Thông tin từ cuộc họp báo chiều 2.8.2022 về vụ TNGT làm nữ sinh tử vong ở Ninh Thuận cho biết tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế trên xe có sử dụng điện thoại để kết nối vào Bluetooth. Đây có thể xem là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn thương tâm này.
Vâng, cái công nghệ "điện thoại rảnh tay" từng được ngợi ca là giúp cho việc lái xe được an toàn hơn mà không bị mất kết nối, đã bị phát giác trong các nghiên cứu gần đây là còn NGUY HIỂM HƠN CẢ RƯỢU khi lái xe.
Theo khảo sát của Cục Quản lý Đường cao tốc và An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ :
-24% các vụ va chạm ô tô liên quan đến các cuộc trò chuyện qua điện thoại di động.
-Khả năng xử lý hình ảnh chuyển động của một người giảm tới 33% khi nói chuyện điện thoại.
-Những người lái xe nói chuyện trên điện thoại di động có thể bỏ lỡ tới 50% những gì xung quanh họ.
Đại học Utah đã tổ chức một nghiên cứu những người lái xe trong tình trạng say xỉn, cho thấy họ ít nguy hiểm hơn những người nói chuyện điện thoại khi lái xe. Nghiên cứu này cũng cho thấy nhiều người sử dụng điện thoại di động bị tai nạn hơn so với người lái xe say rượu và không có sự khác biệt giữa điện thoại cầm tay hoặc thiết bị rảnh tay.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Touro nhận thấy mức độ suy giảm chức năng giữa người lái xe say rượu và người sử dụng điện thoại rảnh tay là gần bằng nhau. Thậm chí, khi thử nghiệm, người lái xe say rượu đã hoàn thành khóa học lái xe tốt hơn so với người lái xe nói chuyện điện thoại bằng thiết bị rảnh tay!
Tại nhiều nước, hành động sử dụng điện thoại khi lái xe (kế cả điện thoại rảnh tay) nếu bị phát hiện sẽ bị phạt gấp đôi các lỗi thông thường khác. Hành vi này ở Việt Nam cũng có qui định :
-Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe tô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
-Có thể bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(Theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP(sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP))
Hành vi này với người điều khiển xe máy thì mức phạt thấp hơn, từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, với người điều khiển xe đạp từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tuy nhiên qui định này lại không rõ ràng với việc sử dụng điện thoại “rảnh tay” (có kết nối không dây với thiết bị trên xe) hay không. Nếu căn cứ từ những nghiên cứu khoa học nói trên thì chỉ cần “nói chuyện điện thoại” (bằng bất cứ hình thức nào) cũng làm người lái xe mất đi sự tập trung và điều này có thể trở thành nguồn cơn của tai nạn.
Vậy làm thế nào đảm bảo an toàn khi lái xe (cho mình và cho nhiều người khác) mà không bị “đứt liên lạc” trong thời đại “Kết nối hay là…chết”? này. Ladycar xin đưa ra vài gợi ý :
-Nếu trên xe có người thân đi cùng, hãy đưa điện thoại cho họ. Nếu có điện thoại hay tin nhắn, người thân sẽ thay bạn thông báo/trả lời trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp. Nếu không khẩn cấp, hãy để lại tin nhắn hoặc báo cho người gọi sẽ kết nối lại vào thời điểm thích hợp.
-Nếu lái xe một mình, hãy bật chế độ Trả lời tự động.
-Hãy dừng xe vào nơi an toàn và gọi/trả lời điện thoại nếu thấy cần thiết.
Kết nối để Sống, không phải để Chết, dĩ nhiên rồi. Hãy tạo thành thói quen để lái xe an toàn cho bản thân và những người khác bạn nhé!
Bộ Tài chính chuyển cơ quan điều tra 34 hồ sơ vụ việc bất thường trên thị trường chứng khoán và thanh kiểm tra 14 công ty chứng khoán