Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội tại phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nêu thực tế hiện nay việc mua nhà ở nhà hội với người thu nhập thấp vẫn rất khó, do đó nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng cho thuê.
"Nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Nhà ở xã hội chỉ nên áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua", đại biểu đề xuất.
Đại biểu cho rằng nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp. Như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, phát biểu tranh luận, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) lại không đồng tình quan điểm của đại biểu Hiển. Ông cho rằng giải pháp này hợp lý, nhưng để thực hiện được thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn, điều này vượt quá khả năng thực tế.
"Mặt khác, đối với nhà đầu tư thì việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về thì cũng rất khó thu hút được đầu tư như tình trạng đã xảy ra thời gian qua", đại biểu dẫn chứng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng nên phát triển nhà cho thuê, thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy người lao động không có khả năng tài chính để mua. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê, theo VTC News.
Trước ý kiến cho rằng Nhà nước không đủ nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Hoàng Ngân làm rõ, qua rà soát cho thấy hiện có nhiều đất công, tài sản công để hoang phí mà nếu tiến hành rà soát, giám sát thì đây sẽ là nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê.
Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định về quản lý nhà trọ. Theo ông Ngân, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động và đặc biệt là tại các đô thị lớn thì những chủ nhà trọ lại giữ vai trò rất là quan trọng hơn là chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản. Do đó cần có những quy định chuẩn hóa khu nhà trọ này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân tư vấn, Chính phủ nên trình với Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất "0 đồng" nhằm nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do Luật quy định. Đại biểu nhấn mạnh, có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu Ngô Trung Thành chỉ rõ nghịch lý hiện nay trong khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển được nhiều thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư dù không có ưu đãi, hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh. Và thực tế hiện nay loại hình cho thuê do hộ gia đình đầu tư đảm bảo phần lớn nhu cầu của người lao động.
"Tuy nhiên, do chính sách, quy định của pháp luật hiện hành chưa quan tâm đến lĩnh vực loại hình nhà ở này nên dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê đều là tự phát, không được quản lý, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp", đại biểu nhìn nhận.
Theo ông Thành, tình trạng này dẫn đến hậu quả người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước.
Đại biểu đề nghị trong luật cần có mục riêng quy định về chính sách phát triển hình thức nhà ở này. Trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê, theo Zing.
"Đồng thời có chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà, nhất là về giá điện, nước để người lao động, người dân vừa bảo đảm được về chỗ ở", đại biểu đề xuất.
(Tổng hợp)