Đạo diễn Síu Phạm: Tôi rất sợ những kịch bản ước lệ, câu nước mắt

Suy nghĩ về nguồn gốc và quê hương là một nỗi u hoài, nhưng đó là những thứ nuôi dưỡng cho tôi các chất liệu trong việc sáng tác.

Síu Phạm, 63 tuổi có bộ phim đầu tay và lọt vào vòng tranh giải xu hướng mới tại LHP Busan. Cầm kỳ thi họa triết, điên, tưng tửng, bỏ tiền túi làm phim, bán nhà, đủ cả, Síu Phạm vẫn đang một mình một ngựa rong ruổi trên con đường riêng của mình.

Bốn bộ phim của bà thực hiện cùng Jean Luc - Mello người chồng Thụy Sĩ của mình đã túc tắc và từ từ rồi bất ngờ dành những giải thưởng đáng chú ý trong các Liên hoan phim quốc tế. Trên tất cả, tinh thần của một “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” đầy sức sống của bà đã truyền cảm hứng rất nhiều cho giới trẻ trong lĩnh vực làm phim độc lập với nhiều thể nghiệm và mang tính hiện sinh.

BỐ THƯỜNG CHO TÔI ĐI XEM PHIM

Nghe nói ngày nhỏ chị hay được bố đưa đi xem phim, bộ phim nào chị xem hồi thơ ấu có tác động tới chị nhất?

Bố tôi là người rất yêu phim, tiếng Pháp gọi là cinéphile, nên ông thường cho tôi đi xem phim từ năm tôi mới có ba, hay bốn tuổi. Mỗi lần ngoài rạp chiếu phim hay là ông lại sẵn sàng cho tôi nghỉ học để đi xem cùng.

Tôi còn nhớ, bố tôi rất hay đến tận trường để xin cô giáo hoặc hiệu trưởng rằng “nhà có việc gấp” và xin cho tôi được đi về với bố, thực ra là hai bố con chạy như bay đến rạp chiếu bóng. Tôi vẫn nhớ rất rõ bộ phim xem lúc nhỏ ở Hà Nội, đó là phim “Magala, cô gái Ấn” của Bollywood Ấn Độ.

Đạo diễn Síu Phạm
Đạo diễn Síu Phạm

Nhiều năm khi còn bé, tôi thường hay bị ám ảnh bởi một đôi giày satin màu đỏ óng ánh, tôi không biết có phải mình mơ, hay tưởng tượng ra hình ảnh đó. Mãi sau này tôi mới biết đó là hình ảnh đôi chân của cô bé gái (phim đầu tiên của Judy Garland) trong phim “Phù thủy xứ Oz”, một bộ phim ca nhạc giả tưởng của Mỹ năm 1939 do Metro Goldwyn Mayer sản xuất, đạo diễn Victor Fleming.

Đây là một trong những phim đầu tiên tôi xem với bố tôi ở Sài Gòn... Thời bấy giờ, lúc nào các rạp cũng chiếu những phim của các nước mới (hay cũ) sau Paris vài tháng... Tôi biết ơn bố vô cùng vì những hạt mầm điện ảnh ông đã gieo vào tuổi thơ tôi thật hạnh phúc êm đềm.

Chị tới Thụy Sĩ năm nào và thời gian đầu chị có phải tìm cách thích nghi với đời sống ở đó không? Công việc đầu tiên của chị làm ở Thụy Sĩ là gì vậy thưa chị?

Tôi tới Thụy Sĩ đầu năm 1980 do tổ chức HCR của Hội Hồng thập tự quốc tế can thiệp. Tất nhiên, buổi đầu rất khó khăn về kinh tế, nhất là về mặt tinh thần, tôi ra đi khi đã là người lớn, đang làm việc và còn đang viết feuilleton tiểu thuyết cho hai tờ nhật báo... (Feuilleton hay còn gọi là Phơi-dơ-tông là tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ - Codet Hanoi chú thích). Việc đầu tiên ở Thụy Sĩ tôi làm là dọn dẹp quét tước (femme de ménage) cho một trường học, sau đó là giặt ủi đồ ... 

