Với dự thảo Quy hoạch mới tới năm 2030, định hướng 2050, Cục Hàng không đề xuất, tới năm 2030 chỉ phát triển 26 sân bay (giảm 2 sân bay so với quy hoạch hiện hành). Theo đó, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được Quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030. Định hướng đến năm 2050, sẽ phát triển lên 30 sân bay. Khi đó mới triển khai tới sân bay Nà Sản, Lai Châu, bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô.
Như vậy, với Quy hoạch này, chỉ có 2 sân bay mới được bổ sung vào là sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô, còn lại vẫn là những sân bay đã được quy hoạch hiện nay lùi thời gian thực hiện cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, theo Cục Hàng không, với sân bay số 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội, chỉ được nghiên cứu vị trí sau năm 2040, thay vì nêu rõ là khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội), như đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội. Do trong bối cảnh hiện tại, với tầm nhìn 30 năm sẽ có nhiều yếu tố đầu vào khác ảnh hưởng lên vị trí lựa chọn vị trí làm sân bay số 2, nên chưa được xác định rõ.
Mở rộng sân bay Đà Nẵng lên 3 đường băng, mở rộng nhà ga để đạt công suất 40 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Sân bay Thọ Xuân sẽ được mở rộng lên 2 đường băng, công suất đạt 10 triệu khách/năm vào năm 2050.
Các sân bay ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030, gồm: Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh...
Quy hoạch cũng định hướng phát triển trung tâm logistic tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành. Phát triển trung tâm đào tạo và huấn luyện bay tại các sân bay Chu Lai, Cà Mau, Rạch Giá.
Tổng mức đầu tư thực hiện các dự án trong quy hoạch, ước chi phí đầu tư giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 365.100 tỷ đồng; giai đoạn 2030 - 2050 khoảng 866.360 tỷ đồng.