Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng ở Đồng Nai

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm trục lợi bảo hiểm.

Cụ thể, cơ quan Công an đã khởi tố 19 bị can (1 bị can được tại ngoại), trong số này gồm 3 bác sĩ là các trưởng phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 2 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức. Số còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và người chuyên môi giới làm giả giấy tờ tại các phòng khám.

Theo cơ quan chức năng, điều tra ban đầu xác định có trên 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội và hơn 400 giấy khám sức khỏe với nội dung ghi khống kết quả đã được bán cho công nhân làm quyết toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Qua điều tra, cơ quan chức năng cũng ghi nhận 19 bị can nói trên còn lập hồ sơ rút tiền bảo hiểm y tế của công nhân, trong khi công nhân không bị bệnh, không đi khám nhưng các phòng khám vẫn tìm cách “rút ruột” tiền khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế.

Đồng Nai: Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 1.

Cảnh sát khám xét một phòng khám có dấu hiệu làm giả giấy tờ.

Liên quan đến vụ án này, ngày 6/6, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản hỏa tốc gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai về việc tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 4 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: Phòng khám đa khoa Tân Long; Phòng khám đa khoa Long Bình Tân (phường Long Bình Tân); Phòng khám đa khoa Tam Đức (phường Tân Hiệp) và Phòng khám đa khoa Quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình).

Thời gian bắt đầu tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 0h ngày 3/6 cho đến khi Bảo hiểm xã hội và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có văn bản, thông báo mới, căn cứ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các phòng khám trên.

Nhà chức trách xác định, hàng loạt công nhân vờ bị bệnh rồi mua "giấy xác nhận bệnh" của các phòng khám trên, nộp cho công ty. Tiếp đó, doanh nghiệp sẽ lập danh sách công nhân gửi cho bảo hiểm xã hội để được chi trả 75% lương (bệnh thông thường). Việc làm này gây thất thoát ngân sách, ước tính trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC