Đêm mi nơ

Chạm vào con mực, những chấm đỏ xuất hiện thật nhanh rồi biến mất như thứ đèn mi nơ nhấp nháy ngư dân dùng như một thứ tín hiệu trên biển.

“Khi một con mực chết dần, trên người nó sẽ bắt đầu có những cái chấm đỏ. Em lấy tay chạm đến đâu, những chấm đỏ đó càng nhanh xuất hiện, nhấp nháy như đèn mi nơ,” anh H. nói với tôi.

Tôi nhìn con mực. Nó trong trẻo quá, yếu ớt quá. Một con mực gần như trong suốt nằm bất lực trên đám lưới, những chấm mi nơ đỏ dần hiện ra trên thân. Ban đầu là vài đốm, sau thì nhiều dần, nổi bật trên màu vàng trong trong, như bầu trời đêm lẫn những vì sao trên biển. Tôi nghe lời anh H. lấy tay chạm vào nó, những chấm đỏ xuất hiện thật nhanh rồi biến mất quanh chỗ chạm của tôi. Đúng là như đèn mi nơ thật, thứ đèn nhấp nháy ánh sáng đỏ mà ngư dân quanh đây dùng để treo lên tàu hay thúng, như một thứ tín hiệu trên biển. Tôi nói anh H. tắt đèn đi, tôi muốn được ngắm biển rõ hơn. Anh nhìn tôi ra chiều khó hiểu, nhưng cũng làm theo.

Tôi nhìn quanh. Bốn bề đều là một màn đêm đậm đặc, những ánh sáng yếu ớt lóe lên ở đâu đó. Tiếng sóng vỗ ì oạp pha lẫn tiếng động cơ tạo thành một giai điệu đều đều và liên tu bất tận. Trăng phủ một lớp nhũ vàng lên mặt biển màu hắc ín, từng dợn sóng châu đầu tạo thành những đường vân hình mắt lưới khổng lồ. Đêm nay trăng lên, con nước lớn, sóng đánh khiến chiếc thúng con nghiêng ngả. Mùi dầu từ động cơ phát ra, đắng ngắt, pha lẫn mùi gió biển mằn mặn thổi qua và mùi tanh tanh từ tấm lưới bốc lên. Một tổ hợp của tất cả những gì có thể kéo một người có thể chất kém về tình trạng ngầy ngật không chịu nổi. Đột nhiên, tôi cảm thấy biết ơn chuỗi ngày mình đã kiên trì chạy 10 cây số vừa qua. Không có nó, và rất nhiều những chuyến đi điên rồ trước đó, có lẽ lúc này tôi đang vật vờ trong lòng chiếc thúng nhỏ, chỉ tập trung vào cái bụng đang nôn nao của mình mà quên đi việc tận hưởng khoảnh khắc và không gian xung quanh.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Gió vẫn thổi. Biển vẫn vội. Tôi kéo lưới, một tấm lưới dài cả mấy trăm mét, thu về cả biển khơi qua những giọt nước nhỏ xuống chân, làm ướt sũng chiếc quần tôi đang mặc. Vài cơn gió thổi qua, lạnh ngắt. Anh H. reo lên khi thấy có đến ba con cá mòi mắc lưới cùng một lúc. Đây là lần quăng lưới thứ ba, hai lần trước chúng tôi bắt được không nhiều cá vì tấm lưới mắc vào dãy đá ngầm bên dưới. Đã thế, chúng tôi còn đi sớm, khi chỉ mới quá nửa đêm. Giờ này, không ai đi đánh cá vì biển vẫn lặng lắm, dù nó đã dữ dội hơn rất nhiều so với những lần tôi đi biển trước đây.

Thật trớ trêu, người ngư dân chỉ có thể thu hoạch tốt hơn trong những ngày biển động và sóng dữ. Anh H. kể tôi nghe chuyện về những ngư dân anh biết đã bỏ mạng trong những ngày bão dữ cũng chỉ vì muốn thu được nhiều hải sản hơn. Và chỉ mới đây thôi, báo chí đăng tin một ngư dân đã tử nạn vì bão, kỳ thực là người đó biết bão đến nhưng lại ráng kéo thúng về cất, chiếc thúng bị sóng quăng quật trên bờ biển rồi đập vào đầu anh. Một mớ cá nhiều gấp 5 lần ngày bình thường, đổi lấy hai mạng người. Một chiếc thúng con con trị giá tầm 4 triệu, đổi lấy một mạng khác. Tôi nghe mà cảm thấy cay đắng. Rẻ quá. Mạng người, đôi khi, rẻ đến mức không thể chấp nhận được.

Đêm vẫn trôi và mặt trời vẫn còn nằm đâu đó phía bên kia đại dương. Tôi ngồi yên khi anh H. cúi người đốt than trong lò để nướng cá. Những con cá mới bắt được từ lưới, mình mẩy bị bong tróc hết cả chen chúc bên trong chiếc can nhựa đã bị vát một đầu.