Được vài tháng, tôi thành cô bán giấy bút ở tiệm Brachard, tiệm này đến giờ vẫn còn đang hoạt động và vẫn là một tiệm giấy bút quà tặng sang trọng nhất ở Geneve... Sau này tôi rất may mắn có được một việc làm lý tưởng vừa có lương lại vừa có chỗ để viết và vẽ, vừa học được nhiều thứ.

Thời còn ở Việt Nam, chị theo học chuyên ngành gì, và chị đã học ở Thụy Sĩ những chuyên ngành liên quan tới nghệ thuật? Chúng có giúp chị ứng dụng được khi làm phim ở Việt Nam không?

Tôi nghĩ mình là người may mắn vì tôi gần như đi học suốt đời. Có lẽ, cũng tại tôi thích đi học, nên nghiệp học cứ theo tôi miết. Sau Tú tài ban C (là ban Triết học và Văn chương), tôi học vẽ ở Trường Mỹ thuật Gia Định chưa hết một năm thì bố tôi bắt đi học đại học.

Síu Phạm diễn vợ El Filantropo ở Geneva với đạo diễn Hector Perez Brito 2002.
Síu Phạm diễn vợ El Filantropo ở Geneva với đạo diễn Hector Perez Brito 2002.

Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Việt Hán, và cử nhân Lịch sử Triết học ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Tôi tiếp tục học tiếp Cao học Chính trị ở Đại học Đà Lạt mở chi nhánh này ở Thương xá Tax Sài Gòn. Tôi nghĩ việc học Triết và học chữ Hán và chữ Nôm giúp mình rất nhiều trong suốt cuộc đời và trong bất cứ khi làm nghề nghiệp gì. Ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi đi dạy học, viết báo và dịch các bài viết từ báo Playboy, Cinémonde hay Cinérevue...

Năm 1972, tôi bỏ dạy học và làm việc cho Tổng cục Phát triển Du lịch, trụ sở tại Hotel Majestic Sài Gòn. Lúc ấy, đạo diễn Võ Doãn Châu (học cinéma ở Mỹ về) là trưởng phòng trong ban Quảng bá du lịch tại miền Nam Việt Nam, ông cử tôi đi theo đạo diễn Lê Hoàng Hoa làm ba phim ngắn: “Chợ Việt Nam”, “Phụ nữ Việt Nam” và “Follow me to Saigon”. Tôi có nhiệm vụ ghi chép, soạn cảnh tiếp nối, và xách một cặp tiền của Tổng cục Du Lịch để chi trả. Chúng tôi dự định quảng cáo chiếu phim cùng với các nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam đi sang Nhật Bản cho đến tháng 4/1975.

Sau giải phóng, tôi vẫn làm việc ở Hotel Majestic, được bổ nhiệm đi Vũng Tàu làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty Du lịch phục vụ Dầu khí. Sang Thụy Sĩ, tôi vừa đi làm vừa đi học tiếp tục ở Université de Genève, khoa “Lịch sử Nghệ thuật” (l´Histoire de l´art) và xin vào học ở Conservatoire Populaire de Musique, Danse, et Théâtre à Genève, để học diễn kịch và học múa.  

Síu Phạm trong vai người mẹ phim
Síu Phạm trong vai người mẹ phim "Căn phòng của mẹ"

Không kể các stage/khóa học ngắn hạn của Fonction Cinéma ở Geneve về Direction d´acteurs, Analyse de films và Ecrire des Scénario mà tôi được theo học, tôi nghĩ thời đó mọi người đều như “nở rộ”, và không tốn nhiều tiền bạc như bây giờ, chỉ cần hăng say làm việc, nên tôi thành lập được một nhóm bạn dựng kịch, đóng kịch. Đoàn kịch được tài trợ bởi quỹ văn hóa của thành phố Genève mỗi khi có vở kịch mới. 

GIA ĐÌNH COI TÔI LÀ ĐIÊN…

Khi sáng tác kịch bản, chị thường nhìn với góc độ nào? Một phần cuộc sống của mình, hoặc một phần hiện thực xã hội, và hình thức nghệ thuật nào chị thường sử dụng?

