Điều chỉnh quy định về trái phiếu doanh nghiệp cần phù hợp

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quy định quản lý trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua siết chặt quá, ảnh hưởng thị trường, thời gian tới sẽ nới ra và sửa đổi cho phù hợp.

Đây là một trong những chỉ đạo được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong Hội nghị tổng kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch triển khai năm 2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/12.

Cụ thể, sau khi nghe báo cáo và đề xuất của Bộ Tài chính, một số địa phương, Thủ tướng đánh giá cao các kết quả mà ngành tài chính đã đạt được năm 2022, đặc biệt là việc cân đối thu - chi ngân sách, hoàn thành vượt dự toán thu, tiết kiệm chi hiệu quả, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...

Điều chỉnh quy định về trái phiếu doanh nghiệp cần phù hợp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ngành tài chính. Nguồn: Dân Việt

Tuy vậy, từ các diễn biến thực tế năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp để củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.

Điều chỉnh quy định trái phiếu doanh nghiệp phù hợp

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, hoạt động quản lý cần tôn trọng quy luật thị trường, tuy nhiên, việc này sẽ diễn ra khi bối cảnh trong và ngoài nước thuận lợi, trong trường hợp bối cảnh không bình thường, Nhà nước cần có sự can thiệp.

"Nhà nước phải can thiệp nếu nhận thấy thị trường phát triển không lành mạnh, Nhà nước không để mặc doanh nghiệp, người dân. Phải cùng ngồi lại để tìm hướng giải quyết trên tinh thần hài hòa lợi ích, khó khăn rủi ro thì phải chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với các tổ chức phát hành, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết. Trường hợp gặp khó khăn, doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư để có các biện pháp xử lý hợp lý như cơ cấu lại về thời gian, lãi suất, điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo Zing.

Thủ tướng lấy ví dụ Nghị định 153 quy định về trái phiếu doanh nghiệp trước đây đưa ra đã quá nới lỏng, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết. Sau khi nhận thấy vấn đề, cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng quy định đưa ra lại siết quá chặt, nên giờ sẽ phải nới ra cho phù hợp. Do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi.

Thủ tướng cho biết các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp trong việc quản lý các thị trường, như việc ngành ngân hàng liên thông với tài chính, chính sách tiền tệ liên thông với chính sách tài khóa, ngân hàng liên quan đến trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các thị trường, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính cần đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, hiện nhóm doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý khoảng 4 triệu tỷ đồng, nhưng không khai thác được hết. Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu đầu tư, nếu đưa được dòng tiền này ra thị trường thì cũng hỗ trợ cho ngành ngân hàng. Một trong những lĩnh vực được lãnh đạo Chính phủ gợi ý là năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo toàn ngành tài chính phải đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn…

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, học hỏi mô hình hay ở một số nước phát triển; phối hợp với một số bộ, ngành nghiên cứu thị trường xuất khẩu để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…

Ngành tài chính phải quản lý chi ngân sách chặt chẽ

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, riêng giảm thuế và phí trong năm nay là 223.000 tỷ đồng, gồm giảm 2% VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, 37 khoản phí… Dù vậy, đến ngày 15/12, tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt kỷ lục hơn 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán Quốc hội giao đầu năm và cao hơn 78.000 tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Chiều ngược lại, đến ngày 15/12, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1%. Ngoài ra, Bộ đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng.

Trước các số liệu được báo cáo, Thủ tướng ghi nhận và cho rằng ngành tài chính phải quản lý thu đúng, thu đủ và kịp thời vào ngân sách, quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh như từ giao dịch thương mại điện tử, đôn đốc thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế...

Về quản lý chi, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành tài chính phải quản lý chi ngân sách chặt chẽ, đặc biệt tiết kiệm chi thường xuyên 10% ngay từ đầu năm. Theo Thủ tướng, chi thường xuyên còn lãng phí nên còn dư địa để tiết kiệm, nhất là trong lúc khó khăn, theo Dân trí.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phấn đấu bội thu để giảm bội chi.

Về ngân sách Nhà nước, Thủ tướng cho rằng các địa phương không nên xin nhiều ngân sách, "địa phương nào cũng muốn được nhiều thì Nhà nước lấy đâu ra".

(Tổng hợp)

AN LY