Đất nền vùng ven được nhiều nhà đầu tư săn tìm

Hiện không chỉ đất nền ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mới được săn đón, mà cả đất nền ở các địa phương, đất ở gần trung tâm các huyện, thị xã cũng được quan tâm.

Có thể thấy rằng, chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, quỹ đất trong thành phố ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao. Vào mỗi dịp cuối tuần, dòng người không ngừng đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phan Thiết…, trong đó có một lượng không nhỏ là dân đầu tư đi tìm hiểu thị trường và “săn” đất.

Sở dĩ các phòng công chứng ở đây lúc nào cũng đông đúc, một phần do nhà đầu tư nhiều nơi đổ về đây mua đất, phần khác do nhiều giao dịch đã diễn ra từ trước đợt dịch lần thứ 4 “bị kẹt” lại, nên người mua, người bán tranh thủ đến công chứng giao dịch ngay khi mở cửa trở lại. Thực tế này khiến Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành “điểm nóng” nhất trên thị trường bất động sản phía Nam. Theo thống kê của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Bà Rịa - Vũng Tàu, hồ sơ về đất đai tăng mạnh trong tháng 10/2021, cao gấp 10 lần so với trước dịch.

Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu về nhà đất tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận hiện rất cao, tính khan hiếm của sản phẩm cộng với tính quy hoạch là cơ hội cho các NĐT có tiềm lực, trong bối cảnh dịch, nhưng họ vẫn sẵn sàng đổ tiền vào BĐS, bởi BĐS vẫn là kênh đầu tư mang tính lâu dài khi đây là dòng tài sản cố định và giá luôn tăng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi “đổ bộ” về thị trường các tỉnh giáp ranh với TP.HCM thời điểm này, các NĐT không nên tính đến kịch bản “lướt sóng”, mà phải nắm giữ tài sản nhiều năm mới mong có lãi.

Đánh giá diễn biến thị trường bất động sản gắn với câu chuyện quy hoạch, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM cho rằng, tại khu vực phía Nam, TP.HCM luôn có sức cầu nhà ở lớn nhất. Tuy nhiên, sự quá tải đô thị ở TP.HCM ngày càng lớn, nên xu hướng giãn dân đô thị sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn, trong khi quỹ đất lại hết sức khan hiếm, dẫn tới giá nhà đất không ngừng tăng cao.

Theo ông Hòa, sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông khu vực với một loạt dự án như tuyến metro số 1 kết nối trung tâm TP.HCM với TP. Thủ Đức và sắp tới sẽ kết nối với Biên Hòa của Đồng Nai và Tân Vạn của Bình Dương, các trục hạ tầng kết nối vùng tứ giác kinh tế phía Nam gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với sân bay Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Cái Mép… và sắp tới đây là các tuyến vành đai 1, 2, 3 và 4 cũng đang được khẩn trương đầu tư xây dựng. Riêng tuyến Vành đai 4 kết nối với 6 địa phương phía Nam sẽ trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển kinh tế liên vùng nói chung, thị trường bất động sản khu vực phía Nam nói riêng.

Thời điểm đầu năm 2021, thị trường BĐS tại nhiều tỉnh, thành phía Nam lên cơn sốt đất nền, thế nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến thị trường hạ nhiệt. Hiện tại, các cơn sốt đất đã lặng sóng, giá đất ở nhiều nơi từng “sốt nóng” đã dần hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mức giá giảm trên đã trở về với giá trị thực của đất, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của từng vùng. Chính vì vậy, thị trường BĐS vùng ven cũng sôi nổi hơn khi làn sóng đầu tư đổ về “săn” đất. Theo nhận định của các chuyên gia, trái với suy nghĩ của nhiều người về việc dịch bệnh làm “đóng băng” nhu cầu mua nhà đất, khá nhiều NĐT lại có xu hướng thích “săn” đất trong thời điểm thị trường BĐS lặng sóng, vì cơ hội nhiều hơn so với đỉnh điểm thị trường “sốt” hay sôi động. Tuy nhiên, thời điểm này, chỉ có NĐT sành sỏi, có tiềm lực về tài chính mới tham gia thị trường.

Tại Khánh Hòa, sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh này có những biện pháp cứng rắn siết chặt tình trạng phân lô bán nền tại huyện Cam Lâm, cơn sốt đất bắt đầu dịch chuyển ra thị xã Ninh Hòa. Cuối tháng 11, UBND tỉnh này đã chủ trì cuộc họp nghe Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings báo cáo đề xuất ý tưởng quy hoạch một số khu vực trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Sau thông tin này, các nhà đầu tư đã ồ ạt tìm về đây để “săn đất”. Một số môi giới địa phương cho biết các khu đất trước đây trồng mía, keo đang tăng giá từng ngày, thậm chí từng giờ. Trước thông tin này, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã ban hành văn bản thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ 10/12.

Những ngày qua, thị trường BĐS khu vực huyện Định Quán (Đồng Nai) rục rịch khi lượng nhà đầu tư đi xem đất và "chốt cọc" gần như liên tục. Những lô đất với mức giá từ 350-580 triệu đồng/nền, có thổ cư (hoặc đan xen thổ cư và đất nông nghiệp) được rao bán khá nhiều. Những nền đất này đều có dân bản địa phân ra bán, trên đất có vườn cây ăn trái lâu năm. Điều đáng nói, lượng khách mua từ Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đổ về đây xem đất, "xuống cọc" khá nhộn nhịp. Theo một môi giới khu vực, có nhà đầu tư từ Bà Rịa – Vũng Tàu khi xuống xem đất chốt cọc 7 lô, môi giới đi tìm nguồn hàng khá vất vả. Khoảng đầu tháng 11/2021, những lô đất 300 triệu đồng/nền khá nhiều thì hiện tại những lô này đều đã lên giá từ 420-460 triệu đồng/nền. Bên cạnh các nhà đầu tư mua để đó lâu dài, thì cũng có lượng nhà đầu tư chuyên "lướt" trong vòng 1 tháng đến 2-3 tháng. Có một số nhà đầu tư lướt trong vòng một tháng thu về từ 30-50 triệu đồng/nền; hoặc lâu hơn thì từ 2-3 tháng thì mức lời thu về khoảng 100 triệu đồng/nền.

Một số sàn giao dịch tiếp khách gần như kín lịch trong tuần vì lượng đi tìm hiểu đất đai khu vực tăng lên. Tuy nhiên, theo một môi giới BĐS, khách đi xem nhiều nhưng chưa phải chốt phần đông. Có lượng nhà đầu tư chỉ đi xem cho "thoả thích" nhưng chưa xuống tiền. Ngược lại, có nhóm nhà đầu tư thì khi đã ưng ý thì mua một lúc 2-5 lô, và mua để đó chứ không lướt sóng.

Tổng Hợp