Tôi thích đọc sách, gần như đọc cả đời và lúc nào cũng đọc, và học mọi điều từ sách, từ cách nghĩ tới cách làm. Xã hội Việt Nam nói chung lúc ấy đang thay đổi rất lớn, có nhiều đề tài để suy nghĩ và khai thác, vì đó là một vùng đất mới. Năm 2004 khi về đến TP HCM, trong khi làm việc cho phim “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh, tôi đã quay phim tài liệu “Saigòn´s Blues”. 

Tất nhiên cả cuộc đời của tôi, cũng như của phần lớn người dân Việt thời đó, có thể nói mỗi người là một quyển tiểu thuyết vừa bi tráng, vừa hài hước, vả lại không ai thoát khỏi ảnh hưởng của tuổi thơ của mình. Trộn ngần ấy thứ với cuộc sống hiện tại lúc đó, với một góc nhìn mang nhiều tính chất triết học, năm 2009, tôi và Jean Luc - ông xã tôi trong thời gian ở Hội An hai tháng đã viết được kịch bản phim đầu tiên “Đó... hay đây?”.  

Những sự dịch chuyển về nơi di trú có ảnh hưởng nhiều tới chị không, và chị có phải mất nhiều công để thích nghi với đời sống đó?

Không, thật tình tôi không mất thì giờ để thích nghi với những môi trường sống khác nhau, và tôi không có thời giờ để bận tâm đến các điều kiện hội tụ cần có để phục vụ bản thân mình. 

Suy nghĩ về sự lưu đày, về nguồn gốc và quê hương là một nỗi u hoài, đôi khi là một niềm thống khổ không nói ra được, nhưng tôi có thể nói đó là những thứ nuôi dưỡng cho tôi các chất liệu trong việc sáng tác, sức làm việc của tôi nhờ vào đó mà bền bỉ. Theo tôi, nếu bạn thực sự lo toan đến một việc khẩn cấp, trọng đại (chẳng hạn như lo làm sao có tiền cho bữa ăn chiều nay...) bạn sẽ có nhiều thứ để suy nghĩ và việc bạn ăn chay, hay ăn mặn, chạy bộ hay tập gym hay phải uống thuốc bổ không còn quan trọng nữa.

Cũng như khi đang vẽ một bức tranh, quay một phim... tôi không ngủ cả tháng, cả ngày ăn không hết một nửa chén cơm, chẳng có gì là quan trọng đối với “thân thể” của tôi. Gia đình tôi coi tôi là điên và còn được mệnh danh là “ăn chơi bất cần thân thể”, bởi cả nhà coi việc tôi làm phim là việc tôi đang ăn chơi hoang đàng! 

Síu Phạm trong poster phim
Síu Phạm trong poster phim "Vào đời".

Thú vị thật sự. Tôi luôn thấy phim của chị mang nét của chủ nghĩa hiện sinh, có màu buồn bàng bạc ẩn sâu dưới sự hài hước tỉnh bơ khiến người xem phải ngẫm nghĩ rất nhiều, đó là dụng ý của chị khi làm phim?

Tôi chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu chủ thuyết bởi việc đọc sách, nhưng với cuộc đời tôi và những ngày tháng của số tuổi khi tôi làm phim đầu tiên (và những phim tiếp sau) tôi nghĩ mình đã tiêu hóa được hết. Để từ đó sáng tác ra những thứ không giống ai, với nhiều điều riêng tư và chủ quan “khinh địch” như tôi thường nói. 

Và nhất là, lúc nào cũng phải giải quyết việc thiếu khả năng tài chính, nên với các giải pháp của con nhà nghèo, tôi chỉ cố thực hiện được một phim theo ý mình, với khả năng tốt nhất có thể, trong lúc đó. Tôi rất coi trọng khán giả, khi xem phim họ có quyền ngẫm nghĩ, ý tưởng của họ sẽ làm giàu cho ý tưởng bộ phim mà tôi thực hiện.

