Những năm gần đây, trên bầu trời Việt Nam xuất hiện một vài hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Đã có rất nhiều liên tưởng xung quanh những hình ảnh này như hào quang linh hiển trên tượng Phật, “rồng” và “phượng” trong mây, vật thể bay tạo thành quầng sáng…theo Vietnamnet.
Mây vảy rồng
Sau một trận mưa vào chiều 20/8/2009, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện một hiện tượng kỳ thú: tầng tầng lớp lớp mây hình vảy rồng. Hiện tượng này diễn ra vào khoảng 18h, kéo dài trong vòng 40 phút sau cơn mưa.
Trước cảnh tượng kỳ thú trên, không ít người liên tưởng tới sự kiện rời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010. Theo câu chuyện, đức vua đã nhìn thấy rồng bay trên thành Đại La nên đổi tên thành thành Thăng Long, kinh đô mới của Đại Việt.
Mây vẩy rồng ở Hà Nội. Ảnh: Đức Long |
Ông Trần Văn Sáp, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia cho biết: "Hiện tượng trên không có gì đặc biệt và không liên quan đến các diễn biến khí tượng lớn. Tuy nhiên, tần suất lặp lại của các đám mây rất thấp nên hiện tượng trên có thể coi là hiếm có".
Ông Sáp khẳng định, các đám mây đó là mây mammatus, hay còn gọi nôm na là "mây vú". Tại Việt Nam, dân gian gọi là "mây vảy rồng".
Mammatus là một thuật ngữ khí tượng học áp dụng cho hiện tượng những khoang mây treo thành từng lớp dày phía dưới một đám mây khác. Đây là hiện tượng khí tượng bình thường. Trong catalogue quốc tế về mây có mô tả về loại mây mammatus. Đồng thời, tại Việt Nam đã nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của những đám mây loại này.
Theo Peter Gibbs, nhà khí tượng học của BBC, điều kiện đầu tiên hình thành nên những đám mây mammatus là một cơn giông đi kèm với mưa lớn và sấm sét. Tuy nhiên, những đám mây mammatus này vô hại bởi sự xuất hiện của nó thường là khi giai đoạn tồi tệ nhất của các cơn giông đi qua.
Hào quang linh hiển trên tượng Phật
Trong các ngày 15,18/9/2008 và ngày 18/4/2010, tại Đà Nẵng đã xuất hiện tượng mặt trời tỏa ánh hào quang lạ, tạo thành quầng sáng bao quanh.
Nhiều bức ảnh chụp hiện tượng này tại tượng Phật Quan Thế Âm, chùa Linh Ứng, Đà Nẵng đã được công bố trên mạng. Hiện tượng “hào quang” đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí làm nảy sinh những tin đồn mê tín dị đoan.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Vũng Tàu vào ngày 7/10/2009, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân.
"Quầng" mặt trời xuất hiện ở Vũng Tàu. Ảnh: Li Wen Sheng |
Theo ông Lê Huy Minh, viện phó Viện Vật lý địa cầu đã cho biết, đây là hiện tượng tự nhiên rất hiếm gặp ở Việt Nam và hiếm khi quan sát được. Hiện tượng này thường được gọi là “quầng”.
Hiện tượng quầng thường xuất hiện vào ban ngày (quầng mặt trời) hoặc ban đêm (quầng mặt trăng) trong mùa hạ và mùa thu hằng năm. Bản chất của quầng mặt trời và quầng mặt trăng là tương tự nhau.
Hiện tượng này được tạo ra khi ánh sáng của mặt trời hay mặt trăng khi đi qua các tinh thể băng bị khúc xạ hay phản xạ sinh ra những vòng tròn. Thông thường quầng mặt trời có 7 màu rực rỡ do ánh sáng bị tán sắc, còn quầng mặt trăng chỉ có màu trắng do ánh sáng yếu.
Theo kinh nghiệm dân gian, quầng xuất hiện là dấu hiệu báo trước một thời kỳ không mưa kéo dài sẽ diễn ra, có thể gây thiếu nước, hạn hán ở địa phương.
Mây phượng hoàng
Chiều 7/9/2010, một đám mây kỳ lạ đã xuất hiện trong cái nóng oi ả của tiết trời Hà Nội. Hình thù của đám mây không có gì khác thường, nhưng phía trên đám mây có những vệt như vết dầu loang với 7 sắc cầu vồng rực rỡ.