“Đây là cá mòi, kia là cá hiếu, còn con này là cá đối. Cá mòi thì ngon, béo nhưng nhiều xương, cá đối ít xương, dễ ăn hơn...”.

Anh H. lấy ra từng con, giảng giải. Những con cá bàng bạc dần chuyển thành màu đen, tỏa ra mùi thơm lừng. Khói xám từ lò nướng bốc lên, lượn lờ trên bếp một hồi rồi mới tan ra trên mặt biển. Đó là cả một khung cảnh kỳ diệu. Tôi nói với anh, tôi thích nhất cá mòi. Ngày xưa, ba tôi vẫn thường mua cá mòi về nướng, mỗi lần nướng là khói từ bếp than bay khắp nhà. Sau này thì không còn, vì cá mòi ngày càng hiếm. Không có chuyến đi này, và không có anh H., không biết đến bao giờ tôi mới lại được ăn cá mòi nướng lần nữa.

Biển vẫn vắng và gió đã lắng. Tôi hỏi, có bao giờ anh gặp tai nạn trên biển chưa. Anh nói, anh bị lật thúng vô số lần, đồ nghề máy móc hư hết cả, nhưng tai nạn lớn hơn thì may mắn là chưa. 

“Có điều anh từng thấy người chết rồi, từng cứu người rồi. Có người được anh cứu xong thì bỏ nghề biển. Sợ quá mà. Không phải ai ngư dân cũng biết bơi đâu nghen, ai nghĩ vậy là lầm. Chắc vì được sinh ra gần biển nên cũng ngán biển rồi, không thèm học bơi nữa”.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Vừa nói, anh vừa dẽ cá ra cho tôi. Miếng cá trắng mịn, bốc khói và tỏa mùi thơm lừng khiến tôi tỉnh cả ngủ. Tôi ngạc nhiên nhìn anh lật con cá sau khi tôi ăn hết một nửa bên trên.

- Không phải dân đánh cá kiêng lật cá sao anh? - tôi hỏi.

- Mọi người tin, chứ anh thì không - anh vừa cười vừa nói. “Người ta đi biển kiêng dữ lắm. Nào là ăn cá không được lật, lưới đánh cá không được để phụ nữ bước qua. Mà cái kiêng lớn nhất là không cho phụ nữ lên tàu. Anh thì không tin mấy thứ đó, vậy nên em mới lên thúng của anh được, chứ mấy người kia thì dễ gì!”.

Tôi cười, thú nhận là trước anh, tôi cũng đã cố gắng nài nỉ nhiều người khác cho tôi lên tàu đi đánh cá nhưng đều bị từ chối, giờ thì tôi đã hiểu lý do. Tôi nói và nghĩ về những người phụ nữ tôi gặp tại làng chài. Hầu hết đều khoác lên người vẻ khổ sở nhẫn nhục. Đúng là tôi chưa thấy họ đến gần thúng thật, chỉ loanh quanh đốt lửa bên ngoài những túp lều tạm bợ, và bày bán “hàng dạt” là những con cá nhỏ còn sót lại sau khi phần cá lớn đã được các đầu nậu mua hết. Nhìn những ngón tay quắt lại vì ngâm nước quá lâu và đôi chân trần đi lại trên mặt biển sũng ướt, tôi nghĩ về những đôi tay thon dài được chăm chút kỹ lưỡng và đôi giày cao gót mỹ miều tôi vẫn thường nhìn thấy, quả là hai thế giới tách biệt. Miếng cá trong miệng bỗng trở nên đắng ngắt. Có lẽ tôi vừa ăn phải mật.

Phía chân trời, màu cam hồng hừng lên và đậm dần, bầu trời đêm nhường chỗ cho một sắc xanh lơ trong vắt. “Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”, anh H. nói có hai thời điểm mà ngư dân thường ra khơi đánh cá: hoàng hôn và bình minh. Đó là hai thời điểm biển động, những con cá bị sóng đánh tao tác dễ mắc vào lưới hơn. Thời điểm chúng tôi về đất liền cũng là lúc ngư dân đang rục rịch ra khơi, với những chiếc thúng sơn xanh đúc từ composite, trong chất đầy đồ nghề từ lưới, neo, cờ, phao, cho đến vô số loại dây thừng. Tôi quay người và nhìn biển lần cuối, nhìn những người ngư dân đang lầm lũi ra khơi, rồi trở lại nhìn tấm lưng anh H. đang gồng lên để kéo chiếc thúng xanh lên bờ trong khi tôi vẫn còn ngồi bên trong. Chuyến đi này, tôi tính toán, là một mẻ lỗ nặng của anh H., vì số cá đánh được không đủ bán, trong khi chúng tôi dành ra gấp đôi quãng thời gian bình thường.

Bởi thế, người ngư dân, muốn sống thi vị và êm đềm một chút cũng không được.  

Hồ Hải Yến

Có một cây, là có rừng...

Có một cây, là có rừng...

Nhìn những mầm xanh tí hon, cảm giác bao muộn phiền ngày cũ tan biến, trước mặt là những ngày tháng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.