học sinh đã có thể học trung cấp nghề, thậm chí một số ngành cao đẳng, ra trường làm việc được ngay. Hết cấp 3, học sinh có thể lựa chọn thi vào hệ đại học ra trường thành kỹ sư có khả năng sáng tạo và tư duy quản lý, hoặc vào cao đẳng ra trường thành cử nhân hay kỹ sư thực hành. Đang mạch lạc như thế thì các nhà cải cách giáo dục nhảy vào. Ý tưởng của các “nhà” này phong phú đến mức có phụ huynh từng phải hài hước than thở “Mỗi sáng tỉnh giấc, điều đầu tiên là nơm nớp lo lắng xem liệu ngành giáo dục có cải cách gì mới nữa không đây!” Ngôi nhà giáo dục đang yên đang lành, cho dù còn có những điều chưa thật sự được như ý, bị cơn cuồng phong cải cách quật cho tan tơi. Và mới đây thôi, dự án đổi mới xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân tốn nhiều tỉ tiền thuế của dân, mà chỉ cần đọc qua cũng thấy chả khác gì lớn so với hệ thống “lạc hậu cũ kỹ” ở trên cả.

Và con số thống kê mới nhất là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay có ngót 900.000 học sinh tham gia, trong đó hơn 1/3 không có nguyện vọng vào đại học. Vậy là với khoảng trên 500.000 thí sinh còn lại, chia đều cho số lượng cũng đến 500 trường đại học các kiểu đang hoạt động thì mỗi trường được đúng 1.000 sinh viên. Tuy nhiên, các trường nhóm trên mỗi trường đã “làm” dăm ba nghìn rồi thì các trường nhóm dưới còn gì nữa!

Giả dối trong lĩnh vực nào cũng là có tội. Trong giáo dục thì tội càng to!

Thầy giáo Vũ Xuân Hiển

KQXSCM 27/12/2021: Trực tiếp xổ số Cà Mau thứ Hai ngày 27/12/2021

KQXSCM 27/12/2021: Trực tiếp xổ số Cà Mau thứ Hai ngày 27/12/2021

Xổ số Cà Mau (XSCM 27/12/2021) bắt đầu quay thưởng từ lúc 16h15 ngày 27/12/2021. Bạn đọc có thể theo dõi trực tiếp tại đây.