Tôi không bao giờ muốn “xỏ mũi” khán giả, bắt họ chỉ đi trên một con đường. Tôi rất sợ những drama ước lệ, câu nước mắt, nên tôi giữ khoảng cách xa nhất có thể cho các tình huống. Nếu đôi khi có lúc “cảm động”, lập tức tôi có khuynh hướng hài hước ngay sau đó... 

Trong các phim chị đã làm, phim nào chị đã phải trải qua sự vất vả khó khăn nhất tưởng như bộ phim ấy khó hoàn thành?

Làm phim là cả một sự điên rồ, tôi không hiểu tại sao mà mình thực hiện được bốn phim truyện. Bởi thế, tiền túi, tiền bán nhà, tôi phải cảm ơn trước hết là những nhà sản xuất, tài trợ. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi rất biết ơn các trợ lý, các em quay phim, các phụ tá sản xuất, kỹ thuật, thiết kế, ánh sáng, tất cả các em làm việc với tôi. 

Đó là những người đã giúp tôi, đã chạy tá lả cùng tôi giải quyết những vấn đề khi lâm trận, không có đường thối lui. Đó là những chiến sĩ, tôi vẫn gọi họ là “Những hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” của tôi, họ đã cho tôi động lực làm phim, không có họ - sẽ không có phim. Điều này khác hẳn với lúc làm tranh hay viết lách. 

"Sợi dây", tác phẩm vừa triển lãm tại phòng tranh Baq Paris 2023.

Tôi không thể nói phim nào vất vả đến nỗi muốn bỏ như em hỏi. Nhưng tôi có thể kể giai đoạn tiền kỳ đối với tôi là lúc sung sướng nhất, vì tôi được tưởng tượng hình dung những điều mình sẽ làm. Tiếp theo là lúc thực hiện phim, làm việc với ê kíp sản xuất, quay phim, bàn bạc tìm giải pháp với các trợ lý, các em họa sĩ thiết kế… là lúc phấn khởi tuyệt đỉnh, quên ăn quên ngủ vì nhìn thấy điều mình đang làm.

Thế nhưng lúc làm hậu kỳ đối với tôi là lúc khổ nhất, vì những điều mình đã làm trở thành một mớ bòng bong. Chiến đấu cô đơn với chính mình trong việc lựa chọn và quyết định cắt xén, sắp đặt, bởi hậu kỳ lệ thuộc vào những thứ rất “mắc tiền” như âm thanh, kỹ xảo, chỉnh màu... Đây là lúc tôi rất dễ có thể bỏ cuộc, bởi sự việc trở nên khủng khoảng trầm trọng, rất khó giải quyết...

Còn trong phim “Vào đời” có thể thấy rõ các nhân vật đang đi tìm cái gì đó của cuộc đời mà chính họ cũng không thể định rõ được đó là gì, phải chăng sự chông chênh, tẻ nhạt nhưng vẫn phải nếm trải như một phần gia vị của cuộc sống?

Ừ, có thể nói, một trong khía cạnh của “Vào đời” là sự vỡ mộng của tuổi trẻ, bởi cảm thấy cái vô nghĩa của công việc mình làm, một sự thờ ơ, mơ mộng việc lớn lao, như mọi người trẻ tuổi. Để tiếp theo đó đưa đến một chủ đề chính của “Vào đời”. Đó chính là việc giữ gìn sự trong sáng, lương thiện cho dù cuộc đời có như thế nào đi chăng nữa. Những tình tự riêng tư xảy ra trong thời kỳ niên thiếu là những kinh nghiệm khiến mình lớn lên, khiến mình cảm thấy đủ “tư cách” sống mà không bị chấn thương như quan niệm thông thường hiện đại về tình dục.

"Con đường trên núi", Síu Phạm vai bà ngoại với người khách lạ Jean-luc Mello.

GẶP CHỒNG VÌ CÙNG MÊ SAMUEL BECKETT

Anh chị gặp nhau trên một chuyến tàu, khi chị đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết của Samuel Beckett và duyên nợ từ đó, và cuối cùng “Căn phòng của mẹ” ra đời từ 1 câu trong cuốn tiểu thuyết “Molloy” của S.B… thật như trong một tiểu thuyết nhỉ?