Mây lạ đã làm nhiều người ở Hà Nội ngạc nhiên và bàn tán xôn xao. Một số người cho rằng mây có hình đứa bé, người thì lại bảo mây giống như cánh phượng hoàng. Thậm chí có người còn cho rằng đây là điềm báo tốt lành cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Mây "phượng hoàng" ở Hà Nội. Ảnh: Mar (Xóm nhiếp ảnh) |
Theo anh Lê Ngọc Linh, một nhà thiên văn nghiệp dư ở Hà Nội, hiện tượng “mây lạ” này chính là mây ngũ sắc. Đây là một hiện tượng quang học bình thường dù khá hiếm gặp trong tự nhiên. Thời xưa, theo quan niệm dân gian hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện là điềm báo Quốc Thái Dân An. Những người nào nhìn thấy mây ngũ sắc sẽ gặp nhiều may mắn.
Ngày nay, khoa học lý giải mây ngũ sắc được tạo ra nhờ hiện tượng nhiễu xạ. Khi được mặt trời chiếu sáng, các giọt nước nhỏ hoặc các tinh thể nước đá nhỏ trong các đám mây tán xạ ánh sáng trắng, còn các tinh thể nước đá lớn tạo quầng quang với những sắc màu như cầu vồng.
Hiện tượng mây ngũ sắc tương tự như hiện tượng cầu vồng. Tuy nhiên với cầu vồng cần đến một trận mưa và ánh sáng mặt trời, còn mây ngũ sắc chỉ cần những góc nhìn thích hợp giữa mây và mặt trời là ta có thể nhìn thấy.
UFO phát sáng trên trời Hà Nội
Vào lúc 5h - 5h30 chiều 28/102010, anh Nguyễn Xuân Vũ (Hà Nội) đã quay được hình ảnh một vật thể bay tạo thành một vệt sáng trên bầu trời tựa như một vật thể bị cháy khi từ ngoài không gian bay xuyên qua bầu khí quyển của trái đất.
Vật thể lạ phát sáng trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: VnExpress |
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam khẳng định, "vật thể lạ" nói trên chính là một chiếc máy bay dân dụng.
Theo giải thích của ông Phường, do thời điểm xảy ra vào khoảng 5 giờ chiều, đầu đông (trời tối nhanh) nên chỉ những vị trí trên cao mới tiếp tục nhận được ánh sáng mặt trời, trong khi đó những nơi thấp như trên mặt đất hầu như không còn ánh nắng. Máy bay chở khách thường bay ở độ cao khoảng 10 km, luồng hơi do máy bay tạo ra tiếp tục nhận được ánh sáng mặt trời, tán xạ và phản xạ nên chúng ta nhìn rất rõ, đặc biệt là lúc hoàng hôn.
Cũng theo ông Phường, nếu máy bay bay vào giữa trưa thì sẽ để lại vệt có màu trắng như mây. Còn tại thời điểm hoàng hôn hay bình minh mắt thường sẽ thấy màu vàng, hoặc da cam.
Vệt hơi máy bay được giải phóng ra từ phần động cơ (chứ không phải là khói). Luồng hơi này có nhiệt độ cao hơn môi trường xung quanh vì máy bay thường bay ở độ cao khoảng 8-13km, nơi nhiệt độ có thể xuống đến âm 55 độ C. "Luồng hơi ấm hơn sẽ bị kết tinh, đóng băng và theo quán tính máy bay đang chuyển động sẽ tạo thành vệt trên", ông Phường cho biết.
Ngày biến thành đêm
9h sáng 3/4/2014, người dân ở khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh) phải bật đèn để sinh hoạt và kinh doanh do bầu trời tối sầm xuống. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở nhiều tỉnh phía Bắc khác. Nguyên nhân được xác định là do cơn giông lớn, mây đen dày đặc đã bao phủ mặt trời.
Cầu vồng "sinh đôi"
Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng mặt trời khi tương tác với những hạt nước trong không khí. Khi ánh sáng vừa bị phản xạ, vừa bị khúc xạ qua hạt nước, nó sẽ tách thành các màu theo thứ tự đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Thường thấy nhất là cầu vồng đơn, còn cầu vồng "sinh đôi" rất hiếm gặp.
Theo các nhà khoa học quốc tế, bí ẩn của loại cầu vồng này nằm ở sự kết hợp của các giọt nước với kích cỡ khác nhau. Đôi khi, hai cơn mưa rào xảy ra cùng một lúc, các hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra cầu vồng hơi biến dạng. Những cầu vồng này kết hợp sẽ làm thành cầu vồng sinh đôi.