Đạm Phương nữ sử - nữ kí giả Việt Nam tiên phong đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ

Đạm Phương Nữ Sử là một phụ nữ xuất thân từ hoàng tộc, một công nương của nhà Nguyễn, nhưng lại là người có ảnh hưởng rất tích cực đến các hoạt động xã hội và văn học, báo chí, quyền và các giá trị sống của phụ nữ.

Bà để lại nhiều tác phẩm có giá trị, bà không chỉ là gương mặt nổi bật trong lĩnh vực văn chương báo chí, mà còn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Trong khoảng 10 năm, từ 1918 đến 1929, Đạm Phương là một trong những phụ nữ nổi tiếng trong các hoạt động xã hội và hoạt động văn học - báo chí. Tổ chức Nữ công học Hội Huế của bà đã hoạt động tích cực và hiệu quả với các chương trình mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức của phụ nữ. Bà có khoảng gần hai trăm bài báo, tất cả đều viết theo các chuyên đề hướng dẫn phụ nữ cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình… Là người thông thạo Hán văn, Pháp văn, bà đã tiếp thu tinh hoa thế giới rồi sau đó dùng chữ quốc ngữ phổ biến cho phụ nữ trong nước. Nhờ hoạt động và các bài viết của bà, nhiều phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã có thể tiếp cận các tri thức mới, tư tưởng mới.

Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền.
Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền.

Đạm Phương Nữ Sử tên thật là Công Tôn nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại phủ Tôn Nhơn, kinh đô Huế. Thân phụ bà là Nguyễn Miền Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, thụ tước Hoàng Hoá Quận Vương. Tuy sinh ra trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược cai trị, nhưng do thuộc dòng dõi vua chúa nên Công Tôn Nữ Đồng Canh vẫn có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Thời niên thiếu Công Tôn Nữ Đồng Canh được thụ hưởng nền giáo dục truyền thống nghiêm tức của hoàng tộc, nhờ vậy bà giỏi cả Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ, cầm, kỳ, thi, hoạ và giỏi nữ công gia chánh. Những kiến thức phong phú được rèn luyện trong suốt thuở thiếu thời đã chung đúc thành vốn văn hoá vững chắc, sâu rộng, tạo điều kiện cho Công Tôn Nữ Đồng Canh thành công trong sự nghiệp.

Năm 1897, 16 tuổi, Công Tôn Nữ Đồng Canh lập thân với ông nghè tập ấm Nguyễn Khoa Tùng, hậu duệ thứ 6 của Nguyễn Khoa Chiêm, quê gốc Hải Dương, nay thuộc xã Lê Lợi - huyện An Hải - Hải Phòng, tác giả cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí, tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta. Ông bà sinh hạ được ba người con gái và ba người con trai, tất cả đều được rèn luyện trong nền giáo dục nghiêm cẩn. Ba người con trai của bà lần lượt ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc, trong đó có nhà lý luận mác xít tiền bối xuất sắc Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.

Đạm Phương Nữ Sử có lợi thế từ vốn văn hoá sâu rộng nhờ thông thạo Hán văn, Pháp văn. Bà đọc nhiều, hiểu sâu, biết rộng, sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền của các nhà cách mạng tư sản dân chủ Pháp, Trung Quốc như J.J.Rutxô, X.Xi mông, Lương Khai Siêu, Tôn Dật Tiên…, bà còn được tiếp xúc với các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thức Kháng và các đảng viên cộng sản Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… Tri thức và những mối quan hệ đó đã thúc đẩy Đạm Phương Nữ Sử chuyển hoá nhận thức, tự giác đứng vào hàng ngũ những trí thức tiến bộ của thời đại.

