"Con mình 2018, năm nay vào lớp 1. Trước đặt mục tiêu cho con vào Ams 2 nhưng mới đây Ams 2 không tuyển nữa nên muốn hướng con vào các trường như Ngoại ngữ, Nguyễn Tất Thành, Nam Từ Liêm,... Bố mẹ nào có con đỗ các trường này cho mình xin kinh nghiệm đồng hành trong 5 năm cấp 1 với, và cả thông tin các thầy cô luyện thi giỏi, nhận ôn từ lớp 1, lớp 2 ạ" - Một bà mẹ đăng bài trong hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con vào lớp 6 các trường chất lượng cao, trường THCS top đầu ở Hà Nội.
Ngay lập tức, bài đăng của chị nhận về loạt ý kiến trái chiều. Bên cạnh một vài bình luận chia sẻ địa chỉ các thầy cô dạy giỏi thì hầu hết các phụ huynh đều cho rằng, bà mẹ này đang tạo áp lực quá mức cho con mình. Một số ý kiến như sau:
- Lớp 1 mà sao mẹ đã áp lực thế, hãy để con có tuổi thơ đi. Giai đoạn lớp 1, lớp 2 là lúc con bắt đầu tiếp cận với việc học, phải tạo được cho con niềm yêu thích học tập, chứ không phải chưa gì đã tính đến "lò luyện". Mẹ làm như thế là con sợ việc học.
- Con mình cũng năm nay vào lớp 1, còn đang lo dạy vệ sinh cá nhân để học bán trú cho tốt đây. Mới tí tuổi, hãy cứ để các con vui chơi, trải nghiệm trước.
- Đặt mục tiêu phấn đấu là tốt nhưng mình khuyên bạn không nên "nhồi nhét" sớm như vậy. Giai đoạn lớp 1, lớp 2 hãy cứ đồng hành, khuyến khích con, lên lớp 3, đầu lớp 4, quan sát rõ năng lực học tập của con rồi tính sau.
- Đặt mục tiêu, định hướng cho con là tốt nhưng mẹ cần cân nhắc kỹ giai đoạn thực hiện. Lớp 1 đã đi học thêm thì khéo "chín ép".
Nhiều phụ huynh cho con ôn luyện gay gắt từ lớp 1 (Ảnh minh họa) |
Thực tế, bà mẹ nói trên không phải là trường hợp duy nhất sốt sắng cho con đi học thêm từ lớp 1 để tạo nền tảng đỗ vào các trường cấp 2 top đầu. Dạo một vòng mạng xã hội, dễ bắt gặp rất nhiều phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm cho con ôn luyện sớm, kinh nghiệm tham gia các cuộc thi để lấy giải thưởng nhằm được cộng điểm ưu tiên,...
Theo đó, một số trường trong mùa tuyển sinh năm ngoái có các quy định như: Học sinh có chứng chỉ TOEFL Primary đạt 230 điểm được cộng 2.0 điểm; 229 điểm cộng 1.5 điểm; đạt 228 điểm cộng ưu tiên 1.0 điểm. Hay học sinh được cộng điểm nếu đạt giải trong các cuộc thi: Tin học trẻ cấp TP Hà Nội; giải Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp TP Hà Nội, giải Vô địch Toán đồng đội thế giới (Cộng 2.0 điểm nếu giải Nhất, 1.5 điểm nếu giải Nhì và 1.0 điểm nếu giải Ba),...
Không chỉ vậy, có trường còn tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 nếu đạt giải thưởng trong các kỳ thi hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh cũng như các thành tích khác như: Điểm TOEFL Primary Challenge tổng điểm 218 trở lên; điểm học bạ cao; giải kỳ thi Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên toàn tài… Học sinh không có giải thưởng để ưu tiên tuyển thẳng mới tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.
Vậy nên ngoài việc đi học thêm ở các lò luyện, nhiều đứa trẻ cấp 1 còn phải tham gia các cuộc thi bên ngoài để lấy chứng chỉ, giải thưởng, nhằm chắc suất vào trường top. Vẫn biết mong muốn con vào các trường top của bố mẹ là chính đáng, vì môi trường học tập, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường này đều hơn các trường thường; tuy nhiên mong muốn của nhiều bậc cha mẹ vô tình khiến con trẻ bị áp lực học tập nặng nề, mất đi tuổi thơ.
Có phải chỉ luyện thi thì mới có thể đỗ các trường top đầu?
Nói về việc nhiều phụ huynh cho con luyện thi từ lớp 1 để có thể đỗ vào các trường chất lượng cao, các trường cấp 2 top đầu ở Hà Nội, trong một trả lời phỏng vấn báo chí, cô Hoàng Thị Yến - hiệu trưởng trường THCS CLC Nam Từ Liêm cũng có những chia sẻ.
Cô cho biết: "Số lượng trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế. Với chất lượng đầu ra tương đối cao, tạo được niềm tin thì việc phụ huynh có nhu cầu cho con thi vào các trường này tương đối chính đáng. Vì vậy có thể hiểu được vì sao nhiều phụ huynh cho con tham gia các lớp luyện thi".
Tuy nhiên, trên thực tế khi tổng kết tuyển sinh lớp 6 vào trường THCS Nam Từ Liêm, cô Yến nhận thấy, không phải học sinh nào cũng đi luyện thi. Có rất nhiều em chỉ học ở trường và tự học thêm ở nhà, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của bố mẹ.
Chính vì vậy, cô Yến nhận định, điều quan trọng nhất là năng lực, cũng như việc xây dựng, hình thành cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu, nền nếp học tập trong chính gia đình, phối hợp chặt chẽ với việc học tập trên trường.
Loại rau rẻ như cho ở Việt Nam nhưng sang Anh có giá cả trăm nghìn, du học sinh cắn răng mua xong thất vọng: "Cứng như đá vậy?"
Đắt chưa chắc đã xắt ra miếng đâu nhé, ít nhất là trong trường hợp của bạn du học sinh này!