Tình trạng hói đầu ở nam thanh niên châu Á đang gia tăng mức báo động

Thay đổi lối sống trong xã hội hiện đại khiến ngày càng nhiều người châu Á phải đối mặt với chứng rụng tóc.

Khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết đàn ông da trắng sẽ phải đối mặt với tình trạng hói đầu ở một mức độ nào đó, khoảng một nửa ở tuổi trung niên, thì nam giới châu Á, đặc biệt là Đông Á có tiền sử rụng tóc thấp nhất trên thế giới.

Một nghiên cứu năm 2010 từ 6 thành phố ở Trung Quốc cho thấy ít hơn 3% nam giới độ tuổi từ 18-29, và chỉ hơn 13% trong số đó trong độ tuổi 30, mắc chứng rụng tóc nam giới. Nghiên cứu trước đó từ Hàn Quốc cho thấy chỉ 14,1% nam giới ở nước này chịu ảnh hưởng, trong khi nam giới Nhật Bản được phát hiện mắc chứng hói đầu muộn hơn một thập kỷ so với ở châu Âu.

Nghệ sĩ Trung Quốc Fang Lijun chụp bên tác phẩm của mình. Nhân vật hói đầu được nghệ sĩ dùng như biểu trưng của sự vỡ mộng và nổi loạn trong xã hội Trung Quốc hiện đại (Ảnh: Getty Images).
Nghệ sĩ Trung Quốc Fang Lijun chụp bên tác phẩm của mình. Nhân vật hói đầu được nghệ sĩ dùng như biểu trưng của sự vỡ mộng và nổi loạn trong xã hội Trung Quốc hiện đại (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, Alex Han, 34 tuổi, tại Đông Bắc Trung Quốc gần đây phát hiện yếu tố di truyền không phải là tất cả. Căng thẳng, thiếu ngủ, ăn uống thiếu dinh dưỡng và hút thuốc cũng góp phần gây rụng tóc.

Tôi đang chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh thạc sỹ nên có khá nhiều áp lực, tôi không thể ngủ được ngon giấc. Thời điểm đó, đường chân tóc của tôi vẫn được kiểm soát. Nhưng sau 3 năm lấy bằng thạc sĩ ở Bắc Kinh, tôi chuyển tới Đức theo học tiến sĩ… và không chỉ riêng tôi, những sinh viên châu Á khác, đều có vấn đề về rụng tóc”, Han chia sẻ.

Đây là một vấn đề mà nhiều người thuộc thế hệ của Han hay trẻ hơn phải đối mặt. Một cuộc khảo sát trên 50.000 người của Hiệp hội giáo dục và chăm sóc sức khỏe Trung Quốc cho thấy, những người trong độ tuổi tầm 30 ở quốc gia này đang trở nên hói đầu nhanh hơn bất kỳ nhóm nào khác. Gần 1/3 số người được hỏi sinh năm 1990 trở đi đều có tóc mỏng. Cuộc thăm dò tương tự của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh cũng cho thấy con số đáng kinh ngạc là 60% sinh viên đều bị rụng tóc theo một mức độ nào đó.

Đài CGTN của Trung Quốc gọi đây là một “đại dịch”, nhưng những thay đổi trong lối sống đi kèm với những thay đổi về cả công nghệ lẫn thu nhập khả dụng. Cấy tóc là một giải pháp khả thi cho ngày càng nhiều nam giới, và quy trình này đem lại cho thị trường Trung Quốc hàng chục tỉ nhân dân tệ vào năm 2020, hơn khoảng 4 lần so với 4 năm trước (theo công ty phân tích thị trường Statistica).

Han chọn sang Thái Lan để thực hiện cấy ghép, khi hàng ngàn nang tóc được cấy từ những bộ phận khác của cơ thể như ngực, hay sau gáy lên trên đầu. Quy trình kéo dài từ 8-10 tiếng đồng hồ tiêu tốn khoảng 9.000 USD. Cấy ghép có thể phải mất hàng tháng để thấy được hiệu quả, dù Han hy vọng có thể “thấy được kết quả và nhìn thấy tóc trở lại bình thường trong vòng 2 tới 3 tháng tới, rồi khi đó tôi sẽ cư xử như chưa có gì xảy ra”, anh nói.

