Khi xưa phụ nữ Hà Nội mặc áo dài

Khoác chiếc áo dài trên người, ai cũng đều có cảm giác mình đẹp hơn, sang trọng và giàu nữ tính hơn, thấy mình là người Việt Nam hơn lúc nào hết.

Chiều tối, bà Lại Đoan Trang giở tủ áo dài treo sóng hàng hơn chục chiếc trên căn gác cổ và cẩn thận lựa ra chiếc áo gấm thất thể tứ quý, nền xanh cổ vịt điểm những bông hoa mai lan cúc trúc nho nhỏ và chiếc quần sa tanh tơ tằm đen, gọi là sa tanh mờ, rồi tự tay là lượt treo sẵn trên mắc. Ấy là bà chuẩn bị cho mình bộ trang phục sẽ diện trong lễ ăn hỏi cậu con trai trưởng của bà.

Vai trò của một bà mẹ chồng Hà Nội trong đám ăn hỏi quả là không thể không chú ý hơn một chút. Còn chiếc áo gấm thất thể ánh hồng tứ quý có thêm đôi hoa văn triện đỉnh kia, là bộ áo bà Trang để dành cho đám cưới, cho ngày đại hỷ của con trai vào tuần sau.

Những người thân quen cùng gia đình bà lâu năm đều nhận thấy rằng trong năm chị em gái, bà Trang là người xinh đẹp, đảm đang và khéo léo nhất. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội nề nếp ở phố Thuốc Bắc, lớn lên lại làm dâu cũng trong một gia đình Hà Nội nổi tiếng gia giáo ở ngõ Bà Triệu, bà Lại Đoan Trang là người rất am hiểu về các phong tục tập quán cổ truyền của người Hà Nội trong giao tiếp, ứng xử, nấu nướng, ăn uống, phục sức...

Bà Lại Đoan Trang.
Bà Lại Đoan Trang.

Theo bà Trang, phụ nữ Hà Nội xưa kia hễ cứ bước ra phố, bất kể là đi đâu và làm việc gì, là đều khoác trên mình một tấm áo dài. Từ vị mệnh phụ phu nhân cho đến bà mua hàng đồng nát. Không như bây giờ, có bà có cô ra đến đám lễ hội vẫn mặc áo ba lỗ, áo hai dây, hở lưng, hở bụng. Người mặc có lẽ cảm thấy rất tự nhiên. Nhưng chính các bà trông thấy lại đâm ngượng.

Song muốn mặc một chiếc áo dài mà để mình cũng vừa ý mà người khác cũng khen đẹp, không phải là điều đơn giản. Cái thời kỳ đất nước khó khăn, nếu người phụ nữ Hà Nội nào mà còn cố giữ riêng được một vài tấm áo dài đã là hiếm có, thì thôi không bàn luận chuyện cao xa gì. Nhưng khi cuộc sống có chiều khá giả, sung túc hơn lên rất nhiều so với trước, thì không thể cứ giữ lối luộm thuộm, tùy tiện được.

Trước hết, phụ nữ Hà Nội người ta thường mặc áo dài trong những trường hợp như thế nào? Cưới hỏi, lễ lạt, hội hè, liên hoan, du lịch, biểu diễn văn nghệ. Tức thị là chiếc áo dài chỉ được diện trong những khung cảnh đẹp đẽ, vui tươi, trang trọng, lịch sự. Tất nhiên là cũng có nhà sử dụng áo dài trong đám hiếu, cũng hãn hữu thôi, và vẫn đảm bảo trước hết là tính chất trang nghiêm, lịch sự.

Bà Phúc Lâm- Đỗ Thị Dung, mẹ tôi, người làng đúc đồng Ngũ Xã, bên hồ Trúc Bạch, sau sống ở phố Hàng Đồng, phố Cửa Đông rồi chuyển về phố Phan Thanh Giản, tức Nguyễn Hữu Huân sau này. Mẹ tôi trước bán hàng ở chợ Đồng Xuân. Bố tôi có một hãng xe vận tải nhỏ. Sau năm 1960 cải tạo tư sản tư doanh, thì gia đình về mở cửa hàng sửa xe đạp tại nhà làm kế mưu sinh nuôi chị em chúng tôi.

