Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu và phân tích toàn cầu (EIU) thuộc tạp chí The Economist, tại Việt Nam ung thư đứng hàng 2 (chiếm 17,9% các trường hợp tử vong do nguyên nhân bệnh tật.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (IARC) và một phần do EIU thu thập độc lập. Các quốc gia được lựa chọn dựa trên các chỉ tiêu như: quy mô dân số, mức độ phát triển kinh tế và thu nhập.
Đại diện cho nhóm các quốc gia có thu nhập cao bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc; thu nhập trung bình cao bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Phillippines và Việt Nam.
Bảng tỉ lệ tử vong vì ung thư tại 10 nước theo báo cáo của EIU |
Về tỉ lệ tử vong ung thư, Việt Nam có tỉ lệ tử vong xấp xỉ 70%, nhóm các quốc gia có thu nhập cao dao động từ 30 - 50%. Báo cáo nhận định mức độ phát triển, đầu tư nguồn lực, sự vào cuộc, phối hợp của các bộ ban ngành, các cấp có thẩm quyền liên quan chặt chẽ tới hiệu quả hoạt động phòng chống ung thư.
Liên quan đến báo cáo nghiên cứu này, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, việc có gần 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong không phải là số chết trên số mắc mới trong 1 năm.
Cụ thể ông lý giải: "Năm 2018, Việt Nam có 165.000 ca mắc mới ung thư, 115.000 ca tử vong nhưng số tử vong không phải trên số mắc mới mà là số tích luỹ các bệnh nhân được chẩn đoán ung thư từ những năm trước đó”.
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K |
Tỉ lệ tử vong trong ung thư đánh giá tại một thời điểm không có giá trị so với đánh giá trong một khoảng thời gian dài 3 hay 5 năm. Tiêu chí chính xác hơn là thời gian sống thêm của bệnh nhân kể từ thời điểm chẩn đoán và điều trị. Một yếu tố khiến tỷ lệ tử vong ung thư khác biệt giữa các nước theo báo cáo của EIU là nguyên nhân ung thư ở các nước khác nhau dẫn đến cơ cấu, tỉ lệ các loại ung thư cũng khác nhau.
Ở Việt Nam có ung thư phổi, gan, dạ dày là những loại ưng thư hay gặp nhất và có tiến triển nhanh, ác tính, tiên lượng xấu, điều trị khó khăn. Đây cũng là những bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, tỉ lệ điều trị hiệu quả cũng rất thấp.
PGS Quảng nêu quan điểm: “So sánh chỉ thực sự có giá trị khi cùng một hệ quy chiếu với tỉ lệ cơ cấu các ung thư tương đồng nhau, như vậy mới thể đưa ra so sánh đánh giá chính xác. Ngay tại Úc, Hàn Quốc, ung thư phổi không phải là 1 trong 3 loại ung thư thường gặp nhất, nhưng theo báo cáo, ung thư phổi vẫn chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất”.
Theo ông Quảng, mô hình ung thư có liên quan đến nhiều yếu tố, ở các nước phát triển thì liên quan đến lối sống, béo phì, ít vận động; còn ở các nước đang phát triển lại liên quan đến các loại nhiễm khuẩn.
PGS Quảng cho biết Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả 4 nội dung cơ bản của chiến lược phòng chống ung thư bao gồm phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.
Ở Việt Nam chương trình phòng chống ung thư và phòng chống các bệnh không lây nhiễm được gộp chung. Hơn nữa, ngân sách cho công tác phòng chống ung thư còn hạn hẹp, bảo hiểm chưa chi trả cho hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm ung thư.
Dù vậy, ngành ung thư cũng đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng như: tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng ung thư, phát hiện sớm ung thư, triển khai tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng hơn, đặc biệt ưu tiên sàng lọc các ung thư thường gặp, có khả năng điều trị hiệu quả và phát hiện bằng các phương tiện có thể tiến hành trên quy mô lớn.
Ông Quảng chia sẻ: “Về lâu dài, nếu quỹ bảo hiểm y tế chi trả được một phần cho sàng lọc ung thư, đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao, sẽ giúp nhiều hơn người dân tiếp cận được với sàng lọc ung thư”.
Ông Quảng cũng nhấn mạnh việc phát hiện sớm bệnh ung thư và vô cùng quan trọng, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, chi phí càng rẻ. Người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và phát hiện sớm.
COVID-19 chiều 20/7: Một người đến từ Nga dương tính, số người nhiễm bệnh ở Nam Phi đứng thứ 5 thế giới
Hôm nay (20/7), Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới; Nam Phi bước vào top 5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.