Năm 1926, Đạm Phương Nữ Sử sáng lập Nữ công học hội Huê, trực tiếp làm đội trưởng, tự dự thảo tôn chỉ, mục đích, nội quy, chương trình hoạt động của Hội. Đây là tổ chức phụ nữ phi chính phủ đầu tiên ở nước ta buộc chính quyền thực dân phong kiến thừa nhận. Hội thu hút nhiều hội viên từ ba miền Bắc, Trung, Nam và Lào tham gia sinh hoạt theo định kỳ. Chương trình hoạt động của Hội rất phong phú, cụ thể và thiết thực. Tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ, từ a-b-c đến đọc thông viết thạo; tổ chức dạy chuyên đề để nâng cao hiểu biết cho những hội viên đã biết chữ; sau cùng là dạy đại cương về giáo dục phụ nữ, dạy cách nấu ăn, dạy những nghề thông dụng để phát triển thành một nghề kiếm sống. Hội còn cung cấp tri thức và kinh nghiệm tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái, đồng thời tạo điều kiện cho chị em làm quen với hoạt động tập thể, tiến tới tham gia công việc xã hội, đã trở thành chỗ dựa cho phong trào nữ học sinh trường Đồng Khánh, trường Quốc học Huế bãi khoá. Các bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức trẻ Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, Nguyễn Lân rất hoan nghênh và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động của Hội, đã góp phần vào thành công và nâng cao uy tín của Hội. Xu hướng tiến bộ của Nữ công học hội Huế dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương Nữ Sử được dư luận, báo chí đánh giá cao và nhiệt tình cổ vũ. Ảnh hưởng của Hội lan truyền khắp cả nước, đã dấy lên phong trào hoạt động xã hội tích cực của phụ nữ ở các vùng Vinh, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, Hội An, Nha Trang, Sài Gòn, Gia Định, Cần Thơ...

Những người đàn bà xưa, thế kỷ 19, 20 (Ảnh:pinterest)
Những người đàn bà xưa, thế kỷ 19, 20 (Ảnh:pinterest)

Năm 1929, Đạm Phương bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam bởi hoạt động của bà đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào yêu nước, bởi các con trai bà hoạt động trong các tổ chức cộng sản và yêu nước bị lộ. Hai tháng sau bà được thả nhưng không được tự do hoạt động và ngày càng bị giám sát chặt chẽ hơn; các con trai bà, Nguyễn Khoa Tú, Nguyễn Khoa Vĩ, Nguyễn Khoa Văn cũng lần lượt ngã xuống trên đường tranh đấu. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19. 12. 1946) , bà tản cư ra Thanh Hoá. 

Tuổi già sức yếu lại phải chịu những nỗi đau riêng, Đạm Phương Nữ Sử đã tạ thế ngày 10 tháng 12 năm 1947 tại Lạc Lâm, Thanh Hoá, hưởng thọ 66 tuổi. Sinh thành nơi lầu son gác tía nhưng Công Tôn Nữ Đồng Canh đã trở thành Đạm Phương Nữ Sử - một trong những nữ ký giả Việt Nam đầu tiên, một phụ nữ yêu nước đem cả cuộc đời, văn nghiệp cống hiến cho sự nghiệp độc lập dân tộc và tiến bộ của đất nước. Hiệu quả trong nỗ lực hoạt động xã hội những năm đầu thế kỷ XX cùng với những trang viết của bà, đặc biệt, những công trình giá trị Giáo dục nhi đồng, Phụ nữ dự gia đình, Gia đình giáo dục thường đàm… không chỉ là những đóng góp cho các lĩnh vực Việt ngữ: ngôn ngữ báo chí, văn, thơ, dịch thuật, mà còn là những đóng góp không nhỏ cho phong trào đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Trong khoảng 10 năm, từ 1918 đến 1929, Đạm Phương là một trong những phụ nữ nổi tiếng trong các hoạt động xã hội và hoạt động văn học - báo chí. Tổ chức Nữ công học Hội Huế của bà đã hoạt động tích cực và hiệu quả với các chương trình mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức của phụ nữ. Bà có khoảng gần hai trăm bài báo, tất cả đều viết theo các chuyên đề hướng dẫn phụ nữ cách sinh con, nuôi con, cách tổ chức gia đình… Là người thông thạo Hán văn, Pháp văn, bà đã tiếp thu tinh hoa thế giới rồi sau đó dùng chữ quốc ngữ phổ biến cho phụ nữ trong nước. Nhờ hoạt động và các bài viết của bà, nhiều phụ nữ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã có thể tiếp cận các tri thức mới, tư tưởng mới.

