Hàng trăm người kéo nhau ra cồn cát giữa sông tắm gội "xả xui": Chuyện về con sông ngắn nhất Việt Nam và "ồn ào" nhất xứ Cửu Long

Sự việc cồn cát giữa sông sâu Vàm Nao bỗng dưng nổi lên khiến nhiều người đồn thổi có liên quan tới "ông Năm Chèo" của vùng núi thiêng Thất Sơn.

Những ngày qua, sự kiện cồn cát nổi trên sông Vàm Nao, An Giang thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người, đặc biệt là người dân miền Tây. Nhiều người cho rằng đây là "hiện tượng tâm linh" nên tranh thủ ra để tắm gội, vớt cát cầu may. Tại đoạn sông Vàm Nao thuộc khu vực tổ 7, ấp Bình Thới, xã Bình Thủy không ít người kéo đến để tận mắt chứng kiến sự kiện cồn nổi rất nhiều năm mới xuất hiện trở lại. Không chỉ vậy, nhiều người cũng chia sẻ các video "trải nghiệm" ra cồn cát giữa sông Vàm Nao lên các nền tảng mạng xã hội thu hút sự chú ý của nhiều người.

Hàng trăm người kéo nhau ra cồn cát giữa sông tắm gội

Nhiều người mang quần áo, sữa tắm, dầu gội đến để tắm gội để cầu mong những xui xẻo, bệnh tật sẽ tan biến. Không cứ người trẻ, nhiều người già lớn tuổi cũng không ngại xa xôi tìm đến để được một lần chạm vào "cát tiên" ở dòng Vàm Nao - nơi chứa đựng nhiều câu chuyện truyền thuyết về "ông Năm Chèo". Có người còn lặn xuống múc cát để xoa vào mặt để "lấy vía" may mắn.

Mặc dù UBND xã Bình Thủy đã lên tiếng về hiện tượng cồn nổi này đã có từ hơn 30 năm trước, là hiện tượng tự nhiên tạo nên bãi bồi. Cồn nổi là nơi chưa khảo sát về mức độ an toàn, có nhiều hố sâu dễ hụt chân, xảy ra đuối nước. Chính vì thế, để đảm bảo cho người dân, lực lượng công an và các ban ngành cũng đã kịp thời có mặt để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan này đồng thời kêu gọi không lan truyền thông tin thất thiệt.

Chuyện về sông Vàm Nao - con sông ngắn nhất Việt Nam và "ồn ào" nhất miền Tây

Sông Vàm Nao là dòng sông ngắn nhất Việt Nam với chiều dài khoảng 6,5km thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Không chỉ ngắn nhất, sông Vàm Nao với chiều rộng bình quân khoảng 700m, độ sâu trên 17m còn là dòng sông xảy ra nhiều vụ đắm ghe thuyền nhất, cũng là nơi có nhiều loài cá lạ lẫn truyền thuyết nhất.

Để tìm hiểu tại sao nhiều người thấy cồn cát nổi lại có hành động trên có lẽ chúng ta cần quay ngược một chút thời gian tìm hiểu về những truyền thuyết tồn tại trong tâm thức dân gian về dòng Vàm Nao này. 

Sông Vàm Nao có một bờ thuộc xã Kiến An (huyện Chợ Mới), một bờ thuộc xã Tân Trung (huyện Phú Tân) nối liền sông Tiền với sông Hậu. Đây không chỉ là con sông bình thường mà còn là tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Tưởng tượng dễ nhất rằng sông Tiền và sông Hậu như hai vạch của chữ H, sông Vàm Nao sẽ là gạch nối tạo thành chữ H hoàn chỉnh.

Trước khi có tên gọi Vàm Nao ngày nay, con sông này được gọi với nhiều cái tên khác nhau, chẳng hạn như Vàm Giao (sách Gia Định thành thông chí), Thuận Cảng (Đại Nam nhất thống chí), Thuận Phiếm (sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ), rạch Vàm Nao Thượng và rạch Vàm Nao Hạ (sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí).

@thuydaonguyen
@thuydaonguyen

Không chỉ vậy, trong Nửa tháng trong miền Thất Sơn của Nguyễn Văn Hầu, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê, Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, các nhà nghiên cứu đều gọi sông Vàm Nao là Hồi Oa (xoáy nước tròn). "Vàm Nao, tên chữ Hồi Oa. Sông này nối liền sông Tiền qua sông Hậu, và đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'" - theo Vương Hồng Sển.

Cuốn Gia Định thành thông chí cũng viết về sông Vàm Nao thế này: "Tục viết là Vàm Náo, chữ Náo không đúng, nay đổi là Nao, nên gọi là Vàm Nao. Vàm trên ở bờ Nam sông Tiền, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm. Chảy về Nam 75 dặm rưỡi đến vàm dưới nhập vào sông Hậu. Ở bờ Tây có sở thủ ngự, ven sông người Việt khai khẩn ruộng vườn, phía sau đó là rừng bụi phum sóc của người Cao Miên (Khmer)".

Qua một số thông tin về tên gọi của dòng sông cũng đủ thấy nơi đây dòng nước siết và mạnh như thế nào. Chẳng thế mà khi xưa nơi này cũng diễn ra trận thủy chiến ác liệt giữa quân Việt và quân Xiêm vào năm 1833, đến giờ thơ ca vẫn ghi lại sự nguy hiểm của dòng sông ngắn nhất Việt Nam này.

"Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi, 

Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà..."

(Trích Đi thuyền qua Thoại Sơn của Bùi Hữu Nghĩa - 1 vị quan triều Nguyễn)

hay 

"Thuyền xuôi Châu Đốc, thả xuống Vàm Nao, 

Thẳng tới Ba Sao, coi chừng con nước đấy."

"Ngó lên Châu Đốc, Vàm Nao

Thấy tàu giặc chạy như dao cứa lòng"...

Hàng trăm người kéo nhau ra cồn cát giữa sông tắm gội

Biên khảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu có chi tiết về sông Vàm Nao như sau: "Hồi ấy sông hẹp nhưng độ sâu đáng sợ. Cá mập, cá sấu tránh sóng to của đại giang, vào trầm mình ở đó vô số. Sưu dân đa số là người của miệt dưới, tức Sa Đéc, Long Hồ, Trà Vang. Họ muốn trốn về đường đó vì đây là đường tắt, rừng bụi nhiều và cách xa dịch trạm, không có đồn ải ngăn chặn. Người ta đợi giữa đêm khuya, họ họp thành đoàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối để làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội (bơi) để cá không ăn kịp. Họ tính cao như vậy nhưng khi sang đến bờ bên kia, mười người chỉ còn sót được có năm-ba người và có khi bị cụt mất tay chân…".

Ghi chép này mở ra một truyền thuyết đã tồn tại hàng trăm năm qua ở miền Tây về một con cá sấu, tục gọi là "ông Năm Chèo" đang "nằm ngủ" ở dưới đáy sông Vàm Nao. Điều này cũng là nguyên nhân khiến sống Vàm Nao mang tiếng "ồn ào" nhất miền Tây vì những truyền thuyết.

Truyền thuyết về "ông Năm Chèo" ở Vàm Nao - nguyên nhân "đổ tại" mỗi khi có sạt lở, đắm thuyền ghe

Dòng Vàm Nao tuy ngắn nhưng do cấu trúc địa hình và tốc độ dòng chảy siết nên hai cửa sông luôn hình thành những xoáy nước to và dữ. Trước kia, sông Vàm Nao nhỏ hẹp nhưng do hai bờ sông Tiền và Hậu "đổ ngược đổ xuôi" nên hiện tượng thủy xâm đã khiến sông sâu và rộng như bây giờ. Dòng chảy mạnh, đáy sông sâu và nhiều hang hốc nên Vàm Nào là nơi hội tụ đủ các loại tôm cá lạ, từ nhỏ bé như cá cảnh đến dị như cá mập, cá sấu. Cũng chính vì dưới đáy Vàm Nao còn nhiều "bí ẩn", từ thuở hồng hoang đến tận bây giờ, đặc biệt là người ta vẫn tin rằng, còn "ông Năm Chèo" nằm dưới đáy. 

"Ông Năm Chèo" chính là cá sấu thần 5 chân trong truyền thuyết. Đối với những người sinh ra và lớn lên ở miền sông nước, tiếp xúc với sông sâu sóng cả là chuyện chẳng xa lạ gì, nhưng khi nhắc đến sông Vàm Nao, người ta lại rờn rợn nhớ về "ông Năm Chèo".

Vùng núi Thất Sơn (Bảy Núi) đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tỉnh An Giang. Ở vùng đất này luôn chứa nhiều truyền thuyết bí ẩn đến rợn người. 

Theo truyền thuyết dân gian, "ông Năm Chèo" là một con cá sấu mũi đỏ có 5 chân - vật nuôi của ông Đình Tây (Bùi Văn Tây, người xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cũng là đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (người khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Thất Sơn linh thiêng). 

Tương truyền, trong một lần đi hành thiện ở Láng (Láng Linh), ông Đình Tây đã đỡ đẻ cho một sản phụ chuyển dạ trong căn chòi cũ nát. Sắp sinh con nhưng lại chỉ ở nhà một mình. Khi việc xong thì người chồng trở về nhà, cảm tạ ân tình giúp đỡ của ông Đình Tây, người chồng liền biếu ông một con vật nhỏ. Đó là một con cá sấu có phần "hoang đường" khi nó có những 5 chân với chiếc mũi đỏ kỳ lạ. Da nó trơn bóng chứ không sần sùi và còn lốm đốm. 

Tranh minh họa ông Đình Tây nuôi cá sấu.
Tranh minh họa ông Đình Tây nuôi cá sấu.

Ông Đình Tây bèn mang con cá sấu nọ về và bẩm với Phật Thầy. Khi nhìn thấy con cá sấu kỳ lạ, Phật Thầy liền bảo là quái vật, không trừ đi sau này ắt gây họa cho dân lành. Ông Đình Tây không nỡ giết, bèn lặng lẽ đem về đình Thới Sơn, lén nuôi ở góc hồ sen trước sân đình. Chẳng mấy chốc, cá sấu lớn nhanh và hung hãn, quật ngã được cả người, ông Đình Tây phải dùng xích sắt để nó không thoát ra được.

Nhưng rồi một đêm mưa to, gió lớn, con cá sấu năm chân kỳ lạ ấy giật đứt xích mà đi. Và khi tìm lại sợi xích, ông Đình Tây phát hiện một bàn chân sấu bỏ lại cùng sợi xích. Ông liền đến thỉnh tội với Phật Thầy. Thầy dường như tiên đoán được sự việc nên đã trao cho ông 1 cây mun cổ phụng, 1 lưỡi câu, 2 cây lao làm bằng sắt dặn dò cất giữ, nếu sau này cá sấu quay lại hại dân thì thu phục.

Hàng trăm người kéo nhau ra cồn cát giữa sông tắm gội

Khi Phật Thầy đã viên tịch, bỗng dưng mùa lụt một năm nào đó, ông Đình Tây nghe tin cá sấu xuất hiện ở Láng Linh, chính là nơi ông nhận nuôi. Cá sấu lúc này to như một chiếc ghe, nổi lên tạo những cơn sóng lớn nhấn chìm xuồng ghe của những người qua lại trên sông. Lúc thì nó bò lên bờ bắt gà, bắt lợn, có lúc lại hại người. 

Ông Đình Tây liền tìm đến để thu phục cá sấu, nhưng lạ là khi ông đến nơi thì cá sấu lặn mất. Khi ông rời đi thì cá sấu lại xuất hiện, việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Có người khi thấy cá sấu nổi lên bèn gọi thất thanh tên ông Đình Tây "Bớ ông Đình ơi! Ông Năm Chèo dậy!" thì cá sấu chạy mất.

Bàn thờ vợ chồng ông Đình Tây tại Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang
Bàn thờ vợ chồng ông Đình Tây tại Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Trần Kiều Quang

Cứ thế, một người một cá sấu cứ chơi trò cút bắt. Một lần, ông Đình Tây kêu lớn giữa hư không rằng: "Nếu thiên cơ chưa định, ngươi từ nay nên nằm yên lặng, đừng nổi lên phá xóm làng, nếu số đã tận, mau nổi lên theo ta về". Chờ vài ngày vẫn không thấy bóng dáng cá sấu đâu, nhưng từ ấy, chẳng thấy ai kể về việc sấu "dậy" quậy dân làng nữa. 

Khi ông Đình Tây mất, đến nay đã trải qua gần 100 lần giỗ, nơi thờ cúng vẫn được cháu ngoại phụng thờ ở Thới Sơn. 

Mặc dù chỉ là truyền thuyết dân gian nhưng "ông Năm Chèo" cũng phần nào phản ánh được đời sống người dân lúc bấy giờ. Vùng Nam bộ khi ấy là đất hoang, người dân đến khai hoang lập ấp phải đối diện với nhiều khó khăn, lạ lẫm từ sơn lam chướng khí đến sản vật, sông núi, khí hậu. Trong các tác phẩm dân gian viết về Nam bộ, không khó để thấy được những khó khăn mà người dân đối mặt thời xưa khi khai hoang, thứ mà đối chọi nhiều nhất có lẽ là beo và sấu. Qua những câu chuyện truyền miệng, thêm thắt hoặc phai mờ, sự ly kỳ chỉ có gia tăng mà không gia giảm. Và chuyện "ông Năm Chèo" cũng nằm trong dòng chảy văn hóa dân gian này.

Chưa kể, việc thu phục "ông Năm Chèo" của ông Đình Tây cũng thể hiện tâm lý thờ phụng và biết ơn bậc tiền nhân trong buổi đầu khai hoang, diệt trừ thú dữ để mang lại cuộc sống an lành cho người dân, và cụ thể nhân vật ở đây là ông Đình Tây. 

Nhưng có lẽ người dân vẫn tin rằng, "ông Năm Chèo" đã tìm về sông Vàm Nao để ẩn mình. Đầu gác về phía cửa sông nên mỗi khi trở mình là tạo ra dòng nước xoáy, "nuốt chửng" thuyền bè qua lại. Nói như vậy để hợp thức hóa với sự hung dữ của "linh vật" đang an trú dưới đáy sông mà thôi.

Mặc dù câu chuyện về "ông Năm Chèo" nhuốm màu huyền hoặc nhưng không phủ nhận, đoạn sông này lại có nhiều vụ đắm thuyền ghe nhất trong các dòng sông ở châu thổ sông Cửu Long. 

***

Thời gian trôi đi, có lẽ sự hung hãn của Vàm Nao đã phần nào trôi theo dòng nước, con sông này đã phần nào hiền hòa hơn. Trút bỏ đi những sự kỳ bí ấy, Vàm Nao vào mùa nước nổi đã trở thành điểm du lịch của nhiều người.

Và dù không có những truyền thuyết về "ông Năm Chèo", nhiều ngư dân nơi đây vẫn ăn đời ở kiếp với Vàm Nao, thả lưới săn đêm bắt ngày để bữa cơm gia đình thêm đủ đầy, để con thơ được cắp sách đến trường.

Thực ra, mỗi một ngọn núi, một con sông trên dải đất hình chữ S đều khắc ghi dấu ấn của lịch sử, của thời đại mà ở đó có dấu tích sự sống của người dân. Chính vì vậy, khi nói về truyền thuyết, người ta tin rằng những điều thiêng ấy có thể khiến mảnh đất mà chúng ta chôn rau cắt rốn trở nên thân thương và ý nghĩa hơn. Nhưng không vì thế mà "tâm linh hóa" trở thành những hành động nguy hiểm như việc ùa ra tắm gội, chơi đùa ở cồn cát mới nổi giữa dòng Vàm Nào ấy. Bởi những điều thiêng là sự lành bảo vệ và che chở cho con người, tất cả những hành vi làm đe dọa, tổn hại đến tính mạng thì đâu còn ý nghĩa.

Minh Dương

Làng hoa Tết miền Tây rộn ràng những ngày cuối năm

Làng hoa Tết miền Tây rộn ràng những ngày cuối năm

Trong những ngày gần đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không khí tại nhiều làng hoa miền Tây trở nên hết sức nhộn nhịp. Nhiều thương lái đã đến các nhà vườn để thu mua hoa, tạo nên một bức tranh sôi động những ngày cuối năm.