Hành vi, chứ không phải thu nhập, là yếu tố quyết định tài chính của mỗi người. Sự sung túc không đến từ thu nhập của mỗi cá nhân mà đến từ cách họ nghĩ về tiền. Cụ thể, trong khi khoản tiền kiếm được chỉ ảnh hưởng 7% đến chi tiêu của mỗi người, hành vi và thái độ tiêu dùng lại chiếm đến 61%.
Nói cách khác, để thực sự quản lý được chi tiêu, ta cần cân nhắc đầu tư vào yếu tố chiếm 61% kia, chứ không phải làm việc nhiều hơn để kiếm nhiều tiền hơn (yếu tố chỉ chiếm 7%). Chính vì vậy, kiếm tiền không hề khó, khó là ở cách chúng ta giữ tiền.
Cố sức kiếm thật nhiều tiền không thay đổi được gì cả, vì kiếm nhiều tiền hơn không có nghĩa là chúng ta có thể giữ được nhiều tiền hơn. Thứ chúng ta cần thay đổi chính là thói quen tiêu dùng của mình
Có đúng là một vài người bẩm sinh đã có năng khiếu quản lý tiền bạc? Hay họ đã tìm được công thức bí mật dẫn đến thành công? Đó là thói quen, sức mạnh ý chí hay lòng tự tôn? Công thức bí mật đó là gì? Về cơ bản, thái độ tiêu dùng không chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, hoàn cảnh sống hay thu nhập của mỗi người. Bí quyết nằm ở chỗ chúng ta phải “đào tạo” bộ não để có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền.
Spenditude không thể giúp người đọc giàu lên trong tích tắc, nó chỉ giúp tạo dựng thái độ tiêu dùng phù hợp. Có ba câu hỏi lớn mà cuốn sách này sẽ giúp người đọc giải quyết: Thái độ tiêu dùng là gì? Tôi có thể điều chỉnh nó được không? Có phải đã quá trễ rồi không?
Tại sao có một số người dễ dàng có được tự do tài chính, trong khi một số khác lại luôn phải vật lộn với cuộc sống, liên tục chao đảo giữa hai trạng thái “tôi ổn” và “hình như tôi không ổn lắm.
Chúng ta đang là người hoang phí, người tiết kiệm hay người cẩn trọng với cách dùng đồng tiền. Tiền đóng vai trò thế nào trong các mối quan hệ? Cuốn sách này sẽ hé lộ cho chúng ta từng khía cạnh chân thực nhất về đồng tiền.
Spenditude – Làm chủ đồng tiền, tự do tài chính sẽ giúp mỗi người xây dựng lại kịch bản trong tâm trí, để tiền càng đẻ ra tiền, để sống một cuộc đời hạnh phúc, tự do về tài chính.
Xuyên suốt cuốn sách tác giả liên tục đưa ra các ví dụ về hành vi tiêu tiền của ba kiểu người (hoang phí, cẩn trọng, tiết kiệm) để ta có thể điều chỉnh thái độ, xác lập lại kịch bản trong tâm thức, sẵn sàng cho một hành trình mới - hành trình đạt tự do về tài chính.
Bao nhiêu tiền mới là đủ, cái đó không quan trọng, quan trọng là ta luôn thấy “vừa khít” và “dư dả” đối với số tiền ta kiếm được.
Về tác giả Janine Robertson, Paul Gordon
Paul Gordon từng là một người hoang phí, sau biến cố ly hôn, ông luôn băn khoăn với câu hỏi nan giải tại sao một số người quản lý tiền bạc tốt hơn người khác? Ông là tác giả của cuốn Uncommon Sense from Uncommon Mind (2008), và là đồng tác giả cuốn Spenditude (2020).
Janine Robertson: Janine là người mẹ của ba đứa con, có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu lĩnh vực tài chính và Kinh tế học hành vi. Mong ước lớn nhất của Janine là giúp người khác quản lý tài chính cá nhân. Bà đã cùng Paul Gordon nghiên cứu 15 năm về hành vi tiêu dùng và sau đó ra mắt cuốn sách Spenditude.