Giá cả tăng cao, khéo mua mới ấm

Tại một số chợ truyền thống, dân sinh và cửa hàng tạp hóa trên địa Hà Nội, giá lương thực và thực phẩm có xu hướng tăng 10 – 30%.

Từ sau Tết, giá lương thực thực phẩm từng bước tăng khiến nhiều gia đình trở nên khó xoay xở, nhất là sau khi giá xăng lên cao bất ngờ còn cuộc sống mới chỉ đang rục rịch trở lại sau những ngày giãn cách nặng nề do đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của phóng viên tạp chí Phụ nữ Mới tại một số chợ truyền thống, dân sinh và cửa hàng tạp hóa trên địa Hà Nội, giá lương thực và thực phẩm có xu hướng tăng 10 – 30%.

Các mặt hàng lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán của các tiểu thương. 

Chị Thành (48 tuổi, tiểu thương tại chợ 8/3) than thở: “Tôi ở Thường Tín, thường nhập rau từ đó mang ra chợ này bán. Giờ giá xăng tăng, giá nhập rau cũng tăng nhưng tôi cũng không dám tăng giá bán nhiều. Bởi giờ bán buôn khó khăn, người bán thì nhiều người mua thì thưa thớt, bán cao quá không có người mua, mà hàng của tôi thì không để được lâu. Thôi thì lấy công làm lãi”

Giá rau củ tại một số chợ dân sinh có xu hướng tăng. Tại chợ Yên Hòa, giá bắp cải từ 10.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 18.000 đồng/kg, súp lơ từ 10.000 đồng/cây lên đến 20.000 đồng/cây... Ảnh: Hoàng Toàn
Giá rau củ tại một số chợ dân sinh có xu hướng tăng. Tại chợ Yên Hòa, giá bắp cải từ 10.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 18.000 đồng/kg, súp lơ từ 10.000 đồng/cây lên đến 20.000 đồng/cây... Ảnh: Hoàng Toàn

Về phía người tiêu dùng, xăng tăng giá tác động trực tiếp tới chi phí xăng xe và gas đun nấu, một số người phải tìm cách xoay sở, tiết giảm các chi phí khác để cân đối chi tiêu hàng ngày.

Chị Hương (Yên Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ, chị thuê nhà trọ ở gần đây nên sáng hoặc trưa tranh thủ đi chợ, bình thường chị thấy giá xăng dầu tăng thì các mặt hàng rau, củ, quả, ga ….bao giờ cũng tăng theo. Mớ rau mồng tơi tăng đột biến từ 6.000 lên hẳn 15.000/ mớ, súp lơ tăng gấp đôi từ 10.000 đồng lên hẳn 20.000 đồng. "Trong khi đi làm thì lương vẫn ba cọc ba đồng dịch bệnh thì khó khăn. Vì vậy các chi phí sinh hoạt cũng cắt giảm, trước ăn sáng bằng bún phở nay chuyển qua ăn xôi, bánh mì sữa bớt được đồng nào hay đồng đấy", chị kể.

Giá thịt nạc vai cũng tăng từ 120.000 đồng/kg tới 150.000 đồng/kg; nạc mông từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg
Giá thịt nạc vai cũng tăng từ 120.000 đồng/kg tới 150.000 đồng/kg; nạc mông từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg

Tuy nhiên, cô Nga (65 tuổi, Yên Hoà, Cầu Giấy) lại cho rằng giá có tăng nhưng không quá mức như mọi người vẫn đồn. "Từ hôm giá xăng tăng cao, tôi thấy rau quả có tăng nhưng cũng không đáng kể. Một số các thanh niên trẻ bây giờ đi làm bận bịu nên khi ra chợ mua rau thấy tăng giá chỉ biết kêu đắt thì mà không tìm hiểu nguyên nhân vì sao và nên mua chỗ nào hợp lý", cô Nga nói, "Tôi thường dậy sớm dạo xe đi các chợ đầu mối la cà tìm hiểu mua rau, củ, quả tôi thấy ở các chợ đầu mối lớn sẽ rẻ hơn hơn so với các chợ dân sinh. Như mớ rau ngải cứu này tôi mua ở chợ có 3.000 đồng, cà chua loại vừa bé tôi mua có 10.000 đồng/1kg, thịt lợn nạc mông có 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ cũng có 120.000 đồng – 130.000 đồng". 

Chị Hoa (37 tuổi, Hoàn Kiếm) chia sẻ chị đi làm ở gần khu vực chợ đầu mối Đền Lừ, nên tranh thủ đi sớm ghé chợ mua thực phẩm cho gia đình. Chị Hoa cũng cho rằng các mặt hàng rau, củ, quả giá cả vẫn ổn định, chứ không tăng đột biến. Thỉnh thoảng, chị vẫn đặt mua online một số đặc sản vùng miền hoặc mua đồ dùng cần thiết thì giá có nhỉnh hơn, phí ship cũng tăng. Do đó, để cân đối sinh hoạt phí, chị giờ đây chủ yếu mua rau ở chợ đầu mối chứ không đặt đồ online như trước.

Tình hình giá cả một số chợ Hà Nội:

Tại chợ Yên Hoà và chợ Hoa Bằng (quận Cầu Giấy):

Nhiều loại rau tăng giá như rau ngót bình thường là 5.000 đồng/mớ nay tăng lên 12.000 đồng/1 mớ, rau dền cũng từ 5.000 – 6.000 đồng/ mớ tăng lên 12.000 đồng. Mồng tơi tăng từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng/ mớ, bắp cải từ 10.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 18.000 đồng/kg, súp lơ từ 10.000 đồng/cây lên đến 20.000 đồng/cây, chanh từ 20.000 đồng /kg tăng lên 35.000 đồng/kg…

Tại khu vực chợ Mơ và chợ 8/3 (quận Hai Bà Trưng):

Giá cà chua từ 10.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; dứa quả từ 8.000 đồng/quả lên 10.000 đồng/quả; bí xanh từ 25.000 đồng/kg giờ lên 30.000 đồng/kg, khoai sọ trước là 25.000 đồng/kg giờ lên 30.000 đồng/kg.

Giá thịt nạc vai cũng tăng từ 120.000 đồng/kg tới 150.000 đồng/kg; nạc mông từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; thịt sấn từ 100.000 đồng/kg tăng lên 110.000 đồng. Giá gà ta nguyên lông cũng tăng giá 20.000 đồng/kg, với giá bán từ 120.000 đồng đến 140.000 đồng/kg.

Tại khu vực chợ Hôm:

Dầu ăn, đặc biệt là dầu đậu nành tăng giá, trước chai dầu Meizan có giá 62.000/ chai (2 lít) thì giờ tăng lên 102.000 đồng, Simply trước là 48.000/ lít nay tăng lên tới 68.000/ lít. Trứng gà công nghiệp tăng từ 25.000 đồng/ chục lên 30.000 đồng/ chục, trứng gà ta và trứng gà so từ 30.000 – 32.000 đồng/ chục lên 35.000 – 38.000 đồng/ chục.

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Giá xăng tăng kéo giá các mặt hàng thực phẩm và rau xanh tăng theo

Giá xăng tăng kéo giá các mặt hàng thực phẩm và rau xanh tăng theo

Trước thực tế giá xăng dầu, khí đốt và các nguyên vật liệu tăng cao người tiêu dùng lo ngại giá các loại thực phẩm sẽ leo thang. Tuy nhiên theo ghi nhận các hệ thống siêu thị đang giữ giá để bình ổn thị trường.