Giới phân tích dự báo lợi nhuận ngân hàng giảm trong năm 2022

Cho đến thời điểm hiện tại, một vài ngân hàng thương mại đã công bố về đích sớm với lợi nhuận vượt kế hoạch năm, số còn lại cũng đều kỳ vọng tăng trưởng ở mức cao. Giới phân tích dự báo lợi nhuận ngân hàng giảm trong năm 2022.

Hướng tới năm 2022, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kết quả đạt được trong giai đoạn 2020-2021 cùng những kinh nghiệm và quyết tâm của hệ thống sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước điều hành thời gian tới. Tuy nhiên, phía trước còn nhiều thử thách và cả những bất lợi. Thực tế, tại báo cáo gửi lên Quốc hội mới đây, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn. Theo đó, 4 nguyên nhân chính đã được cơ quan này đưa ra.

Thứ nhất, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ở mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên ngân hàng sát 0%.

Thứ hai, nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các tổ chức tín dụng trong nước do tác động của dịch Covid-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Thứ tư, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang gia tăng xu hướng thu lại các giải pháp nới lỏng tiền tệ để giảm bớt rủi ro lạm phát.

Với dư địa chính sách tiền tệ như vậy, không gian cho các ngân hàng thương mại chắc chắn cũng bị thu hẹp. Khi đó, lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp hay vừa lòng cổ đông sẽ khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.

Nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc cải thiện NIM chậm lại ở cuối năm 2021 và thậm chí giảm vào năm 2022 vì các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Sẽ có mức độ phân hoá lợi nhuận rõ rệt trong năm 2022 với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ chi phí vốn rẻ.

“Ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro tăng. Các ngân hàng được chúng tôi theo dõi dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2022, thay vì mức 25% ở năm 2021”, nhóm phân tích nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải nỗ lực rất nhiều, trước tiên, cơ quan này đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do Covid-19.

Đồng thời, thanh khoản được duy trì dồi dào tại hệ thống các tổ chức tín dụng trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ, đưa tiền đồng ra thị trường, đồng thời hằng ngày chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở nhằm phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ.

Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng - là mức lãi suất vay mượn lẫn nhau kỳ hạn ngắn giữa các tổ chức tín dụng đã giảm xuống mức rất thấp trong lịch sử, khoảng từ 0,5%/năm đến 0,9%/năm cuối tháng 9, giảm chi phí vốn đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Mặt khác, các chỉ tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và nâng cao dự trữ ngoại hối, giao hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý… đều được Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo kế hoạch năm.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nửa đầu năm 2021, cứ mỗi lần đến mùa báo cáo tài chính, ngành ngân hàng lại đến khổ khi phải trả lời một loạt những câu hỏi về mức lợi nhuận nghìn tỷ, chất lượng nợ suy giảm, khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, cam kết giảm lãi suất… Thậm chí, dư luận còn đánh giá lợi nhuận của các ngân hàng mang tính “phản cảm”.

Dạo gần đây, mặc dù lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng hoặc dự báo tăng như đã nói, nhưng dường như thị trường lại không còn hứng thú “soi” như trước. Có thể một phần thị trường đã quá quen với mức lợi nhuận nghìn tỷ của ngành ngân hàng, nói nhiều thành chán. Cũng có thể, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều ngành nghề bắt đầu hồi phục, mức nền chung được đôn lên, chênh lệch lợi nhuận được co lại. Nhưng quan trọng hơn, những cam kết hỗ trợ đã được công bố rộng rãi và chi tiết.

Để diễn giải một cách gần gũi về lợi nhuận năm 2021, một lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn chia sẻ: “Quan điểm của tôi là ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, nợ xấu và nợ tiềm ẩn vẫn cần được chú ý. Theo đó, ngân hàng xác định mức lợi nhuận vừa phải để hài lòng cổ đông, rồi còn phải xem xét giảm lãi suất chia sẻ với khách hàng”.

Tổng Hợp