Nhiều năm nay, mỗi khi gần Tết, tôi lại ngồi lên kế hoạch du lịch cho mấy bố con. Có người ghen tỵ “Sướng thế, vi vu đón Tết như thế còn gì bằng?”, có người thì bảo “Ông thật phong cách, luôn chọn cách đón Tết thật đặc biệt!”... Thực ra, tôi rất muốn có một cái Tết bình thường, nhưng nhà không có đàn bà, đón kiểu gì cũng không thành Tết.
Năm đầu tiên sau khi vợ đi xa, tôi cố tổ chức một cái Tết thật đủ đầy cho các con. Nghỉ làm sớm, sắm sửa, trang trí nhà cửa đâu ra đấy, chẳng thiếu thứ gì... mọi thứ đều hoàn hảo trước Tết. Đêm giao thừa cũng quần áo mới, cũng tắm lá mùi, cũng mâm cao cỗ đầy thắp hương khấn vái. Thế rồi năm mới đến, hai đứa con nhỏ mỗi đứa một góc giường ngủ vùi vì chẳng có trò gì vui.
Ngày mùng một, ba bố con dậy muộn, đi một vòng đường phố vắng vẻ rồi về nhà ngủ tiếp, cũng chẳng gì vui. Bọn trẻ con đi ra đi vào một lúc, chán, rồi lại ngủ. Tôi ngồi uống trà chán, rồi cũng ngủ. Sáng mùng hai, ba bố con ngủ chán thì cũng dậy, ngồi nhìn nhau, và ngáp. Nấu mỳ ăn xong, tôi bảo lũ trẻ lên xe, cứ thế đi, một hồi thấy đã ở Nghĩa Lộ.
Thế rồi cứ thế đi hết một vòng Tây Bắc, về đến nhà thì Tết cũng qua.
Những năm sau đó, gần Tết, thay vì sắm sửa, tôi dành thời gian để thiết kế lịch trình đi trốn Tết. Đó là một cuộc chạy trốn thực sự. Tôi chạy trốn sự thất vọng đối với bản thân khi không thể nào tạo ra được sự ấm cúng của một ngôi nhà khi Tết đến, điều mà ngày xưa, chỉ cần vợ tôi nở nụ cười mãn nguyện với lọ hoa cắm đẹp, chỉ cần cô ấy cáu gắt vì tay năm tay mười nấu nướng đêm ba mươi, chỉ cần cô ấy loay hoay buộc tóc cho con gái, xắn quần cho con trai là vị Tết đã tưng bừng.
Ảnh minh họa |
Tết trong ngôi nhà của một người đàn ông với những đứa trẻ con thì không còn là Tết. Bởi những đứa trẻ sẽ không có ai nhắc nhở phải thế này thế kia trong ngày Tết, bởi người đàn ông có tuyềnh toàng đến mấy cũng chẳng ai đánh giá. Tết, mà không có cái áp lực lề thói mà nhiều người vẫn cho là phải chịu đựng thì không phải là Tết, nó chỉ là những ngày nghỉ dài, nhàm chán và vô vị.
Để tránh cái cảm giác cô đơn lúc giao thừa, tôi thường chọn trực đêm 30. Qua giao thừa, về nhà, con đã ngủ say, hàng xóm vẫn râm ran, ngoài đường ríu rít tiếng cười đùa của nhà ai đi hái lộc về muộn. Lúc đó, sự vắng vẻ của ngôi nhà như nhân lên bội phần.
Bọn trẻ nhà tôi lớn lên theo thời gian. Chúng học được nhiều điều từ cuộc sống, từ thầy cô, từ bạn bè... nhưng chúng không học được cái cảm giác háo hức chờ Tết như những đứa trẻ khác. Tết, với chúng chỉ đơn thuần là những ngày nghỉ, đi đâu đó chơi, thờ ơ nghe các câu chuyện Tết của bạn bè.
Có một năm, chúng tôi không thể bắt đầu hành trình trốn Tết sớm. Mùng một Tết, tôi dẫn bọn trẻ đến nhà một người bạn ăn cơm. Lúc xong bữa, ngồi uống trà, vô tình nghe con trai tôi nói chuyện với con của bạn. Nó bảo: “Nhà tớ Tết chả có gì, bố tớ toàn ngủ, hoặc ngồi đọc sách thôi”.
Các con tôi có thèm Tết không? Tôi nghĩ là có, trẻ con luôn thích giống với đa số bạn bè mình, muốn được bình thường sống một cuộc sống bình thường như bao người khác xung quanh mình, muốn có ký ức cộng đồng trong ký ức tuổi thơ. Tôi cũng muốn mang lại cho chúng những cảm nhận bình thường đó, nhưng không phải việc gì cũng cưỡng cầu mà được. Bởi Tết là không gian, là sàn diễn của những người đàn bà, của những người vợ, người mẹ. Đàn bà chính là tác nhân tạo ra cái không gian ấm áp, dịu dàng của ngày Tết. Họ là Tết.
Khi phụ nữ cần...
Chị ấy có tất cả mọi thứ từ chồng, từ bản thân… chỉ thiếu một thứ là không có một kẽ nào cho chị được sống riêng với cái Tôi của mình.