Bà Phúc Lâm - Đỗ Thị Dung.
Bà Phúc Lâm - Đỗ Thị Dung.

Theo mẹ tôi kể chuyện, thì người lớn tuổi thường chọn các màu áo dài màu sắc nhã nhặn, hoa văn hoạ tiết không quá rối rắm, hay quá sặc sỡ. Cũng không mặc những loại áo vải quá mỏng, sẽ thành hở hang, mất lịch sự. Nếu áo hơi mỏng, như kiểu lụa tơ tằm mình khô hoa ướt, mình ướt hoa khô, lụa chí cẩm hồi văn, the hoa, the thường… thì có thể mặc lót bên trong một tấm áo mỏng nhe, may sát người. Ngày xưa, các bà các cô thường mặc lót bằng một tấm áo cánh bà ba phin nõn trắng có viền bô-đê hình sóng lượn. Sau này thì có thể mặc lót một tấm áo ba lỗ thay thế bên trong tấm áo dài mỏng.

Như bà ngoại thân sinh ra mẹ tôi (người phố Hàng Đồng thường gọi là bà Ký Hanh, vì ông ngoại tôi là thư ký tòa án chế độ cũ), thì bà tôi thường mặc luôn hai tấm áo dài ngoài chiếc áo cánh, gọi là mặc áo dài kép. Tôi hãy còn nhớ một cặp như thế, là áo lụa vàng chanh bên trong và áo nâu cánh gián bên ngoài. Mùa đông, bà ngoại mặc áo dài vải láng đen trần quân cờ (khi ở nhà cũng mặc áo dài như thế). Đầu trùm 2 lớp khăn. Khăn mỏ quạ đen bên trong buộc sau gáy, khăn len màu bên ngoài, buộc dưới cằm, tay ôm bình ủ hình quả bánh dày đại bằng đồng thau chứa nước sôi già, bọc trong lớp khăn bông dày sụ.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Phụ nữ Hà Nội xưa chọn áo dài mặc đi dự đám cưới thì khác với áo dài đi lễ hội. Áo dài mặc sang chúc tết ông bà thông gia thì khác với tấm áo đi xem hát. Còn nếu không có điều kiện may nhiều áo thì không cần thiết đặt ra chuyện ấy. Mùa đông và mùa xuân có thể mặc áo dài nhung hay gấm dày. Nếu trời lạnh có thể khoác thêm bên ngoài một tấm áo bông hay áo kép Tàu. Hoặc các cô trẻ tuổi hơn thì khoác áo măng tô dài, áo len dài. Nhưng cũng phải nhớ tuỳ chất liệu vải áo dài mà chọn chất liệu vải áo kép, áo bông, áo khoác cho phù hợp. Kèm theo thường một tấm khăn san rộng, có tua mềm. Trời ấm thì khoác thêm tấm áo len mỏng. Thường là loại áo có hoa văn để lộ màu áo dài bên trong.

Ngày trước, phụ nữ Hà Nội còn có một loại áo len đan dành riêng để mặc cùng áo dài. Áo đó đan, hoặc móc, ôm sát eo, và cũng chỉ ngắn đúng ngang eo. Có hai loại, áo ngắn tay dùng vào tiết trời cuối thu cuối xuân, áo dài tay dùng vào mùa đông và mùa xuân, thường gọi là áo len cánh tiên.

Quần để mặc cùng áo dài nên may bằng chất liệu dày, lụa lĩnh hay vải láng, cạp cao lên, để tránh hở eo quá nhiều. Các cụ sẽ chê là vô ý tứ. Áo dài gấm thường mặc với quần sa tanh mờ đen. Áo dài nhung thường đi đôi với quần sa tanh bóng trắng. Như thế là hợp lối.

