Đặng Lê Nguyên Vũ vô địch Olympia lần thứ 22

Đặng Lê Nguyên Vũ đến từ Thái Bình là thí sinh duy nhất không học trường chuyên tham gia vòng chung kết Olympia lần thứ 22 và đã giành chức vô địch.

 4 gương mặt xuất sắc vào chung kết Olympia lần thứ 22 sáng 2/10 gồm: Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La, Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).

Trong số 4 nhà leo núi, Nguyên Vũ là học sinh duy nhất không đến từ trường chuyên. Cậu cũng là học sinh đầu tiên đưa cầu truyền hình về tỉnh Thái Bình. Trong video giới thiệu, Nguyên Vũ bày tỏ mong muốn học ngành Công nghệ thông tin trong tương lai, để giúp cho sự phát triển của các ngành nghề truyền thống của quê hương Thái Bình.

Nguyên Vũ được mệnh danh là “ông vua Tăng tốc” hay “vua tốc độ”, khi là thí sinh duy nhất của năm 22 giữ kỷ lục 160/160 điểm ở phần thi tăng tốc.

Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 22. Ảnh: Zing
Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 22. Ảnh: Zing

 Trước khi phần thi Khởi động bắt đầu, bốn thí sinh giới thiệu về ý nghĩa màu sắc của chiếc ruy băng đang đeo trên cổ tay. Nguyên Vũ có chiếc ruy băng vàng trên tay. Cậu giải thích: "Vàng là màu của chiến thắng, của huy chương vàng. Màu sắc này cũng gợi em về màu lúa chín - đặc trưng của quê hương Thái Bình", Vũ nói. 

Lượt thi Khởi động đầu tiên có 10 câu hỏi. Nguyên Vũ là thí sinh bấm chuông nhiều lần nhất - bốn lần, trong đó hai câu trả lời đúng, hai câu sai. Khép lại phần thi Khởi động, vị trí tạm dẫn đầu thuộc về Nguyên Vũ với 75 điểm.

Với vòng thi Vượt chướng ngại vật, Nguyên Vũ tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu với 105 điểm. Phần Tăng tốc chứng kiến sự bứt phá và thay đổi điểm số đáng kể của các thí sinh, bởi có điểm tối đa lên tới 160. Nhưng Nguyên Vũ kết thúc phần Tăng tốc với 175 điểm, tiếp tục nhiều điểm nhất và là thí sinh đầu tiên bước vào phần thi Về đích.

Nguyên Vũ chọn gói ba câu hỏi 20 điểm. Sau khi trả lời đúng ở câu hỏi đầu tiên, nam sinh Thái Bình quyết định chọn ngôi sao hy vọng nhưng không thể đưa ra đáp án. Câu hỏi thứ ba hỏi về di tích tại Cà Mau, năm 1962 đón chuyến tàu đầu tiên của đoàn tàu không số cập bến, khai sinh tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, Nguyên Vũ đưa ra đáp án "đất mũi" nhưng không đúng, Nguyên Sơn giành quyền trả lời nhưng cũng không giành điểm, đồng thời bị trừ 10 điểm.

Ở câu hỏi cuối cùng trong gói Về đích của Đình Tùng thuộc lĩnh vực Toán học,  Nguyên Vũ đã bấm chuông giành quyền trả lời do Tùng không thể trả lời. Nếu trả lời đúng, Nguyên Vũ giành chiến thắng. Nếu sai, người giành vòng nguyệt quế là Nguyên Sơn.

Nguyên Vũ đã xuất sắc giành thêm 30 điểm, đạt tổng 205 điểm, trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 22.

Nguyên Sơn về đích ở vị trí thứ hai với 185 điểm, theo sau là Anh Đức 75 và Đình Tùng 35.

Nhà leo núi giành chiến thắng được nhận học bổng 40.000 USD, người về nhì và ba lần lượt có tiền thưởng 100 triệu đồng, 50 triệu đồng.

Vòng nguyệt quế năm nay được mạ vàng 24K, do nhà thiết kế Đỗ Vân Trí chế tác thủ công trong gần một tháng. Anh cũng là người thực hiện vòng nguyệt quế dành tặng cho quán quân các năm 2016 và 2019.

Đường lên đỉnh Olympia là game show có tuổi đời dài nhất hiện còn phát sóng của VTV3 với 22 năm. Mỗi năm, 144 học sinh dự thi Olympia nhưng chỉ 4 người tranh tài ở trận chung kết (năm thứ 9 là ngoại lệ khi có 5 thí sinh). 

Tính đến năm nay, có 49 người đạt thành tích này, trong đó có 12 cô gái. Tỷ lệ nhà vô địch nữ là 4/22. 

PV

Nhiều đại lý xăng dầu ở miền Tây đóng cửa

Nhiều đại lý xăng dầu ở miền Tây đóng cửa

Người dân miền Tây phải chạy xa hơn từ vài km đến hàng chục km để tìm được chỗ đổ xăng, đổ dầu do các cây xăng gần nhà nghỉ bán.