IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraina đang trở thành hiện thực và có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.

Trong báo cáo cập nhật mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới," IMF đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4.

IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết: "Triển vọng đã trở nên u ám hơn kể từ tháng 4/2022. Thế giới có thể sẽ sớm tiến đến bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần nhất".

Bản cập nhật cho biết giá giảm rủi ro được nêu trong báo cáo tháng 4 đang được thực hiện và có thể tồn tại hoặc xấu đi trong tương lai. Nó bao gồm xung đột ở Ukraina không thể đoán trước.

IMF cho hay các dự báo mới nhất này là "cực kỳ bất ổn" và chịu nhiều rủi ro từ căng thẳng Nga-Ukraina, mà khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát và kéo theo những đồn đoán lạm phát kéo dài, qua đó sẽ thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa.

IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu - Ảnh 1.

Một công trường ở Bắc Kinh. IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 1,1% xuống 3,3% cho năm 2022. Ảnh: Reuters

Trong một kịch bản khác, khi mà Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào cuối năm 2022 và xuất khẩu dầu của Nga giảm thêm 30%, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại xuống 2,6% trong năm 2022 và 2% vào năm 2023, trong đó mức tăng trưởng tại châu Âu và Mỹ gần như bằng không trong năm 2023.

IMF lưu ý tăng trưởng toàn cầu đã giảm dưới 2% chỉ năm lần kể từ năm 1970, trong đó bao gồm cả cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra năm 2020.

IMF dự kiến tỷ lệ lạm phát năm 2022 tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ chạm mức 6,6%, tăng so với mức 5,7% trong dự báo hồi tháng 4/2022, đồng thời cho biết tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây. Lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dự kiến sẽ ở mức 9,5% trong năm 2022, tăng so với mức dự báo 8,7% hồi tháng 4/2022.

Bản cập nhật cho biết thêm việc phong tỏa do COVID-19 và làn sóng 'tẩy chay thế chấp' khuynh đảo ngành bất động sản Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn với nền kinh tế Trung Quốc.

Nhà kinh tế Gourinchas nhận xét mức lạm phát hiện nay cho thấy một rủi ro rõ ràng đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô ở hiện tại và trong tương lai, và việc đưa lạm phát trở về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Ông nói thêm việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ "gây khó khăn" vào năm tới, khi làm chậm tăng trưởng và gây áp lực cho các nước thị trường mới nổi, nhưng việc trì hoãn quá trình này "sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn". Do vậy, các ngân hàng trung ương "nên tiếp tục duy trì cho đến khi lạm phát được kiểm soát".

IMF một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Đối với Mỹ, IMF đã dự báo mức tăng trưởng 2,3% cho năm 2022 và 1% cho năm 2023, do nhu cầu chậm lại. Trong khi đó, quỹ này cắt giảm sâu dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4/2022 xuống 3,3%, với lý do dịch COVID-19 bùng phát và tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở các thành phố lớn đã làm hạn chế sản xuất và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

IMF cũng cho biết cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang kéo doanh thu và đầu tư vào bất động sản giảm. IMF cho biết sự hỗ trợ tài chính bổ sung từ chính quyền Bắc Kinh có thể cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhưng sự suy giảm kéo dài ở Trung Quốc do các đợt bùng phát dịch quy mô lớn hơn và các đợt phong tỏa sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ.

IMF đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho năm 2022 từ 2,8% trong tháng 4/2022 xuống 2,6%, phản ánh tình trạng lạm phát lan rộng do căng thẳng ở Ukraine. Đặc biệt Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã bị IMF cắt giảm sâu dự báo tăng trưởng cho năm 2022 từ 2,1% xuống 1,2%.

Trong khi đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng Italy trong năm 2022 do triển vọng cải thiện đối với hoạt động du lịch và công nghiệp. Tuy nhiên, vào tuần trước, IMF cho biết Italy có thể bị suy thoái sâu do lệnh cấm vận khí đốt của Nga.

IMF cho biết nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 6% trong năm 2022 do các lệnh trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây, và giảm thêm 3,5% vào năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine ước tính sẽ suy giảm khoảng 45% do căng thẳng với Nga.

(Nguồn: TTXVN/Nikkei)

GIA HÂN