Phụ nữ tử vong vì đột quỵ cao hơn nam giới

Nguy cơ đột quỵ ở nam giới cao gấp 1,25 lần so với nữ giới. Tuy vậy, nữ giới lại tử vong do đột quỵ nhiều hơn, chiếm đến 23%.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam tỷ lệ tử vong vì đột quỵ đã “soán ngôi” ung thư, tim mạch để vươn lên đứng hàng đầu. Trong khi nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nhưng phụ nữ lại có khả năng tử vong và để lại di chứng nhiều hơn.

Vì sao tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở phụ nữ cao hơn nam giới?

Có lẽ chưa bao giờ căn bệnh đột quỵ lại khiến chúng ta lo sợ như thời gian gần đây. Chỉ trong vài ngày đã liên tiếp xảy ra 4 ca đột quỵ cướp đi sinh mạng của 2 người, một là giáo viên trẻ và một là nghệ sĩ nổi tiếng.

Riêng một người được cứu sống nhờ chuyển đến cơ sở y tế kịp trong lúc đợi máy bay. Gần đây nhất là trường hợp một cô gái trẻ mới 27 tuổi ở Vĩnh Phúc bị đột quỵ sau khi tắm đêm, may mắn được cấp cứu kịp thời nên chưa vỡ mạch máu não, giữ được tính mạng.

Đây chỉ là những ca bệnh đột quỵ được biết đến rộng rãi thông qua báo chí. Nhưng trong thực tế, mỗi ngày các trung tâm, đơn vị, cấp cứu đột quỵ đều tiếp nhận nhiều hơn con số này. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Các yếu tố ảnh hưởng như thay đổi hormon sinh dục nữ, có thai, sinh con... khiến phụ nữ có nguy cơ cao tử vong do đột quỵ nhiều hơn nam giới. (Ảnh minh họa)
Các yếu tố ảnh hưởng như thay đổi hormon sinh dục nữ, có thai, sinh con... khiến phụ nữ có nguy cơ cao tử vong do đột quỵ nhiều hơn nam giới. (Ảnh minh họa)

Đột quỵ được nhắc đến nhiều ở nam giới bởi những thói quen thuốc lá, rượu bia, thức khuya cùng những bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp... vì vậy, phụ nữ thường thờ ơ với căn bệnh này. Thực tế, nguy cơ đột quỵ ở nam giới cao gấp 1,25 lần so với nữ giới. Tuy vậy, nữ giới lại tử vong do đột quỵ nhiều hơn, chiếm đến 23%, trong khi nam giới chỉ có 18%.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đột quỵ đứng thứ ba trong bảng xếp hạng "kẻ giết phụ nữ" hàng đầu tại Mỹ. Đặc biệt, con số này gấp đôi đối với nguyên nhân là ung thư vú và 34% số vụ tử vong xảy ra ở phụ nữ dưới 65 tuổi.

Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ xảy ra đột quỵ, để lại di chứng và tử vong cao hơn. Trong đó có thể kể đến sự thay đổi hormon sinh dục nữ, mang thai, sử dụng thuốc tránh thai đường uống, tiền sử tiền sản giật, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, đau nửa đầu với cơn thoáng qua… Đặc biệt, các nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế hormon, sử dụng progestin và estrogen để làm giảm các triệu chứng rối loạn của thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

“Cười méo, nói ngọng, yếu liệt một bên” hãy gọi cấp cứu, đừng cạo gió, chích lễ

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ (Ảnh: Sở Y tế TPHCM)
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ (Ảnh: Sở Y tế TPHCM)

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp Thần kinh TPHCM, đột quỵ não có 2 dạng là thiếu máu cục bộ não (hay còn gọi là nhồi máu não) và chảy máu não (xuất huyết não). Trên thế giới nói chung và cả Việt Nam có khoảng 80% các ca đột quỵ là do tắc mạch dẫn đến nhồi máu não.

Hiện nay Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới. Nhiều trung tâm nước ta đã sử dụng hình ảnh học tiên tiến để chẩn đoán đột quỵ, điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật hiện đại như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ...

Song điều tiên quyết là cả bệnh nhân cũng như các bác sĩ phải chạy đua với thời gian. Bởi đối với đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua, 2 triệu tế bào nơron thần kinh, đồng nghĩa với khoảng 12km sợi trục nơron thần kinh não, chết không hồi phục nếu thiếu máu nuôi.

“Nếu căn bệnh ác tính như ung thư có thời gian tìm cơ hội điều trị ở trong và ngoài nước thì với đột quỵ nhồi máu não, theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ thế giới (WSO), “giờ vàng” chỉ vỏn vẹn trong 4,5 giờ (đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông), 6 giờ (đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối).

Riêng với đột quỵ xuất huyết não không có thời gian vàng cụ thể, mà nguyên tắc chung là càng sớm càng tốt, cơ hội phục hồi càng cao. Mặc dù dạng đột quỵ này chỉ chiếm 20% số lượng bệnh nhưng việc điều trị khó khăn hơn, tùy thuộc vào đặc điểm của vị trí xuất huyết, bác sĩ sẽ bị động hơn so với nhồi máu não” - TS Cường chia sẻ.

Vì thế, khi khởi phát các dấu hiệu đột quỵ đó là cười méo, nói ngọng, yếu liệt một bên, đau đầu dữ dội…. tốt nhất nên gọi cấp cứu, đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Không cạo gió, chích lễ, nặn chanh vào miệng, không tự ý cho người bệnh uống thuốc, kể cả thuốc hạ huyết áp. Chúng ta cần nhớ rằng, đến bệnh viện càng trễ, sinh mạng của bệnh nhân càng như "ngàn cân treo sợi tóc".

Tầm soát sớm giúp ngăn chặn 80% nguy cơ đột quỵ

Biết được những dấu hiệu của đột quỵ chỉ là bước đầu tiên. Quan trọng nhất là phòng ngừa. Mặc dù không có giải pháp nào phòng, tránh triệt để, nhưng nếu chúng ta hiểu rõ yếu tố nguy cơ và xây dựng chiến lược cho sức khỏe của mình thì đã ngăn chặn được 80% nguy cơ xảy ra đột quỵ.

“Ngoài những yếu tố nguy cơ không tác động được như tuổi tác, gen, dân tộc, di truyền thì bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, các bệnh tim, các rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì hay thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu… là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để phòng ngừa đột quỵ.

Điều này có nghĩa là, nếu bạn có bệnh cao huyết áp, đái tháo đường phải điều chỉnh tốt các chỉ số luôn duy trì trong mức ổn định, người béo phì phải giảm cân, người nghiện rượu, thuốc lá phải từ bỏ thói quen có hại này” - TS Cường khuyến cáo.

Xây dựng lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, tầm soát định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ (Ảnh minh họa)
Xây dựng lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, tầm soát định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ (Ảnh minh họa)

Đồng thời, các chị em phụ nữ cần theo dõi huyết áp trong thời gian mang thai hoặc khi sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống. Hãy tập thể dục tối thiểu 20 phút mỗi ngày, ngủ đủ giấc, cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi để tránh căng thẳng, sàng lọc các yếu tố nguy cơ mang thai như tiền sản giật… Cuối cùng, đừng quên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ để phát hiện kịp thời, từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.

Phương Nguyên

Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 14/1 ở mức xấu thứ 5 thế giới

Chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 14/1 ở mức xấu thứ 5 thế giới

Theo website cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí 6h ngày 14/1 ở ngưỡng đỏ.