Tại sao đột quỵ tăng cao trong mùa lạnh?

Nhiệt độ thay đổi lạnh đột ngột khiến nguy cơ máu đông và tắc nghẽn động mạch tăng cao. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiệt độ giảm khoảng 2,9 độ C ngoài trời trong khoảng thời gian 24h có thể tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguy cư đột quỵ cao khi trời lạnh

Nguy cơ đột quỵ tăng lên tới 30% vào mùa lạnh so với các thời điểm khác - đó là kết quả nghiên cứu được thống kê, kiểm chứng và đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu.

Thường khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng cao huyết áp tăng rõ rệt. Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp, cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, tăng huyết áp có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Trời lạnh sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ gây ra tai biến. Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.

 Đột quỵ hiện có tỷ lê tử vong cao thứ 3 và đứng đầu về tỷ lệ tàn tật.
 Đột quỵ hiện có tỷ lê tử vong cao thứ 3 và đứng đầu về tỷ lệ tàn tật.

Theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Â, người bệnh bị ảnh hưởng bởi đột quỵ nguyên nhân do xuất hiên cục máu đông chiếm đa phần khoảng 85%. Trong đó, yếu tố cục máu đông di chuyển đến não và chặn nguồn cung cấp máu là chính.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ như từ trong nhà hoặc trong chăn ấm ra ngoài lạnh) khiến cho cơ thể không kịp thích nghi, các mạch máu bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng nhanh và bị đột quỵ.

Không những thế, nhiệt độ lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Khi đó lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị vón cục và lưu lượng máu qua não giảm, dẫn đến tai biến.

Nhiệt độ quá lạnh cũng dễ làm tăng tiết các catecholamine - chất trung gian cho nhiều hoạt động sinh lý và chuyển hóa. Khi chúng tăng lên có thể dẫn đến co mạch ngoại biên, giãn mạch thụ động ở những nơi ít chịu ảnh hưởng như mạch não, mạch phổi, từ đó, dẫn đến biến chứng đứt mạch não.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Thành viên Hội Can thiệp Thần kinh Thế giới: Chỉ sau vài giây mạch máu bị tắc nghẽn não không được tưới máu, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu tê liệt. Mỗi phút trôi qua, khoảng 2 triệu tế bào sẽ chết, càng trễ hơn sau 3 giờ tính mạng bệnh nhân bị đe dọa càng cao.

Những người từ 50 trở lên, người bị huyết áp cao, người bị đái tháo đường, người hút thuốc lá và béo phì là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ mùa lạnh cao nhất, lên tới 30%. 

Dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu nghi ngờ do biến cố tim mạch gồm đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.

Còn dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não là đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

Người già là nhóm dễ bị đột quỵ nhiều nhất vào mùa lạnh. 
Người già là nhóm dễ bị đột quỵ nhiều nhất vào mùa lạnh. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay, mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Tầm soát đột quỵ  

Theo bác sĩ Đào Duy Khoa, chuyên khoa Nội thần kinh, Bệnh viên đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, những người lớn tuổi, đặc biệt là người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường,… hoặc có các thói quen hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ít vận động,… nên tầm soát và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này.

Với những người đang khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ nào thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ. 
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ. 

Tầm soát đột quỵ chính là tầm soát các nguyên nhân, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch….

Với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp. Thông thường bao gồm theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu, tim mạch, xơ vữa động mạch, chỉ số ABI,… Trong một số tình huống, có thể bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT/MRI não và mạch máu não, tầm soát các bệnh lý dễ gây tăng đông,..

Những bệnh viện nào tại TP.HCM tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ?

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện tại có 26 bệnh viện trên địa bàn có thể tiếp nhận và điều trị đột quỵ.

Mạng lưới 34 trạm cấp cứu vệ tinh trong thành phố bao phủ khắp địa bàn quận, huyện luôn sẵn sàng ứng cứu và vận chuyển người bệnh bị đột quỵ đến các bệnh viện có năng lực điều trị đột quỵ phù hợp.

Tại sao đột quỵ tăng cao trong mùa lạnh?

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương