Hôn mê, tử vong vì ăn côn trùng

Mặc dù người bán khẳng định côn trùng được nuôi, bắt tự nhiên nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc và không có gì đảm bảo về an toàn dịch bệnh.

TP.HCM hiện có một “chợ” côn trùng tự phát. Trước đây, khách đến mua côn trùng chủ yếu cho chim, gà, cá cảnh. Nhưng thời gian gần đây, nghe đồn thổi ăn côn trùng giúp trị bệnh, tăng cường sinh lực, nhiều ông đã đến đây săn lùng. Mặc dù người bán đều khẳng định côn trùng được nuôi hoặc bắt tự nhiên nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc cũng như không có gì đảm bảo về việc an toàn dịch bệnh

Côn trùng gì cũng có

“Chợ” nằm bên hông Thuận Kiều plaza (đường Hồng Bàng, Q.5) chỉ là một khoảng sân nhỏ, rộng chừng 30m2 nhưng gần như bất cứ côn trùng gì ở đây cũng có. Từ những loài dễ tìm như dế, cào cào, châu chấu, sâu gạo, sâu quy, tắc kè, thằn lằn, rắn,… đến những loại “hiếm” như ve đầu mùa, điêu, rết, muồm muỗm, trứng kiến gai đen…

Hôn mê, tử vong vì ăn côn trùng

Tất cả đều còn sống, giá mỗi loại khác nhau, tùy theo độ “hiếm” hay không. Cụ thể, châu chấu 3.000 đ/bịch, dế 5.000đ/lon nhỏ, sâu gạo 10.000 đ/lon, sâu quy 15.000 đ/lon, điêu 3.000 đ/con, rết 10.000đ/con, ve con 3.000đ/con…

Khu “chợ” tự phát hoạt động khoảng 15 năm nay, tiểu thương là người dân từ các huyện ven thành phố như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và các tỉnh miền Tây. Do tự phát nên phương tiện hành nghề của tiểu thương rất đơn giản, chỉ một cái ghế, vài cái thao và thùng xốp để đựng là xong.

Thậm chí, có người vừa bắt cào cào lúc sáng, không kịp thay quần áo, để giỏ cào cào lên xe rồi đứng bán. Trước đây, “chợ” chỉ có vài người bán nhưng rồi được người chơi chim, cá cảnh truyền tai nhau nên về sau càng đông người bán, người mua.

Anh T., tiểu thương bán côn trùng tại “chợ” cho biết, côn trùng có quanh năm là các loại dế, cào cào, châu chấu, sâu gạo, sâu quy, điêu. Riêng mùa hè thì có thêm ve. Các loại rết, muồm muỗm… rất khó bắt, may mắn có hàng mới đem ra chợ bán.

Nhu cầu người mua tăng nhưng côn trùng ngày càng khan hiếm. Không có được nguồn côn trùng tự nhiên đành phải nuôi thêm mới có bán mỗi ngày. Trung bình mỗi tiểu thương bán khoảng 5 – 10kg côn trùng/ngày.

Trước đây, khách chỉ mua côn trùng cho chim, gà, cá cảnh ăn nhưng mấy năm trở lại đây dân nhậu đổ xô mua côn trùng về ăn, ngâm rượu, làm thuốc trị bệnh đau lưng, nhức mỏi, tăng cường sinh lực… Thậm chí, có khách đặt các loại côn trùng hiếm như nhện, cà cuống, bọ cạp… để ăn, “chợ” không có hàng phải đặt mua tận Campuchia với giá đắt gấp đôi.

Hôn mê, tử vong vì ăn côn trùng

Côn trùng bắt tự nhiên sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn so với côn trùng nuôi, dùng tẩm bổ, trị bệnh sẽ hiệu quả hơn. Theo anh T., côn trùng bên Campuchia ăn rất đảm bảo bởi người dân Campuchia không có thói quen sử dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng của họ.

Gặp anh Hùng, ngụ Q.1 đang loay hoay lựa những con dế mập nhất trong thùng, anh cho biết, cuối tuần nào anh cũng đến chợ “săn” côn trùng về làm mồi nhậu. Chỉ mất 30.000đ đã có một đĩa dế chiên thơm ngậy. Anh đang tìm mua rết, điêu về bỏ thêm vào bình rượu ngâm vì nghe đâu “ông uống, bà khen”.

Mặc dù người bán đều khẳng định côn trùng được nuôi hoặc bắt tự nhiên nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có gì đảm bảo về việc an toàn dịch bệnh. Hiện chưa có cơ quan nào kiểm tra vì chưa có quy định công nhận chúng là thực phẩm.

Tuy nhiên, thực tế trái khoáy là dù không được coi là thực phẩm thì nó vẫn bày bán thành “chợ”, trên mạng và xuất hiện công khai tại các quán ăn; khi xảy ra ngộ độc, dịch bệnh trách nhiệm thuộc về ai?

Tử vong vì ăn côn trùng

Cách đây không lâu, Cục An toàn Thực phẩm đã đưa cảnh báo vì liên tiếp có người nhập viện do dùng côn trùng làm thức ăn. Chẳng hạn, vào tháng 5/2019, một người đàn ông tại Quảng Ninh phải nhập viện với các biểu hiện như khó thở, đại tiểu tiện không tự chủ, ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân… sau khi uống rượu ve sầu. Cuối tháng 8/2019, tại Kon Tum, một bé trai 10 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu vì trúng độc sâu ban miêu. Thậm chí đã có trường hợp gia đình 4 người ở Thanh Hóa cũng ngộ độc vì ăn sâu ban miêu này trị bệnh.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân các vụ ngộ độc trên là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây Cọc rào, cây Cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.

Hôn mê, tử vong vì ăn côn trùng

Ở nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, khá phổ biến như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây…. thậm chí còn được chế biến thành những món ăn đặc sản (bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên…). Tuy nhiên, việc sử dụng  côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người ăn.

BS CKII Trần Văn Năm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cảnh báo: Ở một số cơ địa dị ứng, chỉ cần ăn một ít côn trùng cũng có thể gây dị ứng, ngộ độc. Chưa kể, nếu người săn côn trùng dùng thuốc xịt để côn trùng bò ra cho dễ bắt thì côn trùng cũng bị ảnh hưởng của thuốc, khi ăn vào sẽ có hại chứ không có lợi cho sức khỏe.

Dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.

Do đó, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế.

Việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây ra tử vong cho người ăn. Vì vậy người dân nên bỏ “sở thích” ăn côn trùng để bảo vệ sức khỏe.

HOÀNG HẢI

Khách đi Be, chớ dại... ăn mặc mát mẻ!

Khách đi Be, chớ dại... ăn mặc mát mẻ!

Khuyến cáo mới của Be dường như đẩy lỗi cho sự cố xảy ra là do hành khách ăn mặc mát mẻ, chứ không phải từ đối tác lái xe.