Hết giãn cách đến gỡ vướng pháp lý liệu bất động sản có bật nổi?

Trong năm 2021 thị trường bất động sản luôn có những chướng ngại chưa thể bùng nổ như dự định. Với hơn 3 tháng giãn cách, những nghị định chính sách pháp lý vướng mắc liệu những tháng cuối năm và thời gian tiếp theo có làm thị trường bất động sản bật lên.

Hết giản cách thị trường bất động sản có phục hồi?

Dù dịch Covid-19, nhưng thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm rất lớn. Ba năm vừa rồi, giá bất động vẫn tăng, một số khu vực vừa rồi tăng "nóng" đó là đất nền. Tuy nhiên, việc tăng "nóng" này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng tụt xuống.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, thị trường bất động sản cho thấy những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ.

Trong quý III/2021, theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam được ông Đính tiết lộ, vẫn có hàng vạn giao dịch bất động sản diễn ra. Dù trong quý III/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hôi theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Lĩnh vực bất động sản đã thích ứng với dịch bệnh, ứng dụng công nghệ để giới thiệu hàng, xem hàng và giao dịch với khách. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm bởi đây là đối tượng cần đi trước.

Trong bối cảnh này, bản thân các chủ đầu tư cũng không vội mở bán dự án mới. Do đó, dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản thời gian tới tiếp tục giảm mạnh. Yếu tố này sẽ khiến không ít sàn giao dịch phải đóng cửa và môi giới cũng thất nghiệp theo. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại thì cũng sẽ loại bỏ được làn sóng nhà nhà làm bất động sản theo phong trào. Đây chính là mặt tốt giúp cân bằng lại hệ sinh thái lao động việc làm của xã hội. Trong bối cảnh thị trường sàng lọc gay gắt, những chủ đầu tư, người có nhu cầu mua bán nhà đất sẽ đánh giá cao các sàn giao dịch bất động sản hoạt động lâu năm, có tiềm lực kinh tế và phân tích đầu tư tốt.

Tuy tiêu thụ giảm nhưng theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá bán BĐS trong phân khúc nhà ở vẫn không giảm. Đặc biệt, ở Hà Nội và TP HCM, giá bất động sản tăng 5%-15% so với cùng kỳ. Còn theo trang Batdongsan.com.vn, giá chào bán căn hộ ở TP HCM trong tháng 8 vừa qua có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội, giá căn hộ cũng tăng 8% so với cùng kỳ. Các chuyên gia BĐS nhìn nhận nhu cầu nhà ở luôn cao và là nhu cầu thật. Do vậy, trước tác động của đại dịch, dù nhu cầu đầu cơ, đầu tư chững lại nhưng nhu cầu nhà ở thật sẽ không giảm sút. Mặt khác, nguồn cung khan hiếm và chi phí triển khai dự án tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá bán căn hộ bị đẩy lên.

Gỡ rối cho chính sách pháp lý nhiều năm, chờ đợi đột phá

Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS không phải tới đại dịch mới khó, mà đã khó từ năm 2015 khi Nghị định 99 của Chính phủ có hiệu lực. Thị trường vừa phục hồi sau giai đoạn đóng băng năm 2013, nhưng rất tiếc Luật nhà ở đã làm thị trường tiếp tục sụt nguồn cung. Năm 2020 có điều chỉnh sửa đổi đã tạo ra thêm hơn 90% dự án nhà ở được công nhận chủ đầu tư nhưng chỉ ở mức trung bình và nhỏ.

Ông Châu dẫn chứng, 1ha đất cao su được mua từ 5 đến 7 tỷ đồng nhưng không dính đất ở nên không công nhận chủ đầu tư. Điểm nghẽn này đã xảy ra trước khi có dịch Covid-19, điểm nghẽn này cùng với dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm vấn đề khó khăn của thị trường BĐS. Theo ông Châu, với nhà ở công nhân, theo Nghị Định 100 và thông tư 20, phòng trọ cá nhân hộ gia đình làm tối thiểu là 10m2 cho 2 người. Tuy nhiên, phòng trọ thời gian qua quá chật hẹp là nơi đang lây lan dịch bệnh. Các cá nhân làm nhà trọ phòng trọ phải nâng cấp tốt hơn để giải quyết nhu cầu cho 1,9 triệu lao động, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người nhập cư.

Hiện nay17 Khu chế xuất Công nghiệp có khoảng 8% có nhà ở công nhân còn lại thuê nhà trọ, công nhân phải di chuyển liên tục khó khăn phòng chống dịch bệnh. "Chúng tôi mong cơ quan nhà nước trình UBND Tp.HCM cần trình Chính phủ để có phương án giải quyết cụ thể. Chúng ta không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ cần xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn chồng chéo về thể chế", ông Lê Hoàng Châu đề xuất. Cùng với đó, vị chủ tịch Hiệp hội cho rằng, Thông tư 14 của Ngân hàng nhà nước đưa ra những cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân hộ gia đình nhưng không có BĐS. Một số đối tượng hoạt động trong BĐS bao gồm trung tâm thương mại, chủ nhà trọ, điểm bán lẻ dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng hiện các biển cho thuê mặt bằng nhan nhãn.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, kiến nghị trong chương trình phục hồi kinh tế trung hạn, thị trường bất động sản phục hồi sẽ là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của kinh tế TPHCM. Theo TS Lịch, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh. Dẫn lại thông tin của HoREA TPHCM có tới hơn 100 dự án bất động sản tồn đọng, cần được gỡ khó, ông Lịch cho rằng điểm khó là mỗi dự án lại có điểm vướng khác nhau, cần hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh dù khó khăn cũng phải quyết liệt tháo gỡ vì đây là bước khởi động đầu tiên để thị trường phục hồi.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)