Elon Musk tạm hoãn thương vụ mua lại Twitter

Hôm qua (13/5), Musk đã tweet rằng ông quyết định tạm dừng thương vụ mua lại Twitter để xem xét liệu con số tài khoản giả mạo (fake/spam) trên Twitter có thực sự chỉ chiếm 5% như công ty đã tuyên bố hay không.

Theo CNBC, lý do khiến ông Musk tạm dừng giao dịch này có thể tương tự như vậy, đó là ông muốn Twitter giảm giá bán.

Cổ phiếu Twitter đã giảm hơn 8% trong phiên hôm qua (13/5) và giảm 23% so với mức giá 54,2 USD/cổ phiếu mà ông Musk đã thỏa thuận mua lại Twitter. Một phần của sự sụt giảm này liên quan đến sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ nói chung trong tháng này. Chỉ số Nasdaq đã giảm 11% so với phiên 25/4, ngày mà Twitter chấp thuận lời đề nghị mua lại của Musk.

"Đây có thể là chiến thuật đàm phán của ông Musk", Toni Sacconaghi, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Bernstein, nói trên CNBC và cho rằng thị trường đã giảm mạnh và ông Musk có thể sử dụng chiêu bài lượng người dùng hoạt động thực sự để thương lượng lại.

Ngoài ra, ông Musk cũng có thể cảm thấy một vài áp lực hoặc có trách nhiệm với các nhà đầu tư tiềm năng khác về việc Twitter bị giảm giá, ngay cả khi người giàu nhất thế giới không quan tâm nhiều đến giá cả.

Musk đang đàm phán với các nhà đầu tư bên ngoài bao gồm công ty tư nhân và bên cho vay ưu đãi để giảm bớt cổ phần cá nhân ông tại Twitter. Nếu ông có thể được công ty mạng xã hội giảm giá, lợi nhuận cho các nhà đầu tư bên ngoài có thể cao hơn khi Twitter niêm yết trở lại hoặc bán lại.

Mặc dù ông Musk cho biết ông vẫn cam kết mua lại Twitter nhưng có thể ông bị áp lực phải bỏ cuộc vì những tổn thất mà ông đang gánh chịu trên giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu Tesla. Cổ phiếu Tesla đã giảm khoảng 24% so với tháng trước.

Nếu Musk cho rằng sự sụt giảm tại Tesla liên quan đến việc mua lại Twitter của ông và khả năng ông sẽ thiệt hại đáng kể bao gồm 1 tỷ USD tiền phí chấm dứt hợp đồng và khoản bồi thường phải trả nếu ông thua trong vụ kiện, thì quyết định dừng lại là có lý.

Nhưng với việc phá vỡ thỏa thuận mua lại này, Musk cũng sẽ phải đối mặt với những thiệt hại về danh tiếng. Không rõ liệu trong tương lai có công ty nào mạo hiểm bán mình cho Musk sau cú "quay xe" này không?

Tuy nhiên, bình luận dưới dòng tweet đó, ông Musk khẳng định vẫn cam kết mua lại mạng xã hội này. Song ông Musk có nguy cơ bị Twitter kiện vì vi phạm hợp đồng. Người giàu nhất thế giới có thể phải bồi thường hàng tỷ USD.

Musk và Twitter đã đồng ý với cái gọi là phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ USD khi hai bên đạt được thỏa thuận vào tháng trước. Tuy nhiên, mức "phí chia tay" này không phải là một khoản đảm bảo cho ông Musk "rút lui" mà không để lại hậu quả gì.

Phí chia tay do người mua trả được áp dụng khi có lý do bên ngoài khiến thương vụ không thể hoàn tất. Người mua cũng có thể tạm dừng thỏa thuận nếu phát hiện thông tin không chính xác mà có thể gây ra "tác động bất lợi nghiêm trọng".

Tuy nhiên, theo một luật sư về M&A quen thuộc với vấn đề này, việc thị trường chứng khoán bị bán tháo khiến Twitter mất hơn 9 tỷ USD vốn hóa không được coi là lý do hợp lệ để ông Musk cắt lỗ.

Luật sư cho rằng, nếu ông Musk từ bỏ cuộc đấu thầu này chỉ đơn giản vì cảm thấy mình đã trả quá nhiều thì Twitter có thể kiện ông bồi thường thiệt hại lên tới hàng tỷ USD ngoài khoản phí 1 tỷ USD như đã thỏa thuận.

Điều này cũng đã xảy ra trước đó khi hãng trang sức của Mỹ Tiffany kiện đế chế hàng hiệu Pháp LVMH hồi năm 2020 vì rút lui khỏi thỏa thuận mua lại đã thống nhất. Vụ kiện đó đã được giải quyết khi Tiffany đồng ý giảm giá "bán mình" từ mức 16,2 tỷ USD xuống 15,8 tỷ USD.

Tổng Hợp