Đối mặt với kỳ thị

Nỗi sợ của Han cũng là cảm giác chung của những người đàn ông có đường chân tóc giảm sút trên khắp thế giới, như tác động tới sự tự tin, triển vọng nghề nghiệp và ấn tượng đầu của họ. “Với tôi, kiểu tóc vô cùng quan trọng đối với ấn tượng ban đầu của người đàn ông”, anh nói.

Chứng rụng tóc có lẽ đặc biệt khó khăn hơn ở các quốc gia mà tình trạng này ít phổ biến. Những tiêu chuẩn vẻ đẹp ở nam giới trong văn hóa đại chúng Đông Á – từ K-pop Hàn Quốc tới công nghiệp điện ảnh của Hong Kong – thường ưa chuộng những mái tóc  dày và vẻ ngoài nam tính. “Trong các nền văn hóa châu Á, thế hệ trẻ thích các thần tượng như TFBoys (nhóm nhạc pop Trung Quốc)”, Han cũng cho rằng tiêu chí cho nam giới da trắng và da đen thường khác nhau.

Người đàn ông nhìn chiếc máy robot cấy tóc tại Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải năm 2019 (Ảnh: CNN)
Người đàn ông nhìn chiếc máy robot cấy tóc tại Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải năm 2019 (Ảnh: CNN)

Đối với anh David Ko, một phóng viên Seoul 37 tuổi từng viết về trải nghiệm rụng tóc của mình, việc nam giới thiếu tóc ở Hàn Quốc “chắc hẳn là một yếu tố khiến mọi người cảm thấy không thoải mái. Khi nào có một tiền lệ, mọi người thường thấy (tự tin hơn) để làm theo”, anh cho biết.

Một nghiên cứu của Hàn Quốc tại tạp chí Da liễu quốc tế cho thấy 90% người được hỏi cảm thấy không có tóc khiến nam giới già và kém hấp dẫn hơn. Năm 2018, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc phải kêu gọi chủ lao động không được phân biệt đối xử với những nam giới không có tóc, sau khi một công ty quản lý tòa nhà bị cáo buộc yêu cầu người xin việc đội tóc giả trong buổi phỏng vấn và từ chối anh ta chỉ vì bị hói đầu.

Các nghiên cứu ở phương Tây, hói đầu dù không hẳn luôn được đón nhận theo hướng tích cực nhưng cho thấy tình trạng kỳ thị có giảm hơn ở các quốc gia có chứng rụng tóc phổ biến. Như nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania chỉ ra rằng nam giới được xem là “vượt trội hơn, cao hơn và mạnh mẽ hơn” khi những người tham gia được xem các bức hình của chính họ với tóc được loại bỏ bằng kĩ thuật số.

Doanh nhân người Mỹ gốc Hoa Saul Trejo, từng sống ở nhiều thành phố tại châu Á từ năm 2011, bắt đầu rụng tóc khi còn đang học ở Bắc Kinh. Chàng trai 30 tuổi cho biết anh để ý lượng nam giới hói đầu trong thành phố ít hơn tại Mỹ, “nó phần nào khiến tôi phiền lòng, nhưng tôi cố gắng lờ đi”. Anh cũng nhận thấy mọi người thường thoải mái hơn so với người phương Tây khi đưa ra nhận xét – ngay cả khi theo cách quan sát.

Họ sẽ nói thẳng với bạn. Khi họ nói thường không có ý xấu, mà chỉ là nhận xét, nên tôi không thể giận họ, nhưng bản thân sẽ nhớ. Tôi đã thử cạo đầu, nhưng nghĩ nó không phù hợp với hình dáng đầu và cơ thể mình”, anh cho biết. “Tôi nghĩ người châu Á, gồm cả tôi, thường nhỏ người hơn, nên nếu trọc mà gầy so với dáng thể thao, hay cơ bắp, thì tôi nghĩ sẽ trông tốt hơn khi cơ thể lớn hơn”.