Như em đã biết, làm phim là một cái duyên, phải có duyên mới làm được, cũng như gặp gỡ cũng phải có duyên số, phải tin vào định mệnh. Và cho đến bây giờ tôi vẫn tin vào Beckett, vẫn còn tiếp tục dịch sách của ông, nhớ đón chờ quyển “Molloy” sắp tới, đã được dịch xong...

Lúc chúng tôi đang ở thành phố, định quay một phim tài liệu trong dịp Noel, và tết Tây, nhưng tôi lại nhìn thấy anh cụt chân nhảy Micheal Jackson trên hè đường cho khách nhậu và Jean Luc nhìn thấy anh chèo thuyền bằng chân trên sông Sài Gòn... Ý tưởng của phim “Căn phòng của mẹ” nảy sinh ra từ hai hình ảnh đó để bắt đầu cho câu đầu tiên trong truyện “Molloy”: “Tôi đang nằm trong phòng của mẹ tôi... không hiểu tại sao…”. Tôi không hoài niệm về gia đình mình, chắc ông xã cũng vậy... mà bởi lúc đấy, trước cảnh choáng ngợp người và xe cộ của thành phố, chúng tôi chỉ nghĩ phải nhắc nhở mọi người về số phận đơn lẻ, khó khăn của anh chèo thuyền dưới gầm cầu. 

Chị có bao giờ “trầm cảm” không?

Có chứ, tôi là người trầm cảm triền miên, thường trực. Có thể nói một cách rất cliché là con người tôi đầy sự mâu thuẫn, lúc vui nhất là lúc buồn nhất, và ngược lại. Chỉ khi nào có việc gì để làm thì tôi mới quên mình là người trầm cảm...

Chị thường để các nhân vật trong phim của mình bình thản với các mối xung đột xảy ra, còn chị, trong đời thường nếu có gì mệt mỏi bế tắc, chị làm gì để giải quyết?

Tôi giải quyết giống hệt như trong phim, nghĩa là rất suy nghĩ, thấm đòn, nhưng đôi lúc trở nên rất vui sướng vì đang được trải nghiệm một thứ mà tưởng sẽ không chịu nổi mà vẫn chịu được... Không sao cả! 

Vợ chồng nhà làm phim độc lập Síu Phạm và Jean Luc-Mello tại Liên hoan phim Queens World.
Vợ chồng nhà làm phim độc lập Síu Phạm và Jean Luc-Mello tại Liên hoan phim Queens World.

Chị quan sát về điện ảnh Việt Nam thế nào với các bạn trẻ?

Tôi nghĩ các bạn trẻ làm phim ở Việt Nam, hay nói chung ở khắp nơi, cần phải đọc rất nhiều và xem rất nhiều... để biết mà để tránh được những ước lệ về kịch bản, về ý tưởng và tìm hiểu sâu rộng về lịch sử của điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam đã có một trình độ công nghệ kỹ thuật rất cao... Có ý tưởng “độc đáo” là đủ để thực hiện được phim hay, phim càng thành thật với chính mình, với điều mình muốn nói sẽ càng thành công. Đó là lời nhắn nhủ chân thành của tôi. Tuy thế, tất cả đều tùy vào con đường mỗi cá nhân lựa chọn và cách nhìn vấn đề đặt tầm quan trọng ở chỗ nào theo mỗi cá nhân. Tôi tin rằng các bạn trẻ làm phim biết mình phải làm gì để đạt những điều gì mà mình muốn. 

Bộ phim sắp tới sẽ về đề tài gì thưa chị?

Tôi vẫn còn đang quay quắt để dựng một phim nhưng rất khổ tâm vì thấy mình không đủ chất liệu và tôi đã bỏ dở... không biết có nên lụm lại không? 

Tôi nghĩ rồi cuối cùng chị cũng lại tiếp tục làm phim thôi. “Tránh sao được định mệnh chứ!”. À, mà chị thích mùa nào ở Việt Nam nhất và thành phố nào để chị muốn sống nhất?

