Facebook, Google, Microsoft nộp bao nhiêu thuế ở Việt Nam?

Google đã nộp thuế gấp ba lần so với Microsoft, nhỉnh hơn so với Facebook. Tính chung đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế, với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3 gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết trong 3 năm qua (2018-2021), số thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới, thương mại điện tử tăng bình quân 130%. Riêng năm 2021, số thu đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.

Từ năm 2018 đến tháng 8 năm nay, các nền tảng đã khai, nộp 5.588 tỷ đồng thông qua tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài).

Facebook, Google, Microsoft nộp bao nhiêu thuế ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Facebook nộp 2.099 tỷ đồng, Google nộp 2.115 tỷ đồng, Microsoft nộp 714 tỷ đồng, chiếm tổng cộng 88%. So với hồi tháng 6, số thuế các nền tảng này nộp tăng 410 tỷ đồng.

Ngoài ra, tới hết tháng 8, Bộ Tài chính cho biết cơ quan thuế thu được 1.082 tỷ đồng tiền thuế từ xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, theo Dân trí.

Khoản này tăng mạnh từng năm. Cụ thể, số thu năm 2021 đạt 261 tỷ đồng thì 8 tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp đôi, đạt 521 tỷ đồng.

Từ cuối tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính đã triển khai đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Công thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).

Đến nay, đã có 140.615 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng thuế điện tử trên eTax Mobile; 69.465 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng.

Có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netflix, Samsung, TikTok, eBay,…) đăng ký, kê khai trên Cổng thông tin điện tử và nộp thuế, với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Qua thanh tra, kiểm tra đã tập hợp được bộ cơ sở dữ liệu một số sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Tiki,...) để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn, qua đó chia sẻ dữ liệu cho các cục thuế trực tiếp rà soát, đối chiếu thông tin về doanh thu phát sinh trên sàn thương mại điện tử với doanh thu mà doanh nghiệp đã kê khai để có cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai bổ sung theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thu thuế hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, thương mại điện tử còn khó khăn trong xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ thu nhập làm cơ sở đánh thuế…

Trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh.

Khó khăn nữa là khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Bởi, thực tế một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội.

Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về giải pháp, Bộ trưởng thông tin, cuối tháng 8/2022, cơ quan này đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020 quy định sàn thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn và sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi một số quy định chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất trong quản lý hoạt động sàn thương mại điện tử.

(Tổng hợp)

AN LY