Hàng loạt 'ông lớn' công nghệ của Mỹ mở rộng cơ sở ở Ấn Độ

Ấn Độ đang thúc đẩy tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu khi các tập đoàn Big Tech như Microsoft và Amazon chuẩn bị chi hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng điện toán tại đây, trong cuộc đua thống trị ngành công nghiệp đang phát triển.

Giới chức Ấn Độ đã đưa ra các ưu đãi cho các công ty công nghệ thiết lập mọi thứ, từ sản xuất thiết bị điện tử đến lưu trữ dữ liệu. Họ đặt cược thị trường công nghệ trong nước đang phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động lành nghề dồi dào sẽ biến đất nước này thành quốc gia tiêu dùng và xuất khẩu AI chủ chốt.

Các quan chức địa phương cho biết, Microsoft đã cam kết khoảng 3,7 tỷ USD cho bang Telangana phía Nam Ấn Độ. Theo Structure Research, gã khổng lồ công nghệ đã mua đất ở Ấn Độ để xây dựng các trung tâm dữ liệu nhằm bổ sung thêm 660 megawatt công suất công nghệ thông tin, tương đương với nhu cầu điện hằng năm của khoảng nửa triệu hộ gia đình châu Âu.

Trong khi đó, Amazon có kế hoạch đầu tư khoảng 12,7 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây ở Ấn Độ vào năm 2030.

Ông Puneet Chandok, Chủ tịch Microsoft khu vực Ấn Độ và Nam Á, cho biết: "Ấn Độ ngày nay là một trong những thị trường công nghệ thú vị nhất trên thế giới. Quốc gia này nhắm đến việc xây dựng năng lực ở khu vực để phục vụ những khách hàng đang đổi mới trong chính Ấn Độ và thế giới".

Các công ty Big Tech đang chuẩn bị tăng cường năng lực điện toán đám mây của mình trong bối cảnh cạnh tranh để thống trị AI tạo sinh. Microsoft, Amazon và Google năm nay đã công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng ít nhất 85 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như trung tâm dữ liệu, tại các quốc gia bao gồm Singapore, Mỹ, Ả Rập Saudi và Nhật.

Hàng loạt 'ông lớn' công nghệ của Mỹ mở rộng cơ sở ở Ấn Độ- Ảnh 1.

Ấn Độ là địa điểm yêu thích để các công ty công nghệ lớn xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: FT.

Theo Structure Research, việc các công ty vội vã xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình ở Ấn Độ dự kiến đưa quốc gia này lên vị trí dẫn đầu về năng lực tự xây dựng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ vị trí thứ 6. Ước tính này không bao gồm công suất trung tâm dữ liệu được xây dựng trong khu vực bởi các bên thứ 3 cho các nhóm Big Tech và các công ty khác thuê cơ sở vật chất.

Theo dữ liệu của Structure, nếu Microsoft tiếp tục xây dựng công suất mới 660 MW ở Ấn Độ, quốc gia này sẽ trở thành thị trường lớn nhất của công ty cho các trung tâm dữ liệu tự xây dựng bên ngoài Mỹ.

Cũng theo đơn vị nghiên kể trên, các quốc gia khác dự kiến là điểm nóng của việc mở rộng trung tâm dữ liệu trong thời gian tới là Đức và Mỹ, bao gồm phía Bắc Virginia, thị trường trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn cầu.

Các nhà phân tích cho biết, khái niệm "AI có chủ quyền" đã giúp thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu trong nước. Giới chức mong muốn thông tin nhạy cảm sẽ được lưu trữ và xử lý trong phạm vi biên giới, đồng thời phát triển các hệ thống và công cụ AI của riêng họ.

Ông Jabez Tan, người đứng đầu nghiên cứu tại Structure cho biết, các chính phủ đang tìm cách xây dựng các ứng dụng AI tập trung vào quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia và do đó cần phải được triển khai trong nước.

Hàng loạt 'ông lớn' công nghệ của Mỹ mở rộng cơ sở ở Ấn Độ- Ảnh 2.

Các công ty công nghệ lớn đang đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu riêng. Ảnh: FT.

Ông Tan cho biết, sự thúc đẩy từ các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển nhanh đã tạo ra rất nhiều thị trường có thể định vị được cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Microsoft và Amazon.

Chính quyền Ấn Độ đang thu hút các công ty công nghệ với các ưu đãi hàng tỷ USD, và nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước này đã phát triển nhanh chóng nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và dữ liệu giá rẻ.

Ấn Độ hiện là nơi đặt hoạt động nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Microsoft bên ngoài nước Mỹ. Khoảng 2/3 trong số 23.000 nhân viên của Microsoft tại Ấn Độ là kỹ sư, nhiều người sống ở thủ đô Hyderabad của Telangana.

Tuy nhiên, sự gia tăng các trung tâm dữ liệu, đòi hỏi lượng lớn điện và nước để hoạt động, có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường. Phần lớn công suất phát điện ở Ấn Độ, một trong những quốc gia chịu áp lực về nước nhất thế giới, vẫn đến từ than đá mặc dù đã đầu tư nhanh chóng vào năng lượng tái tạo.

Ông Chandok cho biết, kế hoạch mở rộng của Microsoft sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lượng khí thải carbon vào năm 2030. Công ty đã ký thỏa thuận mua năng lượng sạch ở Ấn Độ từ các công ty năng lượng tái tạo, bao gồm cả ReNew.

(Nguồn: FT)

TÚC