Khác với hầu hết các nữ sĩ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam ngày ấy, Đạm Phương đi con đường riêng. Nếu như Sương Nguyệt Anh, Sầm Phố, Cao Thị Ngọc Anh… chủ yếu làm thơ để bộc bạch nỗi niềm nghĩa nước, tình nhà thì với Đạm Phương, ngoài những bài thơ thấm đượm nhân tình thế thái, bà đã đăng tải trên báo chí những áng văn xuôi sắc sảo bằng tiếng Việt nhằm canh tân đất nước bắt đầu từ sự tiến bộ của phụ nữ.

Những người đàn bà Huế năm 1923. Ảnh: Princest. 
Những người đàn bà Huế năm 1923. Ảnh: Princest. 

Năm 1918, Công Tôn Nữ Đồng Canh với bút danh Đạm Phương Nữ Sử chính thức xuất hiện trên các báo, tạp chí ở Bắc kỳ và Nam kỳ. Bà tham gia viết bài cho các tờ báo lớn, uy tín Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Hữu Thanh…; giữ chuyên mục “Lời đàn bà” trên báo Thực nghiệp; trợ bút đắc lực cho báo Trung Bắc tân văn và giữ chuyên mục “Văn đàn bà” của báo từ năm 1919 đến năm 1928. Với mong muốn dùng báo chí như một công cụ đấu tranh đắc lực cho quyền tự do dân chủ của con người và quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam, từ năm 1918, Đạm Phương liên tục có bài đăng trên nhiều tờ báo uy tín khắp cả nước. Để mau chóng đạt được mục đích, bà còn vận động thành lập một tờ báo dành riêng cho phụ nữ và tờ Phụ nữ tùng san đã ra đời tháng 5 năm 1929 ở Huế, góp phần giúp bà tuyên truyền cho phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ và triển khai các hoạt động của Nữ công học Hội.

Đạm Phương sử nữ - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, có nhiều tác phẩm để lại. 
Đạm Phương sử nữ - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, có nhiều tác phẩm để lại. 

Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo bằng chữ quốc ngữ, Đạm Phương còn đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng nền quốc văn bằng cách liên tục cho xuất hiện trên báo chí thời đó nhiều bài viết thuộc nhiều thể loại văn chương khác nhau như khảo cứu, nghị luận, ký… Nhưng, vượt lên trên tất cả những đóng góp có ý nghĩa ấy trong tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà giáo dục là tư tưởng dân chủ tiến bộ được chuyển tải rõ ràng, sắc sảo, đầy thuyết phục trong tất cả các bài viết mà bà dày công chăm chút. Đạm Phương cảm nhận hết sức sâu sắc ý nghĩa của tự do - dân chủ - bình đẳng đối với sự phát triển năng lực và hạnh phúc riêng tư của người phụ nữ. Tuyên bố nữ quyền của Đạm Phương được tóm tắt thật đầy đủ, khúc triết:

+ Muốn bình quyền, bình đẳng với nam giới, trước hết người phụ nữ phải có những khả năng cần thiết nhất, đó là đức hạnh và tài năng.

+ Đức hạnh và tài năng trước hết phải được giáo dục và rèn luyện trong gia đình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành.

+ Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là học hết bậc tiểu học (thời Pháp thuộc) .

+ Với vốn tri thức cơ bản đó, người phụ nữ phải học lấy một nghề để có thể sống tự lập và góp phần phát triển kinh tế, không phụ thuộc, ỷ lại vào nam giới, không ăn bám chồng con.

Tư tưởng tiến bộ của bà đến nay vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng hổi.

