Năm học này, Nguyễn Trần Yến Nhi cùng các bạn học sinh khối 8 và khối 5, Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Golden River (quận 1, TPHCM) được tham gia dự án “Âm nhạc dân tộc” trong vòng 2 tháng. Đây là dự án thuộc môn Việt Nam học, được thiết kế với mong muốn giúp trẻ thời hiện đại hiểu rõ để thêm yêu các loại hình âm nhạc truyền thống của quê hương.
Trích đoạn chèo “Tấm Cám” của các học sinh khối 5. |
Tại chương trình biểu diễn tổng kết dự án “Âm nhạc dân tộc” gây quỹ cho các hoạt động thiện nguyện mới đây, Nhi khá hồi hộp khi lần đầu đảm nhận vai trò MC. Đây là điều cô học sinh lớp 8 này chưa bao giờ nghĩ đến bởi từ trước đến nay khi nghe đến cụm từ “âm nhạc dân tộc”, Nhi thường phớt lờ vì chẳng mấy mặn mà. Như khi giáo viên đưa ra phương án mỗi lớp 8 sẽ chia thành nhiều nhóm cùng tìm hiểu và thực hiện các tiểu luận khoa học về một thể loại âm nhạc dân tộc yêu thích, Nhi vẫn thắc mắc “Có gì hay đâu mà làm hả cô?”.
Thế nhưng, từ những hướng dẫn ban đầu của giáo viên, càng tìm hiểu, Nhi càng thấy thích thú và quyết định cùng 5 bạn khác trong lớp làm tiểu luận về “Kế hoạch bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống Hò đưa linh”. Ngày cầm trên tay tập tiểu luận dài gần 15 trang với phần bìa thiết kế ấn tượng, Nhi vẫn chưa tin mình và các bạn đã có thể say sưa tìm hiểu về một thể loại âm nhạc lạ lùng đến vậy. “Ban đầu, khi nghe đến đề tài này, các bạn cũng thắc mắc nhưng tụi em thấy Hò đưa linh có nhiều nét độc đáo cần khai thác nên muốn hiểu thật rõ về loại hình này. Trong quá trình tham gia dự án, em còn được nghe và đọc nhiều phần trình bày của các nhóm khác về âm nhạc dân tộc. Nhưng bất ngờ nhất là khi tham gia chuẩn bị cho chương trình biểu diễn, em mới thấy rõ sự công phu của từng tiết mục. Em không tin bạn bè mình có thể làm hay và ấn tượng đến vậy”, Nhi vui vẻ nói.
Tiết mục "Trống cơm" kết hợp giữa truyền thống và hiện đại |
“Âm nhạc dân tộc” là dự án liên môn do các giáo viên tổ Việt Nam học thuộc Trường Phổ thông liên cấp Vinschool Golden River khởi xướng với mong muốn khơi gợi tình yêu âm nhạc truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong giới trẻ ngày nay. Hơn 300 học sinh tham gia dự án này thông qua nhiều giai đoạn kéo dài trong hai tháng. Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học một cách bài bản, thống nhất, không chỉ mang tính chất phong trào là các mục tiêu được vạch ra cho dự án lần này. Nếu học sinh khối 5 dừng lại ở mức độ tìm hiểu về “Chiếu chèo sân đình” và cùng giáo viên trang trí các poster thì học sinh khối 8 phải kết dự án bằng một tiểu luận trình bày đúng chuẩn.
Cái hay là các nhóm không hoạt động riêng lẽ mà có sự kết nối, chia sẻ, giúp nhau biết thêm nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống và sẵn sàng chung tay khi ai cần tiếp sức do thiếu ý tưởng hay tài liệu nghiên cứu. Một mạng lưới chia sẻ thông tin được thiết lập để học sinh nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận các tiểu luận hoặc cùng thảo luận về các nội dung mình quan tâm. Kết thúc dự án, học sinh có được kiến thức tổng quan về một số loại hình âm nhạc dân tộc, biết cách biểu diễn minh họa một số tác phẩm/thể loại và quan trọng nhất là thấy có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Buổi biểu diễn khiến nhiều người xem bất ngờ, thích thú.
Trích đoạn chèo “Tấm Cám” của các học sinh khối 5. |
Tại buổi biểu diễn, học sinh khối 8 mang đến nhiều tiết mục hấp dẫn như “Gió đánh đò đưa”, “Cò lả”, “Trống Cơm” “Bèo dạt mây trôi”, những điệu múa của dân tộc Thái… Trong khi đó, các bạn học sinh đại diện cho khối 5 biểu diễn trích đoạn chèo “Tấm Cám”. Xen kẽ các tiết mục biểu diễn là phần thuyết trình súc tích về Cải lương và Chầu văn do chính các bạn học sinh thực hiện.
Nhìn các em học sinh khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống, di chuyển nhịp nhàng trên sân khấu trên nền nhạc của nhiều thể loại âm nhạc dân tộc, cô Nguyễn Anh Đào, giáo viên phụ trách bộ môn Việt Nam học nhà trường cảm thấy xúc động. Cô biết, để có thể tự tin biểu diễn trên sân khấu, các em học sinh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, tập luyện. Chính quá trình hóa thân vào các nhân vật rồi nghe đi nghe lại những giai điệu thân thương đã giúp các em dần thích thể loại âm nhạc này.
Khi chung tay thiết kế dự án này, ban đầu, các giáo viên cũng gặp phải một số trở ngại do học sinh chưa thực sự hào hứng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những cái lắc đầu khi trước đã nhường chỗ cho sự háo hức, tò mò của học sinh khi nghe thêm thông tin về một thể loại âm nhạc dân tộc. Cô Đào cho biết chính cô cũng bất ngờ với khả năng tìm tòi và thể hiện của các em học sinh: “Điều tôi nhận thấy rõ nhất khi tham gia dự án lần này là sự kết nối giữa các thành viên trong lớp khi tìm hiểu nhiều kiến thức mới và cùng nhau làm chung một sản phẩm. Chính quá trình đó giúp các em tự giác, trưởng thành, biết chia sẻ công việc và phối hợp nhịp nhàng. Ở đây, giáo viên đóng vai trò định hướng, hỗ trợ khi nhóm nào cần giúp đỡ chứ không can thiệp quá sâu vào sự sáng tạo của học sinh. Có rất nhiều sự thay đổi tích cực về góc nhìn của học sinh với chủ đề học tập sau hơn 2 tháng triển khai dự án”./.
Các nàng hậu và chuỗi dự án nhân ái
Dự án Tết Hạnh phúc nhằm chung tay mang đến cái tết ấm áp nghĩa tình với đông đảo người dân.