Năm 2018, Trejo thực hiện cấy tóc tại Bangkok và phải mất gần 1 năm mới thấy kết quả. Đối với anh, đường chân tóc mới là “một phép màu, cải thiện đáng kể đời sống hẹn hò của tôi”. Bác sĩ của Trejo, ông Damkerng Pathomvanich, là nhà nghiên cứu hàng đầu về chứng rụng tóc. Ông cho biết lượng phòng khám cấy tóc ở châu Á đang tăng vọt, và hoạt động kinh doanh với những bệnh nhân Trung Quốc tại phòng khám của ông đang “bùng nổ”.

Chúng tôi đã công bố dữ liệu (năm 2002) cho thấy tình trạng hói đầu ở nam giới châu Á đang gia tăng đáng báo động”, ông cho biết chế độ ăn là chìa khóa để thay đổi “Tôi có rất nhiều bệnh nhân da trắng nói với tôi rằng “Châu Á các anh không bị hói” nhưng điều đó không đúng”.

Những giải pháp khác

Có những phương pháp điều trị rẻ và ít xâm lấn hơn trên thị trường. Theo trang South China Morning Post, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba dự trữ hàng ngàn dầu gội phục hồi tóc, serum và thuốc xịt, và cho biết hơn 70% khách hàng mua các sản phẩm chống rụng tóc đều sinh sau năm 1980.

Các loại thuốc như minoxidil và finasteride, lần lượt có mặt ở Mỹ từ những năm 1980 và 1990, dường như cũng thu hút được sự chú ý trong khu vực. Theo một báo cáo của Global Market Insights, doanh số của loại thuốc cũ, thường được giao dịch với tên gọi Rogaine, dự kiến sẽ tăng 5% mỗi năm ở châu Á Thái Bình Dương từ năm 2018 đến năm 2024.

Một giám khảo đang kiểm tra các thí sinh trong cuộc thi hói đầu vào năm 1957 tại Nhật, nơi có tỉ lệ hói đầu từng thấp nhất trên thế giới (Ảnh: Getty Images).
Một giám khảo đang kiểm tra các thí sinh trong cuộc thi hói đầu vào năm 1957 tại Nhật, nơi có tỉ lệ hói đầu từng thấp nhất trên thế giới (Ảnh: Getty Images).

Bên cạnh đó cũng có những dược liệu tự nhiên. Như trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhiều loại thảo mộc và tinh chất chiết xuất từ thực vật từ lâu đã được quảng bá là giải pháp chữa rụng tóc, dù hiệu quả vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi (một trong số đó, polygonum multiflorum, hay hà thủ ô đỏ, thậm chí có thể gây viên gan nếu dùng quá mức).

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, David Ko cho biết cây diếp cá có thể được ủ thành chất lỏng màu đen để bôi lên da đầu.

Tôi dùng nó như một loại dầu gội bất cứ khi nào gội đầu. Sau khi làm ướt tóc, tôi đổ một nắm nước ngâm cây lên da đầu, dùng ngón tay mát-xa da đầu khoảng 1 phút, sau đó gội sạch với nước. Nhưng sau một thời gian không thấy dấu hiệu cải thiện, tôi chán nản nên đổ thêm nhiều hơn lên tóc mỗi lần cho hết lọ và gội cho xong”. Anh cũng thử những phương thức dược liệu khác.

Vợ tôi cũng giục cho thêm một ít muối biển lên da đầu thay vì nước cây, và một đồng nghiệp thì nói với tôi rằng người bố hói đầu của cô ấy thường ăn nhiều hạt mè đen như đồ ăn vặt”.

Trong khi bác sĩ da liễu Norman Orentreich ở New York (Mỹ) được biết đến rộng rãi như cha đẻ của cấy ghép tóc, thì bác sĩ người Nhật Shoji Okuda được cho là người thực hiện quy trình này đầu tiên vào năm 1937 (mặc dù Chiến tranh thế giới 2 nổ ra khiến phần lớn nghiên cứu của ông không được để ý tới). Với tình trạng hói đầu gia tăng ở châu Á, có lẽ không hề ngạc nhiên khi các nhà khoa học của lục địa – cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản – một lần nữa dẫn đầu một số nghiên cứu hứa hẹn nhất về lĩnh vực này.

