Theo dự thảo, chủ đầu tư được vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án, phương án vay không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay; thời hạn cho vay tối thiểu là 5 năm và tối đa không quá 10 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Hiện nay, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được vay vốn theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mức lãi suất 8 %/năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, mức lãi suất này vẫn còn cao trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm như hiện nay.
Ngoài ra, chủ đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sử dụng bảng giá đất tại thời điểm giao đất theo pháp luật đất đai.
Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, doanh nghiệp được ưu đãi phần diện tích làm kinh doanh dịch vụ, thương mại. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có nhiều khối nhà thì chủ đầu tư được lựa chọn gộp chung toàn bộ phần diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại của từng khối nhà.
Chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, doanh nghiệp được UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án từ nguồn kinh phí thu được theo quy định của Luật Nhà ở, theo TPO.
Để được vay vốn, chủ đầu tư phải đáp ứng 5 điều kiện sau.
Thứ nhất, có dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
Thứ hai, đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, đã được cấp Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Thứ tư, có mức vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay theo quy định của tổ chức tín dụng cho vay.
Thứ năm, thực hiện bảo đảm tiền vay, thế chấp vay vốn theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê thì được vay vốn ưu đãi nếu đáp ứng các quy định sau.
Một là có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.
Hai là có khả năng trả nợ theo cam kết với tổ chức tín dụng cho vay vốn.
Ba là có Giấy đề nghị vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Bốn là có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với công trình nhà ở cần xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Năm là có phương án tính toán giá thành, có giấy phép xây dựng đối với trường hợp yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của pháp luật thì được xem xét cho vay vốn phù hợp với thời hạn được tồn tại của công trình, theo Vneconomy.
Sáu là thực hiện bảo đảm tiền vay bằng giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở hoặc tài sản khác theo quy định của pháp luật.