Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM vừa gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước công khai hồ sơ dự án vay ngân hàng của các công ty kinh doanh bất động sản; đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu Chính phủ quy định chặt chẽ, có biện pháp chế tài, công khai hồ sơ dự án vay ngân hàng của các chủ đầu tư. Hàng loạt dự án ở TPHCM đang thế chấp cho ngân hàng nhưng liên tục mở bán dưới hình thức hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng góp vốn...
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, quy định tại Luật nhà ở và các Nghị định có liên quan của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (nếu có).
Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp bán nhà ở mà dự án nhà ở đó đã được thế chấp và trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc xác nhận nhà ở đủ điều kiện được bán.
Trường hợp chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản vi phạm các quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Do đó, người mua nhà ở có thể liên hệ với Sở Xây dựng nơi có dự án nhà ở để phản ánh về các vi phạm này (nếu có) của chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản.
Đề cập về trách nhiệm của Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở và tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc thông báo hoặc không có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư (Điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở).
Chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng (Khoản 1 Điều 147 Luật Nhà ở 2014).
Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban Quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản), tại sàn giao dịch bất động sản (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản)... thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản).
Đối với các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ trong sổ đăng ký cơ sở dữ liệu và Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo yêu cầu của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình (Khoản 3 Điều 7 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 về biện pháp đăng ký bảo đảm).
Đánh giá về mức độ hấp thụ thị trường BĐS tại TP.HCM và các vùng phụ cận giảm thời gian qua, Chuyên gia kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng, thị trường BĐS hiện đang có độ vênh, chưa mang tính ổn định. Vì vậy, nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng với mọi quyết định xuống tiền trong giai đoạn này. Phải tính toán sau khi mua xong có bán được hay không rồi mới tính đến chuyện lợi nhuận nhiều hay ít để đảm bảo dòng tiền. Nếu các chủ đầu tư không có phương án mới, khả năng thị trường BĐS đến cuối năm 2022 khó ấm trở lại. Thời điểm hiện nay có thể nói giao dịch chậm nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đồng quan điểm, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Công ty Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS trong những năm vừa qua như một chiếc lò xo bị nén, khi các khó khăn được tháo gỡ, thị trường sẽ có một sức bật trở lại. Tuy nhiên, các vướng mắc pháp lý khó có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, việc xây dựng nhà giá rẻ ở TP.HCM sắp tới đòi hỏi quỹ đất rất lớn tại đô thị và cần những ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề của thị trường BĐS hiện nay đủ để các nhà đầu tư có thêm niềm tin vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong thời gian tới.
Còn Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trong thời gian tới, để góp phần giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, chủ đầu tư - doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng. Tránh tối đa tình trạng dự án BĐS chưa đủ điều kiện đã đưa vào hoạt động, chất lượng thấp, không bảo đảm an toàn đã bàn giao cho người mua nhà hoặc chủ đầu tư đem thế chấp căn hộ rồi tiếp tục bán cho người khác.
Tổng Hợp