Một nghiên cứu đột phá của Nhật Bản vào năm 2019 cho phép phát triển các nang tóc bằng việc sử dụng tế bào gốc. Sau đó được cấy ghép thành công trên lưng chuột, dù bất kỳ kết quả liệu pháp ra sao thì vẫn còn chặng đường dài để được chấp thuận tiến hành trên người (ở nhiều quốc gia, phương pháp điều trị tế bào gốc hoặc bị hạn chế tối đa hay hoàn toàn phi pháp).

Có những cách ứng phó lạ thường khác giờ cũng xuất hiện ở châu Á. Chẳng hạn như vi sắc tố da đầu bao gồm xăm hàng ngàn chấm nhỏ trên đầu người bệnh để tạo cảm giác về tóc cạo. Một nghiên cứu của Hàn Quốc trên tạp chí Da liễu quốc tế đã mô tả quy trình này là “một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất” đối với chứng rụng tóc, cho thấy tỷ lệ hài lòng trung bình là 4,8/5 trên 80 người bệnh được hỏi.

Thay đổi quan niệm

Dù vậy, họ vẫn gặp những thách thức đặc biệt tại châu Á. Quy trình xăm da đầu cần người bệnh phải cạo trọc vĩnh viễn, mà theo văn hóa châu Á thường gắn liền với hình mẫu của tội phạm hay băng đảng xã hội. Tuy nhiên theo anh Ko, những quan niệm đó chỉ là trong quá khứ.

Ngày trước, khi nam thanh niên cạo đầu thì sẽ bị các bậc cao niên khiển trách với những giả thuyết hoàn toàn vô căn cứ”, anh cho biết họ sẽ xem việc trọc đầu là dấu hiệu của những kẻ nổi loạn hay “có vấn đề với xã hội”.

Ngày nay, những quan niệm này hầu như không còn, nhưng mọi người vẫn nhìn họ với một vẻ e dè nhất định”.

Một người mẫu cạo trọc đầu trình diễn tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc năm 2017. Sự trỗi dậy của phong cách đường phố có thể giúp kiểu đầu trọc trở nên phổ biến (Ảnh: CNN).
Một người mẫu cạo trọc đầu trình diễn tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc năm 2017. Sự trỗi dậy của phong cách đường phố có thể giúp kiểu đầu trọc trở nên phổ biến (Ảnh: CNN).

Eric But, giám đốc kinh doanh của công ty quản lý người mẫu Synergy có trụ sở ở Hong Kong và Quảng Châu, cho biết khách hàng thường tìm kiếm những người mẫu châu Á “dễ thương với mái tóc dài – như phim Hàn Quốc, kiểu mẫu người bạn trai hoàn hảo”. Trong khi phân biệt giữa hói và cạo trọc, anh cho biết sự trỗi dậy của thời trang đường phố đang bình thường hóa kiểu đầu trọc ở châu Á.

Đối với thế hệ cha mẹ chúng tôi, đầu trọc ở châu Á giống như xã hội đen. Nếu bạn muốn là hội tam hoàng, hay nếu vào tù, bạn sẽ phải cạo đầu. Nhưng bây giờ, với những người sinh năm 90 trở về sau, họ xem trọc đầu như một xu thế thời trang đường phố, và xu thế đó rất phổ biến ở châu Á”.

Theo Ko, nam diễn viên Hong Seok-cheon, rapper Gill và diễn viên Kim Kwang-kyu là những ví dụ điển hình về con số người nổi tiếng hói đầu ở Hàn Quốc đang dần gia tăng.

Có lẽ sẽ giúp ích hơn nếu nhiều người Hàn mắc chứng rụng tóc, để mọi người có thể thấy và biết rằng họ không phải là những trường hợp đơn độc ngoài kia”, anh cho biết.

Minh Nguyễn (theo CNN)

Để không còn bị ám ảnh bởi nỗi lo rụng tóc mùa hanh khô

Để không còn bị ám ảnh bởi nỗi lo rụng tóc mùa hanh khô

Khi thời tiết chuyển sang thu, rất nhiều bạn gái lại phải đối mặt với chứng rụng tóc theo mùa.