Thời ấy tuyệt đại đa số phụ nữ Việt Nam mù chữ, không được học hành, bị khinh rẻ, bị chà đạp, nên ngòi bút của Đạm Phương tập trung hướng về giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho phụ nữ được bình quyền, bình đẳng với nam giới. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, nhiều bài viết của bà đã thể hiện quan điểm mới mẻ và tầm nhìn sâu rộng. Trong bài Bàn về giáo dục con cái trên tờ Trung Bắc tân văn, bà viết: “Giáo dục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc tương lai. Phải giáo dục cho họ có cái gì làm chuẩn đích để sau này ra đời họ biết đạo xử thế. Vì cuộc đời như một cái bể rộng mênh mông mà cuộc đời mỗi con người như con thuyền đi trên mặt nước, có vững tay lái chèo mới mong lướt sóng ra khơi, gặp khi ba đào phong vũ cũng biết tìm thoan máy mà đỡ gạt theo phương hướng đúng mà đi. Chiếc thuyền kiên cố, lái chèo vững vàng là sự mạnh dạn, là học thức rộng rãi để đam đương sự đời”.

Trong chuỗi bài báo của Đạm Phương từ năm 1918 đến 1929 có thể thấy nhiều bài phản đối mạnh mẽ sự bất bình đẳng, trói buộc tự do, dân chủ. Trước hết, bà phủ định lễ giáo phong kiến, chỉ ra sự hà khắc, coi người phụ nữ như nô lệ và thẳng thắn bộc lộ chính kiến: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bắt người đàn bà thủ tiết thờ chồng khi chồng chết, hạn chế học hành của phụ nữ đều phải vứt bỏ cùng với tam tòng tứ đức” (l). Đề tài này còn trở lại trong lời phi lộ cho số ra mắt tờ Phụ nữ tùng san, tháng 5.1929. Trong bài viết, Đạm Phương phân tích, lên án những điều phi lý, bất công của chế độ phong kiến áp đặt cho người phụ nữ, rằng phụ nữ không được học hành nhiều vì chỉ có bổn phận sinh con đẻ cái cơm nước, quanh quẩn trong nhà”. Tuy đấu tranh quyết liệt đòi vút bỏ những quy tắc phi nhân bản, bất bình đẳng đối với phụ nữ, nhưng Đạm Phương không bao giờ quên lưu ý phụ nữ, trẻ cũng như già, phải thực hiện tốt những chức năng gia đình. Trong bài Người đàn bà phải nên trông coi việc nhà đăng trên tờ Trung Bắc tân văn năm 1925, bà nhắc nhở phụ nữ cần tu rèn chữ ngôn sao cho “có sở ngôn thì cũng phải có sở hành”, rèn chữ kiệm ước làm đầu, rèn chữ nhân nghĩa sao cho trên thuận dưới hoà, rèn chữ công sao cho có nghề nghiệp nuôi sống mình và gia đình, rèn chữ hạnh sao cho toàn vẹn học vấn và hạnh kiểm mới nên danh giá.

“Giáo dục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc tương lai”(2). Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người mẹ trong quá trình hình thành nhân bản và phát triển thể chất của con trẻ, Đạm Phương Nữ Sử hết sức chú ý đến việc giáo dục người phụ nữ trước khi làm mẹ, bởi giáo dục phụ nữ và nhi đồng là hai giai đoạn nối tiếp trong một quá trình thống nhất mang tính nhân quả. Muốn giáo dục nhi đồng hiệu quả trước hết người phụ nữ phải được giáo dục làm mẹ hoàn thiện. Đây là một cách nhìn mới được Đạm Phương Nữ Sử đặt ra ngay từ những năm đầu thế kỷ mặc dù lúc ấy xã hội Việt Nam còn trong sự thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến. Bà nhắc lại lời cổ nhân “Thập niên thọ mộc, Bách niên thọ nhân”(3) (Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người) để nhấn mạnh giáo dục nhi đồng là sự nghiệp lâu dài. Những phẩm chất tinh thần mà con người cần hướng tới hoặc tránh xa cũng được Đạm Phương chỉ đích danh trong các bài học dành cho các bậc cha mẹ: cần ngăn ngừa cho trẻ các thói xấu như tham lam, dối trá, tin nhảm…, cần rèn cho trẻ các tính tốt như lòng trung hậu, tính kiên nhẫn, lòng thương người…

