Fei-Fei Li: hành trình nỗ lực thành nhà khoa học hàng đầu về AI của cô nữ sinh nghèo

Nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Hoa được ca ngợi là "Mẹ đỡ đầu của AI".

Là một trong 5 nhà khoa học nhận giải thưởng chính VinFuture Grand Prize 2024, nhà khoa học máy tính người Mỹ gốc Hoa Fei-Fei Li là một tấm gương của sự nỗ lực phi thường. Từ một cô gái nhập cư nghèo, bà đã vượt khó để không những trở thành nhà khoa học hàng đầu với những nghiên cứu xuất sắc về trí tuệ nhân tạo, mà còn đấu tranh cho bình đẳng giới và đa dạng chủng tộc.

Giáo sư Fei-Fei Li bên giải thưởng khoa học của VinFuture 2024.
Giáo sư Fei-Fei Li bên giải thưởng khoa học của VinFuture 2024.

Được mệnh danh là "Mẹ đỡ đầu của AI", công trình của nữ giáo sư 48 tuổi là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của dữ liệu trong việc huấn luyện các hệ thống AI, ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông qua dữ liệu được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Bằng cách mở rộng giới hạn mà máy móc có thể quan sát và diễn giải, công trình của bà đã thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực thị giác máy tính và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Giáo sư Fei-Fei Li sinh năm 1976 trong một gia đình khá giả tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Bà có một tuổi thơ hạnh phúc với người cha làm tại phòng máy tính của một nhà máy hóa chất, còn mẹ bà là giáo viên trung học.

Năm 1992, với mong muốn con mình có nền giáo dục tốt hơn, cha mẹ bà đã quyết định di cư sang Mỹ. Vì không biết tiếng, cha bà đành tìm một công việc sửa chữa máy ảnh, còn mẹ bà thì làm thu ngân ở siêu thị, bản thân Li thì vừa học trung học, vừa làm bồi bàn và nhân viên dọn dẹp. Cuộc sống 3 người gói gọn trong một căn hộ nhỏ chỉ với 1 phòng ngủ.

"Chúng tôi không có tiền nên ngoài việc học, tôi còn làm đủ nghề. Tôi không buồn vì bố mẹ tôi cũng làm việc chăm chỉ như vậy. Chúng tôi cùng cố gắng để tồn tại như một gia đình. Tôi phải học tiếng Anh từ đầu, nhưng tôi đạt điểm cao, đặc biệt là môn toán và khoa học", bà Li cho biết.

Nhận ra năng lực toán và vật lý của cô học sinh nghèo, giáo viên dạy toán của bà đã liên tục động viên và hỗ trợ. Việc lần đầu tiên được một người Mỹ nhìn nhận nhiều hơn là một người nhập cư đem đến cho bà sự tự tin.

Trong những năm tháng theo đuổi lĩnh vực vật lý tại Đại học Princeton, bà phải vay tiền bạn bè, thậm chí cả giáo viên toán thời trung học, để mua một cửa hàng giặt khô cho cha mẹ nhằm giúp trang trải cuộc sống. Việc xoay sở giữa tham gia các lớp học trong tuần và làm việc tại cửa hàng cuối tuần không khiến bà lùi bước. Năm 1999, Li đã tốt nghiệp đại học với điểm số cao.

Fei-Fei Li: hành trình nỗ lực thành nhà khoa học hàng đầu về AI của cô nữ sinh nghèo

Năm 2005, bà nhận bằng tiến sĩ từ Viện Công nghệ California. Trong quá trình học tiến sĩ, Li đã có những đóng góp đáng kể cho kỹ thuật học một lần (one-shot learning), tạo dấu ấn trong cộng đồng khoa học trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là kỹ thuật giúp đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu tối thiểu, cực kỳ quan trọng với thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Năm 2006, Li bắt đầu nảy ra ý tưởng tạo cơ sở dữ liệu ImageNet, một cơ sở dữ liệu hình ảnh kèm mô tả nội dung bằng văn bản. Ý tưởng được mệnh danh là "con mắt của AI", giúp đặt nền móng cho AI tạo sinh. Bằng cách cung cấp cho các nhà nghiên cứu một tiêu chuẩn chung, Li đã giúp thúc đẩy quá trình phát triển những hệ thống nhận dạng hình ảnh AI.

Li tới Đại học Stanford vào năm 2009 với tư cách là trợ lý giáo sư, sau đó trở thành giáo sư chính thức vào năm 2018. Bà đảm nhận vị trí giám đốc Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo Đại học Stanford trong giai đoạn 2013 - 2018. Năm 2017 - 2018, bà cũng giữ chức phó chủ tịch và nhà khoa học đứng đầu về trí tuệ nhân tạo/học máy tại Google Cloud.

Trong thời gian này, Li làm trong dự án phát triển những kỹ thuật AI giúp diễn giải hình ảnh chụp từ drone mang tên dự án Maven. Bà đã hỗ trợ phát triển các hệ thống thị giác để máy móc có khả năng "nhìn" và hiểu trí tuệ nhân tạo ở mức độ sâu hơn. Nghiên cứu về thị giác máy tính của bà mang tính cách mạng và được ứng dụng trong xe tự lái.

Giáo sư Fei-Fei Li là Giáo sư Sequoia đầu tiên tại khoa Khoa học máy tính thuộc Đại học Stanford và cũng là thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ. Ngày nay, công việc của bà tại Đại học Stanford tập trung vào thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục, chính sách và thực hành AI để mang lại lợi ích cho nhân loại. Li tin rằng AI nên mang lại lợi ích cho con người theo những cách tích cực và nhân đạo.

Fei-Fei Li: hành trình nỗ lực thành nhà khoa học hàng đầu về AI của cô nữ sinh nghèo

Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận AI4ALL do Li thành lập thường mở các khóa học cho các học sinh trung học, khuyến khích phụ nữ trẻ và sinh viên thiểu số khám phá và lựa chọn khoa học máy tính làm hướng nghiên cứu trong tương lai.

GS Li cũng thường xuyên phát biểu tại những hội nghị học thuật và công nghiệp, nhấn mạnh đến bình đẳng giới và sự đa dạng chủng tộc trong ngành công nghệ cao.

Tháng 11 năm ngoái, bà xuất bản cuốn tự truyện The Worlds I See: Curiosity, Exploration, and Discovery at the Dawn of AI. "Tôi là người nhút nhát, không giỏi thể hiện bản thân. Nhưng tôi vẫn quyết tâm xuất bản sách vì lĩnh vực AI không thể thiếu tiếng nói của phụ nữ", nữ giáo sư chia sẻ.

TM (T/H)

Kristi S.Anseth, nhà khoa học “dạy” cơ thể tự chữa lành

Kristi S.Anseth, nhà khoa học “dạy” cơ thể tự chữa lành

Công trình nghiên cứu nữ giáo sư đã giúp cải tiến các phương pháp điều trị y tế cho nhiều phần cơ thể.