Hiến đất làm đường phía sau phần lớn đều có bóng dáng của “dự án” bất động sản phân lô bán nền

Không khó để thấy, việc phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường này phía sau phần lớn đều có bóng dáng của “dự án” bất động sản phân lô bán nền. Việc này có chỗ đúng, có chỗ sai, nhưng rõ ràng công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến việc nhiều trường hợp vi phạm kéo dài nhưng chưa được xử lý.

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xuất hiện nhiều dự án bất động sản với những tên mĩ miều gắn với mác nghỉ dưỡng, được phủ sóng hầu hết tại các trang, kênh bất động sản, trang mạng, thậm chí người ta còn live show, đánh giá cơ hội, đầu tư từ các nền tảng facebook, youtube, trang tin… nhưng không thấy một trang mạng nào đánh giá những rủi ro từ việc “chạy đua”  theo việc “hiến đường tách thửa”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ cuối năm 2020, Bảo Lộc, Lâm Hà, Bảo Lâm là những địa danh  “hot” với phong trào "hiến đất làm đường” với mục đích để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên sau khi làm đường những khu đất trên là hàng chục cuốn sổ được tách thửa, có sổ hồng thậm chí có thổ cư mà không cần bất kỳ thủ tục lập dự án, quy hoạch nào. Điển hình trong việc tách thửa phải nói tới xã Lộc Tân huyện Bảo Lâm, tại xã trên hàng chục khu đất đã được san ủi làm đường, trải nhựa, đổ cống, rào tường tôn, phân từng lô… thậm chí xây nhà liền kề với đầy đủ tiện ích như những đại dự án.

“Thủ phủ” chè Bảo Lộc còn được mệnh danh là “miền xứ đẹp” ở vùng đất nam Tây nguyên Lâm Đồng, nên khi nhìn thấy vùng đất này có nhiều “vết thương” từ chuyện phân lô, tách thửa, ai cũng thấy nhói lòng. Sau khi dư luận lên tiếng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vào cuộc đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường ở đây.

Thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 4 năm qua (2018 - 2021) có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa thành 12.736 thửa mới với tổng diện tích hơn 1.214 ha; trong đó có 115 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất (nông nghiệp) làm đường giao thông mới với diện tích 211.844,5 m² (liên quan số này có 2.454 thửa đất mới). Diện tích thửa đất nhỏ nhất sau khi tách thửa là 96,5 m² và diện tích tối đa đã tách là 18.704 m².

[caption id="attachment_26196" align="alignnone" width="980"] Một dự án phân lô bán nền ở Bảo Lộc[/caption]

Những ngày gần đây, khi cơn sốt xẻ đồi phân lô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang trở thành vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Rất nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh mặt trái của vấn đề. Ngay cả Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, tại kỳ họp HĐND tỉnh, ngày 8/12, cũng phải thừa nhận: "Trong đó có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ". Trước đó, ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hoả tốc số 8910 /UBND-ĐC yêu cầu tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, để có đầy đủ thông tin phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, UBND tỉnh giao UBND TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm khẩn trương tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn quản lý từ thời điểm năm 2018 đến nay. Trong đó, nêu rõ và chi tiết từng thửa đất khu đất (nhiều thửa đất) tại phần phụ lục một số nội dung. Điển hình như chủ sử dụng đất tách thửa; địa chỉ thửa đất khu đất tách thửa; diện tích thửa đất khu đất đề nghị tách thửa; diện tích đất hiến/trả lại làm đường giao thông mới (trường hợp hình thành đường giao thông mới); diện tích, chiều rộng, dài của đường hiện trạng giáp thửa đất khu đất để nghị tách thửa (nếu có); số thửa đất mới sau khi tách thửa (số đã cấp hoặc chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); diện tích tối thiểu, tối đa của thửa đất mới tách.

Bên cạnh đó là thông tin về quy hoạch sử dụng đất; thời điểm giải quyết đề nghị tách thửa; cơ quan cho phép tách thửa, hiến đất làm đường; hiện trạng sử dụng đất của thửa đất sau khi tách thửa (đã xây dựng nhà, công trình; chưa xây dựng ...); hiện trạng sử dụng đất của đường giao thông mới; đã hoặc chưa hoàn thành việc đầu tư hạ tầng dùng chung; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và các nội dung khác có liên quan.

Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định. Văn bản cũng lưu ý, việc cung cấp thông tin phải căn cứ theo tôn chỉ mục đích, đảm bảo quyền được thông tin của cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, kiên quyết không thực hiện hợp đồng truyền thông, quảng cáo khi có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, trục lợi. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh Lâm Đồng đang là điểm nóng về việc phân lô bán nền, phá nát cảnh quan, đặc biệt là ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và huyện Lâm Hà. Hiện Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về việc này. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào thanh tra nhưng gần 8 tháng qua vẫn chưa công bố kết luận.

Tổng Hợp