Trên nhiều tờ báo thời ấy có thể tận thấy nhiều bài viết đề cập đến nữ học của Đạm Phương. Bà phân tích lợi ích của việc học giúp cho người phụ nữ mở mang kiến thức, hiểu được đạo lý làm người để dạy bảo con cái, lo toan việc nhà và tham gia các công việc xã hội hữu ích. Xuất phát từ nhận thức đó, bà nhấn mạnh: “Nay vấn đề nữ học thật là một sự quan trọng nhất trong mấy ngàn năm của nước ta”(3).

Rất nhiều vấn đề trong đời sống người phụ nữ cũng đã được Đạm Phương Nữ Sử đề cập ở nhiều bài viết khác. Tình cảm đàn bà, Bàn về chữ ái tình, Tự do hôn nhân, Về nữ ngôn, Về quản tý tài chính, Giáo dục con gái, Cách dạy con… tác phẩm nào cũng cho thấy tư duy của bà khá phong phú và sâu sắc về chủ đề giáo dục phụ nữ, nhi đồng. Song, điều đáng lưu ý hơn cả trong hàng loạt bài báo mang tính giáo dục phụ nữ của Đạm Phương là bà luôn nhấn mạnh đến bổn phận, nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm của con người.

Theo quan niệm của Đạm Phương, người phụ nữ có học thức cần phải có nghề nghiệp để có thể sống tự lập, không phụ thuộc vào chồng con và cho rằng đây chính là cơ sở đầu tiên để tiến tới nữ quyền, bình đẳng với nam giới. Đạm Phương còn khẳng định, đóng góp cho xã hội là một nét đạo đức của người biết bổn phận và có lương tâm. Bởi vậy, bà đã không ngần ngại kêu gọi, thức đẩy nữ lưu đương thời mạnh dạn bước vào con đường học tập để có nghề nghiệp, đồng thời phải hiệp lực xây dựng một tổ chức xã hội nhằm đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp phụ nữ phấn đấu tiến bộ, tạo được chỗ đứng bình đẳng trong xã hội. Trong bài Muốn cho nữ lưu biết chức nghiệp, phải có học hội nữ công (4), bà viết: “Nước mình đàn bà con gái không phải không có óc thông minh, cũng không phải không có tài năng, song không biết cách cùng nhau mà mưu sự nghiệp hạnh phúc chung, làm cho sự nghiệp về đường nữ công là cái phận sự của mình phải nên chăm chút để gây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới mong mở mặt với người ta”.

Ngoài viết báo, Đạm Phương Nữ Sử còn chọn dịch, giới thiệu trên báo chí hoặc xuất bản thành sách để phổ biến những công trình có giá trị về giáo dục phụ nữ và nhi đồng các nước trên thế giới như Gái trinh liệt, Gia đình giáo dục đàm (Trung Quốc); Dưỡng trẻ con, Trường trẻ con (Pháp), Vườn trẻ con (Đức), Nhà trẻ con (Ý)… Những tác phẩm này cung cấp nhiều kinh nghiệm quý báu cho người dân Việt Nam trong quá trình dưỡng dục thế hệ trẻ thơ.

