Nhà là quê

Miền đất nào lưu lại đủ cho ta những bình yên, ngọt ngào, quyến luyến yêu thương và cả những day dứt khi đi xa, thì đấy là miền đất Quê hương.

Có lẽ câu hát “Quê hương mỗi người chỉ một” giống như ý niệm mặc định trong lòng mỗi người dân Việt. Vì cái ý niệm cội rễ ăn sâu bám chặt này mà đa số người Việt vừa tự tôn vừa tự ti quá lớn, khi đi đến những miền đất khác ngoài nơi gọi là Quê ấy, họ rất khó khăn hòa nhập và phát triển bình đẳng với người bản xứ. Ai đi đâu, thành đạt thế nào, dù lớn lao nhưng không com cóp để mang về “trả lễ, trả nghĩa” quê hương thì cũng bị cộng đồng coi như người vô giá trị.

Tranh minh họa: Việt Anh.
Tranh minh họa: Việt Anh.

Trong quan niệm của người Việt, chỉ Quê hương mới là nơi xứng đáng để nhớ về, để cống hiến, để mang tài lực vật lực và trí tuệ về phục vụ và cả để chết. Còn những nơi khác chỉ là nơi “tha phương cầu thực” mà thôi, các vùng đất khác ngoài Quê hương chỉ được coi như “bò sữa”, vì cả “Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người” - Dọa thế thì ai mà không sợ?!

Càng đi nhiều, tôi càng cảm thấy quan niệm này không còn đúng nữa.

Khi mẹ cha còn thì nơi nào có cha mẹ nơi ấy là quê hương. Những ngày lễ tết, khi có ai hỏi “bạn có đi đâu không?”, nếu câu trả lời “mình về quê thôi” thì có nghĩa là mình sẽ về với cha mẹ. Nếu một ngày mẹ cha không còn nữa thì khái niệm quê hương sẽ trở nên mơ hồ và nhạt nhòa, có còn chăng thì chỉ là những ký ức đôi khi ùa về lúc trà dư tửu hậu và rồi ta lại quên cũng nhanh như cơn gió mùa thoảng qua vào lúc cuối thu.

Quê hương là nơi bạn đã rơi những giọt mồ hôi thấm đất để trưởng thành, là nơi bạn có những trải nghiệm gắn bó để lớn lên, là nơi bạn lấy vợ sinh con để thành một gia đình nhỏ. Nơi nào bạn cảm thấy gắn bó, nơi bạn để tâm mình ở đó thì nơi ấy là Quê hương. Khái niệm quê hương trong tôi có lẽ có phần khác biệt bởi có những nơi chỉ “đứng một ngày mà đất lạ thành quen”, nhưng có những nơi mà “đứng một đời em mà quen thành lạ”.

Miền đất nào ta đến và lưu lại đủ cho ta những bình yên, ngọt ngào, những quyến luyến yêu thương, những xuyến xao và cả những niềm day dứt khi đi xa để nhớ về, thì đấy là miền đất Quê hương. Thế nên các cụ xưa cũng bảo “Bán anh em xa mua láng giềng gần” để “bạn bè tứ hải giai huynh đệ” - Để “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Phạm Đình Nghị

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Tất cả mọi thứ trên thế gian này liệu có gì khiêm nhường hơn đất. Vậy sao ta không học Đất để làm Người ?