Cùng với giá xăng dầu tăng mạnh nhiều vấn đề bất cập khác, đặt ra vấn đề trách nhiệm và câu trả lời của tư lệnh ngành

Cùng với giá xăng dầu tăng mạnh, nguồn cung cùng nhiều vấn đề bất cập khác trên thị trường này bộc lộ, đặt ra vấn đề trách nhiệm và câu trả lời của tư lệnh ngành.

Trước biến động rất lớn từ thị trường xăng dầu thế giới, xăng dầu trong nước lập "đỉnh" liên tục về giá. "Cao nhất 8 năm", "cao nhất 9 năm"... rồi "lập đỉnh lịch sử" là những cụm từ đi liền với giá xăng. Trước phiên điều chỉnh hôm 11/3, người dân tại Hà Nội ùn ùn đi mua xăng. Nhiều người mang cả can, bình, thùng phuy… để mua tích trữ. Bối cảnh vô cùng rối ren, nhiều người ví thị trường nhộn nhịp như "trẩy hội"... Hệ quả, không chỉ khu vực miền Nam, ở Hà Nội cũng xuất hiện những biển thông báo hết hàng.

Đến thời điểm này, Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy. Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II năm nay "không bao gồm nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn". Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, quản lý điều hành xăng dầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn cung. Bộ Công Thương cần phải ưu tiên cân đối đảm bảo nguồn cung, xây dựng kịch bản, chỉ đạo các nhà máy ra sao miễn "không để thị trường thiếu hụt".

Việc thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, xã hội. Nhà nước đã giao cho Bộ Công Thương công cụ, chính sách để quản lý thị trường, đảm bảo thông suốt sản xuất, nguồn cung, phân phối thì trách nhiệm của Bộ rất lớn, theo ông Ánh.

Ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít - mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 rơi vào mùng 1 Tết nên theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo. Cùng khoảng thời gian này, hàng loạt những bất cập trong vấn đề nguồn cung xăng dầu bộc lộ rõ nét hơn. Một loạt cửa hàng xăng dầu trong khu vực phía Nam đóng cửa, treo biển hết hàng…

Dẫn đến tình trạng này, một số nguyên nhân chính được chỉ ra. Thứ nhất, việc lùi thời gian điều chỉnh bất chấp giá thế giới tăng cao, khiến giá trong nước bị nén lại. Khi doanh nghiệp càng bán càng lỗ sẽ dễ dẫn tới hiện tượng găm hàng hoặc không muốn bán hàng… Nhiều chuyên gia lập tức lên tiếng cho rằng nếu giá xăng dầu được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn thì sẽ không xảy ra hiện tượng đóng cửa, ngừng bán, gây xáo trộn và ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đề nghị cân nhắc việc có nên để Liên Bộ điều hành giá hiện nay hay không. Theo quan điểm của ông Ánh, nên bỏ cơ chế này. "Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để quản lý giá trong khi thị trường và sản xuất do Bộ khác quản lý. Vậy quản lý giá từ đâu? Tôi cho rằng nên giao Bộ Công Thương quản lý giá, còn Bộ Tài chính thiết kế lại các khoản thu ngân sách đối với xăng dầu. Tất cả nên giao về một đầu mối để gắn với trách nhiệm. Việc liên bộ cùng quản lý rất khó để biết, việc này của ai, Bộ nào, trách nhiệm ra sao", ông Ánh đề xuất.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc giá xăng dầu "liên tục âm" ngay khi vừa điều chỉnh giá khiến doanh nghiệp "triệt tiêu" động lực kinh doanh. Dẫu biết các doanh nghiệp kinh doanh lúc lời lúc lỗ nhưng việc lỗ triền miên kéo dài sẽ tác động ngược lại, gây trục trặc cho việc thông suốt nguồn cung.

Tại kết luận được ban hành ngày 10/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh để xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân… là trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc nguồn cung có nhiều xáo trộn được chỉ ra là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất. Trong khi đó, nhà máy này cung ứng ra thị trường 35-40% nhu cầu xăng, dầu trong nước.

Ngay đầu tháng 1 và tháng 2 năm nay, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Bộ Công Thương thừa nhận, việc nhà máy này không bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu nội địa.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - chỉ ra, việc giá xăng dầu đang đi sau thế giới nên gây ra hiện tượng tăng "sốc" và cũng là lý do khiến doanh nghiệp "càng bán càng lỗ". Theo ông Thỏa, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường lại vẫn xảy ra bất ổn. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những bất cập cả về "cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành".

Về cung cách điều hành, ông Thỏa cho rằng công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra. Vấn đề nổi cộm khác hiện nay, theo ông Thỏa, đó là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày. Nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). "Quy định đó làm cho giá trong nước lệch pha với giá thị trường thế giới. Giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo", ông Thỏa. Theo đề xuất của ông Thỏa, chu kỳ điều hành giá cần thay đổi theo hướng phù hợp với biến động của thị trường.

Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình cung ứng, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Tại phiên họp thứ 9, trên cơ sở các nguồn thông tin và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thuộc ngành Công Thương.

Trong đó, tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua là một trong nhóm nội dung lớn và "nóng rẫy" mà ông Nguyễn Hồng Diên sẽ phải làm rõ khi đăng đàn trả lời chất vấn.

Tổng Hợp