Tôi thích mùa thu và mùa đông ở Hà Nội, rất buồn và rất thơ. Tôi thích mùa hè ở TP HCM và Vũng Tàu vì rất nóng và rất vui... Tôi thường nhớ đến những ngày chúng tôi sống ở Hội An, trong căn nhà thuê, yên lặng, tĩnh mịch nhưng lại ở gần phố, khi ấy tôi thường đạp xe đạp đi lung tung, uống cà phê và nói chuyện với mọi người, buổi tối tôi thường nhậu bên dòng sông, rất nhiều khi với cả nhà văn Nguyên Ngọc. Có lẽ đấy là nơi tôi muốn được sống ở đó nhất. 

Xin chân thành cảm ơn chị.

Síu Phạm sinh ra ở Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam từ nhỏ. Bà tốt nghiệp khoa Triết học ĐH Văn khoa Sài Gòn. Năm 32 tuổi bà nhập cư vào Thụy Sĩ, học ĐH Lịch sử Nghệ thuật và phân tích phim tại Geneva. Từ 1990 đến 2010 bà hoạt động sân khấu tại Thụy Sĩ với tư cách đạo diễn. Síu Phạm còn vẽ tranh và có nhiều triển lãm tại Tp HCM, Geneva, Lausanne, Paris, Washington, DC, Arheilm. Từ năm 2010 đến nay bà thường xuyên về nước làm phim.

- “Đó hay đây” (2011), được xếp vào nhóm phim thuộc trào lưu mới (New Currents) của thế giới. Bộ phim là sự gặp gỡ của văn hóa Tây phương và Á Đông về vấn đề tính dục khi tuổi tác con người trở về già và quyền lựa chọn cái chết của họ.

- “Homostratus” (Căn phòng của mẹ) (2013): Giải Best Unique Vision Award (Nhãn quan độc đáo) tại Queens World Film Festival, New York 2014. Bộ phim nói về cuộc sống tại đô thị lớn tại Việt Nam và tranh giải Festival des films de femmes ở Creteil.

- “Con đường trên núi" (2017): tham dự LHP Quốc tế World Film ở Montreal, Canada 2017. Bộ phim nói về hành trình của một người đàn ông ngoại quốc lang thang trên vùng núi phía Bắc tại Việt Nam vẫn suy tư về sự tồn tại và sự kết thúc qua sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông, phương Tây. Giải thưởng đặc biệt của BGK cho Điện ảnh thơ tại LHP Queens World, Mỹ, 2018.

- LHP Pix Copenhagen Đan Mạch đã chọn Síu Phạm cho chương trình “On Spot” để chiếu cả ba phim cho Liên hoan.

- “Vào đời” (2021): Giải Phim truyện hay nhất của năm tại LA Independent Women Films 2022. Bộ phim nói về cuộc sống và sự chông chênh của tuổi trẻ trong thành phố.

- Với một giọng điện ảnh độc đáo, hoàn toàn khác biệt, các tác phẩm của bà được ghi nhận và trình chiếu ở nhiều chương trình phim trong nước và quốc tế như Hanoi International Film Festival (Việt Nam), CPH Pix Copenhagen (Đan Mạch), Women International Film Festival Creteil (Pháp), Osaka Asian Film Festival (Nhật Bản), Rotterdam, Dallas, Palm Springs, Tokyo…

- Bà thực hiện nhiều phim tài liệu khác. Trong đó phim tài liệu “Sương mù trên đỉnh núi”, “Hát lời vu vơ”… đã tham dự rất nhiều liên hoan phim Images Forum Tokyo, SouthEast Taiwan, Art Seoul…

Codet Hanoi

Chuyên gia kinh tế Martín Rama: Tôi muốn gọi Hà Nội là Nàng!

Chuyên gia kinh tế Martín Rama: Tôi muốn gọi Hà Nội là Nàng!

Là chuyên gia kinh tế, Martín Rama thực sự đã sống trong lòng Hà Nội và có nhiều rung cảm tinh tế về Hà Nội mà ông trìu mến gọi là Nàng