Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn nợ lương, phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy nhằm tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp để có dòng tiền duy trì hoạt động phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao do không huy động được vốn từ các kênh chính thống. Doanh nghiệp địa ốc tính đến với hy vọng vượt qua khó khăn hiện tại...
Với Công ty cổ phần LDG Group, các dự án dang dở xuất phát từ cả vướng mắc pháp lý lẫn khó khăn về dòng tiền. Liên quan tới nguồn vốn, đại diện LDG Group cho biết, sẽ nỗ lực huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng nguồn tiền có sẵn để tiến hành thu hồi sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Trong điều kiện thuận lợi nếu thu hồi được toàn bộ sản phẩm, LDG Group sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Theo ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn trong 1-2 năm tới do ách tắc pháp lý cũng như nguồn vốn. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với các đối tác bên trong chuỗi giá trị ngành.
“Những chủ đầu tư có sẵn quỹ đất sạch sẽ chào mời hợp tác với các đơn vị có lợi thế phát triển dự án, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, nguồn lực tài chính hoặc phân phối, tiếp thị dự án. Sự hợp tác này được đánh giá là win - win cho các bên, mang đến sự phát triển ổn định trong dài hạn”, ông Phi nói, đồng thời tiết lộ, COPiHOME đang thương thảo với một đối tác về dự án tại Lâm Đồng với 2 phương án, một là bán toàn bộ dự án đang triển khai để thu hồi vốn, tái đầu tư cho các dự án khác, hai là nhận khoản góp vốn với tỷ lệ 49% trên tổng mức đầu tư dự án.
“Với phương án 2, bên góp vốn sẽ tận dụng được hệ sinh thái của COPiHOME để tham gia phân phối và xây dựng dự án”, ông Phi chia sẻ thêm.
áo cáo tài chính của Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) cho thấy, doanh thu quý II/2022 đạt 4,03 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2022, nhưng lại lỗ sau thuế 34,7 tỷ đồng do chi phí tài chính trong kỳ tăng vọt từ 50 triệu đồng lên 30,78 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Samland đạt doanh thu 2,79 tỷ đồng, giảm 71,1% so với cùng kỳ năm 20212 và lỗ sau thuế 42,41 tỷ đồng so với (cùng kỳ lãi 0,67 tỷ đồng). Điều này khiến lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối của Samland chuyển từ dương 29,4 tỷ đồng sang âm 13,1 tỷ đồng, bằng 1,7% vốn điều lệ.
Trong 2 quý cuối năm 2022, bên cạnh đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất để phát triển phân khúc bất động sản trung bình và cao cấp tại TP. HCM và các địa phương lân cận, Samland cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng các dự án Samland Riverside, Nhơn Trạch, Phú Hữu Gia…
Tuy nhiên, trên thực tế, dự án chung cư Samland Riverside trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã trễ hẹn 3 năm so với kế hoạch và hiện vẫn “bất động”. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc SAM Holdings (Công ty mẹ của Samland) cho hay, ban đầu, Công ty công bố giá bán khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng do tiến độ dự bán chậm trễ nên giá bán dự kiến tăng lên tới 60-70 triệu đồng/m2. Ngoài ra, trong 3 năm qua, nhiều dự án bất động sản liên quan tới đất công ở TP.HCM bị dừng lại, Công ty đang tìm giải pháp tháo gỡ với kỳ vọng đến cuối năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý để triển khai.
Trong quý II/2022, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy chỉ ghi nhận vỏn vẹn 2 tỷ đồng lợi nhuận, giảm tới 99% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu thuần cũng giảm gần 70%, xuống còn 169 tỷ đồng. Xét riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), Năm Bảy Bảy lỗ 15,26 tỷ đồng trong kỳ.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng, trong quý II/2022, doanh nghiệp này chỉ đạt 1 tỷ đồng doanh thu thuần khi hoạt động cốt lõi là chuyển nhượng bất động sản không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào (cùng kỳ năm 2021 đạt gần 185 tỷ đồng doanh thu thuần), trong khi chi phí tài chính tăng đột biến, kết quả là lỗ 119 tỷ đồng.
Tổng Hợp