Tuy nhiên, việc “nhập cuộc” trở lại cũng đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn lao động. Đây là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập tại tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 25/9.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh thông tin: TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 100 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn chưa từng có đối với cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Sau những nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, đến nay, công tác kiểm soát dịch đã có những tín hiệu tích cực; trong đó, số ca mắc mới trong cộng động và số ca tử vong đều giảm là những cơ sở cho thấy thành phố có thể tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, một trong những điều kiện thuận lợi là ở giai đoạn triển khai tiêm vaccine phòng COVD-19 đầu tiên, thành phố đã ưu tiên cho nhóm đối tượng là người lao động, do đó đến nay tỷ lệ bao phủ vaccine trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố khá cao với trên 70% số lao động được tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác cũng là bài học để TP Hồ Chí Minh thận trọng, thực hiện mở cửa theo lộ trình an toàn, tránh lặp lại tình trạng “mở nhanh ” rồi “đóng vội”.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa) thông tin, hiện có khoảng 40% hội viên đang duy trì “3 tại chỗ”. Nhiều thành viên của Hawa xác định vẫn duy trì “3 tại chỗ” đến 15/10 cùng với tăng cường y tế tại chỗ để chủ động sàng lọc nguồn lao động “xanh” và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Với nhiều tín liệu tích cực về việc TP Hồ Chí Minh sẽ nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội và xây dựng lộ trình cho phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chuẩn bị các điều kiện để có thể khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ chính là thiếu hụt nguồn lao động.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, việc tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” thời gian qua chỉ cho phép duy trì từ 30 -50% số lượng lao động, do đó, những lao động không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” đã nghỉ việc hoặc trở về quê. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng nhưng để phục hồi lại quy mô sản xuất thì thiếu hụt hơn 60% lao động so với trước dịch; trong đó, có cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó tuyển mới.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean nêu vấn đề, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, đã có một làn sóng “di dân” rất lớn từ thành phố về các địa phương để tránh dịch; trong đó, bao gồm cả các công nhân của các nhà máy phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời thành phố và cũng chưa có một đơn vị nào đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.
“Doanh nghiệp rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết”, ông Việt bày tỏ lo ngại.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh đang là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn thành phố nói chung bởi 3 tháng cuối năm được xem là cơ hội cuối cùng để doanh nghiệp có thể “giữ” được cả khách hàng và thị trường, bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để chuẩn bị được nguồn lực lao động cho sản xuất trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp có đủ thời gian để huy động, sàng lọc và bổ sung thêm. Vì vậy, doanh nghiệp cần có đủ thông tin về kế hoạch, chính sách của các cấp quản lý một cách cụ thể và kịp thời, cũng như cơ sở dữ liệu về nguồn lao động mới có thể chuẩn bị các điều kiện để có thể “nhập cuộc” trở lại.