Suy kiệt vì ngộ độc thạch tín
Anh Tú, 39 tuổi, ở Lâm Đồng được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM trong tình trạng nguy cấp, sốt, đau bụng, suy dinh dưỡng, liệt tay chân.
Các bác sĩ đã tiến hành xử trí bằng kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng, xét nghiệm độc chất từ mẫu máu, nước tiểu, tóc, móng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ thạch tín trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 đến 500 lần so với giá trị thông thường.
Người nhà bệnh nhân cho biết, anh Tú làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn được 10 năm. Mỗi lần xây xong một ngôi nhà, anh có thói quen đốt thuốc bắc gồm cây cỏ, xác ve sầu, bột hùng hoàng, chu sa, thần sa, xạ hương... và đưa đi vòng quanh nhà với mong muốn mang lại may mắn, vượng khí.
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, bệnh nhân cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng phương pháp chelation - dùng các loại thuốc có thể kết nối với kim loại nặng để loại bỏ ra đường tiểu. Do nguồn thuốc tại Việt Nam khan hiếm, bệnh viện đã chuyển người bệnh đến Khoa Chống độc, Bệnh viện Taipei Veterans General Hospital Đài Loan điều trị.
"Mỗi ngày, bác sĩ ở Việt Nam đều được đồng nghiệp bên Đài Loan gửi kết quả thăm khám, hội chẩn, kết quả xét nghiệm, kế hoạch điều trị. Từ đó, chúng tôi có thể nắm được tiến trình điều trị và diễn tiến của bệnh nhân từng ngày", bác sĩ Ngọc nói.
Ngộ độc thạch tín nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo mọi người không sử dụng những chế phẩm hay thuốc không rõ nguồn gốc, không lạm dụng đồ vật hay dùng thường xuyên một món ăn, thực phẩm chức năng khi chưa biết rõ chính xác thành phần bên trong.
Thạch tín có hai dạng là thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật) thường vô hại đối với con người và thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được gọi là "vua của các loại độc".
Lịch sử đã ghi nhận loại chất độc này không chỉ được dân thường mà cả các hoàng tộc của các vương triều sử dụng trong việc ám sát kẻ thù đe dọa tới họ. Sở dĩ họ chọn thạch tín bởi vì nó là chất độc hoàn hảo không mùi, không vị. Do đó, nạn nhân không dễ dàng phát hiện mình đang bị đầu độc. Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức.
Tin tức trên báo Lao Động, người bị nhiễm độc thạch tín (asen) chủ yếu qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và qua da, khi vượt quá ngưỡng an toàn thì thạch tín trong thực phẩm, nước uống hoặc không khí sẽ trở thành chất độc gây nguy hiểm… Nhiễm độc thạch tín nặng có thể gây ung thư, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, ung thư thậm chí tử vong.
Ngoài ra, thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, trong đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Tuy nhiên, ở cấp độ bình thường, mỗi ngày chúng ta đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định nhưng liều lượng cực kỳ thấp và không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.
Do đó, để tránh ngộ độc thạch tín, người dân không nên sử dụng những chế phẩm hay thuốc men không rõ nguồn gốc, không nên lạm dụng bất cứ đồ vật hay món ăn gì như dùng thường xuyên 1 món ăn, uống lâu dài một loại thực phẩm chức năng khi chưa biết rõ chính xác thành phần bên trong.
Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn cũng như liều lượng chuẩn xác. Bởi, khi một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng liều cao lại là thuốc độc gây chết người.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa