Theo báo Sức khỏe và Đời sống, sau khi nhiễm SARS-CoV-2, khoảng 10% số người phát triển COVID-19 kéo dài, hoặc các triệu chứng dai dẳng và tái phát 4-12 tuần sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng này thường kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích bằng các chẩn đoán thay thế.
Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Mệt mỏi, khó thở, đau cơ, đau khớp, đau đầu, ho, tức ngực, thay đổi mùi, vị, tiêu chảy...
Các nhà nghiên cứu đã phân nhóm các triệu chứng này thành ba nhóm chính: Một loạt các triệu chứng, bao gồm đau, mệt mỏi và phát ban: 80%. Các triệu chứng về hô hấp, bao gồm ho, khó thở và có đờm: 5,8%. Sức khỏe tâm thần và các triệu chứng nhận thức bao gồm lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và sương mù não: 14,2%.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một phân tích quy mô lớn về dữ liệu chăm sóc ban đầu từ Vương quốc Anh để điều tra một loạt các triệu chứng COVID kéo dài, xác định thêm một số triệu chứng, trong đó bổ sung hai triệu chứng mới: Rụng tóc, giảm ham muốn tình dục, khó xuất tinh...
Họ cũng phát hiện ra rằng các triệu chứng COVID-19 kéo dài rõ ràng hơn trong đợt thứ hai so với đợt đầu tiên.
Trong khi chẩn đoán COVID-19 có liên quan đến sự gia tăng tương đối 28% báo cáo ho sau 12 tuần trong đợt mắc COVID-19 đầu tiên, và tăng lên 77% trong đợt thứ hai.
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích yếu tố nguy cơ đối với COVID -19 kéo dài liên quan đến 384.137 cá nhân nhiễm SARS-CoV-2. Nhìn chung, họ nhận thấy rằng phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới đối với COVID-19 kéo dài.
Trong khi đó, những người từ 30–39 tuổi và trên 70 tuổi có khả năng mắc COVID -19 kéo dài là 6% và 25% so với những người từ 18–30 tuổi.
Các yếu tố rủi ro khác bao gồm: Người hút thuốc hoặc từng hút thuốc, thừa cân hoặc béo phì, các bệnh đi kèm như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đau cơ xơ hóa và trầm cảm...
Về nguyên nhân gây nên các triệu chứng COVID-19 kéo dài, TS. Shamil Haroon, giảng viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Y tế Ứng dụng của Đại học Birmingham cho biết, hiện các cơ chế gây ra COVID -19 kéo dài vẫn chưa được hiểu rõ, và danh sách các giả thuyết khá đa dạng, bao gồm tổn thương cơ quan (ví dụ như sẹo phổi), do nhiễm trùng cấp tính, viêm mãn tính, sự tồn tại của virus, rối loạn chức năng nội mô và cục máu đông, tự miễn dịch…
COVID-19 kéo dài không phải là một tình trạng đơn lẻ mà là một số tình trạng chồng chéo xảy ra sau khi nhiễm COVID-19.