Fastly gây "sập nguồn" hàng loạt trang web thế giới hôm qua là gì?

Sự cố tại Fastly, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, đã khiến hàng loạt trang web thế giới "sập nguồn" hôm thứ Ba (8/6) vừa qua.

Hôm qua, ngày 8/6, hàng loạt các trang tin thế giới cũng như các trang web lớn như CNN, New York Times, Amazon, Ebay… đồng loạt không thể truy cập do sự cố “sập nguồn” của một dịch vụ có tên là Fastly. Người dùng internet trên thế giới đều bắt gặp các thông báo “503 errors” ở bất cứ trang web nào truy cập, cho thấy internet đã phụ thuộc thế nào vào một dịch vụ điện toán đám mây chưa từng biết tới.

Vào lúc 16h58 phút (theo giờ Việt Nam), trang theo dõi trạng thái của Fastly ghi chú: “Chúng tôi hiện đang điều tra tác động tiềm ẩn đến hiệu suất với các dịch vụ mạng phân phối nội dung (CDN)”. Và không lâu ngay sau đó, hàng loạt các trang tin như BBC, CNN bỗng mất kết nối. Mạng xã hội Twitter dù vẫn hoạt động nhưng server chứa các biểu tượng emojis sập tạo ra những dòng tweet khá kì cục.

Thay vì chỉ tác động tới các trang web riêng lẻ, sự cố này đã khiến internet phải “sập nguồn”. Trên khắp thế giới, người dùng nhận những thông báo lỗi 503 tại bất cứ trang web nào họ truy cập, bao gồm cả một số dịch vụ quan trọng, như các trang web gov.uk của chính phủ Anh.

Fastly khiến hàng loạt trang web mất kết nối vào hôm 8/6 (Ảnh: Getty Image) 
Fastly khiến hàng loạt trang web mất kết nối vào hôm 8/6 (Ảnh: Getty Image) 

Gần một giờ sau, Fastly đã cập nhật thông tin trên trang cho biết sự cố đã được nhận diện và một bản sửa lỗi đang được triển khai. Vào lúc 18h10 phút theo giờ Việt Nam, công ty này đã viết: “Chúng tôi đã xác định được cấu hình dịch vụ gây gián đoạn trên các POPs toàn cầu của chúng tôi và đã vô hiệu hóa nó. Hệ thống mạng toàn cầu của chúng tôi chính thức trở lại”.

Vậy Fastly là gì?

Fastly là một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), tồn tại từ năm 2011. Năm 2017, Fastly cho chạy một nền tàng đám mây biên được thiết kế nhằm đưa các trang web lại gần hơn với người dùng. Về tính hiệu quả, nếu bạn truy cập một trang web được lưu trữ tại một quốc gia khác, nó sẽ giúp lưu trữ một phần trang web đó gần bạn hơn để không tốn băng thông nạp tất cả nội dung trang web từ xa mỗi khi bạn cần.

Điều này sẽ giúp trang web load nhanh hơn, tối đa hình ảnh, video hay các nội dung chất lượng có thể xuất hiện nhanh hơn và mượt hơn khi bạn truy cập một trang web. Trên trang chủ, công ty này tự hào cho biết nó giúp Buzzfeed tải nhanh hơn 50% và cho phép tờ tin New York Times “gánh” được 2 triệu người đọc cùng một lúc. Điện toán biên cũng thực hiện các chức năng an ninh mạng quan trọng, bảo vệ các trang web khỏi các đợt tấn công của DdoS và bot, cũng như cung cấp một tường lửa ứng dụng web.

Chính bởi là vai trò trung gian giữa các máy chủ web back-end và “mặt tiền” internet chúng ta đối diện hàng ngày, bất kì lỗi xuất hiện trên Fastly sẽ khiến toàn bộ các trang web bị mất kết nối. Do bản chất địa phương của nền tảng đám mây cạnh này, các lỗi sẽ không ảnh hưởng tới tất cả các khu vực theo cùng một cách trong cùng một thời điểm.

Lỗi 503 là gì?

Khi truy cập một trang web mà bắt gặp thông báo lỗi “503 error”, có nghĩa là máy chủ lưu trữ trang web đó chưa sẵn sàng thực hiện yêu cầu. Nó cũng cho biết vấn đề hiện chỉ tạm thời và sẽ sớm được giải quyết.

Thông thường, lỗi này thường do máy chủ mất kết nối để bảo trì, hay khi trang web bị quá tải vì nhiều lý do, chẳng hạn như quá nhiều người truy cập cùng lúc.

Nguyên nhân Fastly “sập nguồn” vào hôm thứ Ba

Hiện chưa có nhiều thông tin về sự cố này ngoài nguyên nhân bởi một “cấu hình dịch vụ” cho đến khi Fastly có điều tra kĩ hơn về vấn đề này. Đây không hẳn là một cuộc tấn công an ninh mạng như nhiều người nghi ngờ. Có rất nhiều lý do kỹ thuật cho việc một CDN bị sập, và tấn công mạng chỉ là một trong số đó.

Tại sao có nhiều trang web chịu tác động của sự cố từ Fastly?

Fastly là một dịch vụ được dùng rộng rãi bởi các nhà làm web. Nguyên nhân do tính năng nó cung cấp được coi là thiết yếu bởi nhiều website trực tuyến, trong khi không có nhiều công ty cung cấp các dịch vụ này. Vì thế, lượng lớn các trang web phụ thuộc vào một nhóm rất nhỏ các công ty để hoạt động.

Như Corinne Cath-Speth, một ứng viên Tiến sĩ tại Viện internet Oxford và học viện Alan Turing chia sẻ trên Twitter: “Một trục trặc kĩ thuật của một công ty có thể gây hậu quả lớn”.

“Việc này dấy lên những câu hỏi quan trọng về mức độ nguy hiểm của sự tổng hợp (sức mạnh) trong thị trường đám mây và những ảnh hưởng không thể nghi ngờ mà những nhân tố thường vô hình này có được trong việc truy cập thông tin”, cô cho biết.

TM (theo cnet)

Phát hiện mã độc lợi dụng bộ gõ Unikey tấn công người dùng Việt Nam

Phát hiện mã độc lợi dụng bộ gõ Unikey tấn công người dùng Việt Nam

Chiến dịch tấn công có chủ đích APT mới được phát hiện rất nguy hiểm vì Unikey hiện là bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất ở Việt Nam.