Văn hoá dân tộc cũng được Đạm Phương dành thời gian nghiên cứu. Công trình Lược khảo về Tuồng hát An Nam của bà đăng trên tạp chí Nam Phong số 76, tháng 10 năm 1923 được coi là một trong hai công trình khảo cứu sân khấu dân tộc đầu tiên thể hiện bằng chữ quốc ngữ và bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên khảo cứu sân khấu dân tộc. Bà cũng được coi là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ. Nhà nghiên cứu Lê Thanh Hiền còn cho rằng Đạm Phương Nữ Sử mới đúng là cây bút nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết chứ không phải là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà như các tài liệu vẫn ghi chép. Theo nghiên cứu của Lê Thanh Hiền, bi tình tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương Nữ Sử công bố lần đầu trên tạp chí Trung Bắc tân văn năm 1923, tác phẩm được in thành nhiều kỳ từ số ra ngày 25. 5 đến số ra ngày 21.7, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hoà ba năm sau mới xuất bản, năm 1926.

Nghiên cứu văn phẩm của Đạm Phương Nữ Sử dễ dàng nhận thấy trong lịch sử phụ nữ Việt Nam, bà quả là nhân vật đi trước thời đại. Là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều thứ tiếng, do đó bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tầm nhìn rộng mở, tiếp thu tinh hoa nhân loại và chuyển tải qua các phương tiện báo chí, văn học, dịch thuật, phổ biến cho đồng bào đất nước mình. Cũng qua di sản còn thấy Đạm Phương Nữ Sử là nữ tác gia dẫn đầu về số lượng tác phẩm được viết bằng nhiều thể loại xuất bản trước năm 1945.

Đặc biệt hơn, bà còn là nữ trí thức Việt Nam đầu tiên quan tâm đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ từ khi lọt lòng mẹ đến tuổi cắp sách tới trường. Đây là giai đoạn tiền phát triển của mỗi trẻ thơ nói riêng và của thế hệ trẻ thơ nói chung mà nền giáo dục phong kiến Việt Nam tồn tại hàng nghìn năm chưa từng đề cập tới. Bà cũng chính là người đầu tiên nhận ra vai trò quan trọng của người mẹ trong giai đoạn tiền phát triển của trẻ thơ mà không ai có thể thay thế. Tâm huyết với những phát hiện này bà đã nỗ lực nhiều năm khảo cứu, biên soạn công trình Giáo dục nhi đồng, cuốn sách được coi là giáo khoa đầu tiên tặng các bà mẹ Việt Nam làm công cụ giáo dưỡng con trẻ. Ra đời năm 1942 nhưng đến nay Giáo dục nhi đồng vẫn là cuốn sách hữu ích cho các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ cùng các cô nuôi dạy trẻ trong việc giáo dục nhi đồng. 

Với vai trò sáng lập Hội nữ công đầu tiên ở Việt Nam, tuy tồn tại không lâu nhưng Nữ công học Hội dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương Nữ Sử đã có ảnh hưởng chung và cất tiếng nói riêng, tiếng nói đại diện cho phụ nữ Việt Nam đòi nhân quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến.

Với những hoạt động sôi nổi của cả cuộc đời, Đạm Phương Nữ Sử thực sự là nhân vật trí thức tiến bộ và yêu nước trong lịch sử cận đại Việt Nam. Có nhà báo khẳng định: “Đạm Phương đã làm được cái việc như thể “nữ Oa vá trời”; viết báo, lập báo, tạo dựng một tổ chức xã hội làm cơ sở nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh cho nữ quyền... song, điều đáng chú ý hơn cả trong hàng loạt bài báo mang tính giáo dục phụ nữ, bà luôn nhân mạnh đến bổn phận, nghĩa vụ,.(5)

1 . Trung Bắc tân văn, ngày 21. 6. 1926.

2.Trung Bắc tân văn ngày 24.1.1924.

3. Trung Bắc tân văn, ngày 24. 1. 1924.

4. Nam Phong, số 43, tháng 1. 1921 .

5. Trung Bắc tân văn, năm 1926.

TS. Đỗ Hằng- ThS. Phương Hà

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nữ trí thức vượt mọi khó khăn, cống hiến hết mình cho khoa học

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trò chuyện với TS. Vũ Thị Thu Lan để biết thêm về những cống hiến lặng thầm của các nhà khoa học nữ.