Đại sứ Mỹ: "Chúng tôi cảm kích Việt Nam xem xét việc nâng cấp quan hệ chưa từng có tiền lệ"

"Chúng tôi vô cùng biết ơn và vinh dự khi chính phủ Việt Nam xem xét sự nâng cấp phi thường và chưa từng có này”, Đại sứ Marc Knapper nói.

Nâng cấp phi thường và chưa từng có tiền lệ

Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 13/9 do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã gọi việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững là sự nâng cấp phi thường và chưa từng có.

“Quan hệ 2 nước đã được nâng lên 2 bậc. Chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn và vinh dự khi chính phủ Việt Nam xem xét sự nâng cấp phi thường và chưa từng có này”, Đại sứ Marc Knapper nói.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Thanh Phạm
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Thanh Phạm

Cũng theo Đại sứ Mỹ, điều này thực sự phản ánh thời điểm đặc biệt này khi mối quan hệ đối tác của hai nước đã trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Quyết định nâng cấp quan hệ 2 nước đang cho thấy tương lai của hai nước giờ đây gắn bó chặt chẽ với nhau, ông Marc Knapper khẳng định.

“Chúng tôi hài lòng với kết quả chuyến thăm. Bản thân Tổng thống cũng rất vui mừng”, Đại sứ Mỹ nói.

Về chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, các cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí ấm áp.

Đại sứ Mỹ cũng cho biết ông cảm động khi chứng kiến cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau là năm 2015 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington. Tổng thống Biden, lúc đó là Phó Tổng thống, là người tiếp đón. Đại sứ Mỹ cho rằng chính lần gặp nhau đầu tiên này đã mang lại cảm thức mạnh mẽ của tình bằng hữu và sự bền vững cho cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo vào ngày 10/9 và tiếp tục kéo dài đến hôm nay.

Đại sứ Mỹ chia sẻ, trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden ó một sự kiện đặc biệt cảm động, đó là khi Tổng thống hội kiến Chủ tịch Quốc hội, đã một buổi lễ nhỏ trao đổi các hiện vật từ chiến tranh. Các cựu chiến binh Mỹ đã trao cho một cựu chiến binh Việt Nam cuốn nhật ký của ông từ thời chiến.

“Điều này thật phi thường. Đặc biệt đối với cá nhân tôi, bởi cha tôi là một cựu chiến binh đã tham chiến tại Việt Nam”, Đại sứ Knapper nói.

Đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết hai nước đã cam kết hợp tác trong một số vấn đề quan trọng nhất định hình tương lai của hai nước. Đó là các lĩnh vực khoa học và công nghệ, các lĩnh vực liên quan đến chất bán dẫn, giáo dục và đào tạo, phát triển lực lượng lao động có kỹ năng.

“Tất cả những điều này nhằm mục tiêu đảm bảo rằng Việt Nam có lực lượng lao động cần thiết trong thế kỷ 21 để đáp ứng những thách thức và cơ hội của thế kỷ 21, để đảm bảo Việt Nam ngày càng trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong các mặt hàng như mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước chúng ta”, ông Marc Knapper cho hay.

Trước đó, trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ, Việt Nam và Mỹ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Trong đó, Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Lan Hương

Những lợi ích khi Việt Nam tham gia thanh toán xuyên biên giới

Những lợi ích khi Việt Nam tham gia thanh toán xuyên biên giới

Việt Nam tham gia thanh toán xuyên biên giới được đánh giá là một bước tiến lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng đẩy mạnh kết nối thanh toán xuyên biên giới.