Đồ nữ trang nếu có, thường đeo đồ thật, tránh đeo các loại đồ dạng như đồ Mỹ Ký quá hào nhoáng. Trông tưởng như sang trọng mà thực ra không phải. Nếu có điều kiện, thì đeo đồ nữ trang theo bộ. Không thì cũng cố gắng chọn các món nữ trang không quá cộc kệch. Ví như đừng đeo chuỗi vòng ngọc bích xanh trên cổ mà lại đeo hoa vàng tây mặt đá đỏ trên tai. Son phấn thường nhẹ nhàng, kín đáo, tránh phô phang, lộ liễu. Người đàn bà mặc áo dài, đi cùng với người đàn ông mặc comple là đẹp đôi nhất.

Áo dài nam xưa (Ảnh minh họa: internet).
Áo dài nam xưa (Ảnh minh họa: internet).

Xưa nữa, thời bà ngoại tôi, những năm đầu thế kỷ 20, thì đàn bà mặc áo dài 5 thân, váy lĩnh, dép da xỏ ngón, đội nón ba tầm quai thao. Còn đàn ông mặc áo dài kiểu áo dài nam, đầu quấn khăn, quần ống sớ, đi giày Gia Định mõm nhái, đầu che ô lục soạn. Các cô gái trẻ có thể chọn những tấm áo dài màu sắc sáng tươi, rực rỡ nhưng dù là trong mùa hè, cũng không mặc áo quá mỏng. Áo nịt ngực khi mặc áo dài cũng chọn lựa cẩn thận, cốt để nâng ngực lên cao hơn, gọn gàng hơn một chút thôi. Nhiều cô mặc áo độn ngực quá cao, sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên và thanh tân của tuổi con gái. Mùa đông và mùa xuân, nếu trời lạnh, sẽ mặc thêm một tấm áo khoác may có chiết eo, sẽ phù hợp. Và màu áo khoác thường phù hợp với màu áo dài, không quá chênh lệch hoặc quá tương phản.

Không phải bây giờ, mà ngay từ trước kia, con gái Hà Nội mặc áo dài đã rất chú ý chọn cả quai nón và quai guốc, quai xăng- đan cũng như dây buộc tóc hay ruy-băng đồng màu, hoặc hợp màu. Hợp với áo dài con gái nhất là những tấm khăn voan mỏng nhẹ, màu sắc trang nhã, dịu dàng. Đồ nữ trang nếu có đeo, cũng không nên quá sặc sỡ, mỏng mảnh một chút thì hay hơn, trừ lúc lên sân khấu biểu diễn văn nghệ, thì long lanh óng ánh rực rỡ hơn, cũng hợp lối.

Nhưng quan trọng nhất là phong cách của người mặc áo dài. Khi đã khoác chiếc áo dài trên người, ai nấy đều có cảm giác mình trở nên đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn, giàu nữ tính hơn và cảm thấy mình là người Việt Nam hơn lúc nào hết. Khi mặc tấm áo dài, các bà thường khuyên cháu con lúc đi lại cần nhẹ nhàng ý tứ. Không vung vẩy tay chân quá mức.

Ai cũng đều có cảm giác trở nên đẹp hơn, sang trọng và nữ tính hơn khi khoác chiếc áo dài trên người (Ảnh minh họa: internet).
Ai cũng đều có cảm giác trở nên đẹp hơn, sang trọng và nữ tính hơn khi khoác chiếc áo dài trên người (Ảnh minh họa: internet).

Khi ngồi lên xe đạp nhớ, vén vạt áo sau, lấy một bàn tay cầm một góc vạt áo đặt nhẹ lên ghi đông xe đạp. Như thế, vừa không làm nhàu áo, vừa tránh cho vạt áo vướng vào bánh xe quay, sẽ nguy hiểm. Trông người đạp xe mặc áo dài theo lối ấy, sẽ thấy rất duyên dáng, đẹp đẽ. Nếu có dăm bảy cô đi cùng một đám, trông rực rỡ như một đàn bướm màu đang bay trên đường.

Ngày xưa, các chàng trai Hà Nội và trai các tỉnh thành khác lên trọ học ở Hà Nội thường chồn chân ngóng đợi nơi những góc phố gần các trường nữ học, như Đồng Khánh, Tây Sơn, Thanh Quan, cốt là chỉ để được chứng kiến cái khoảnh khắc tan trường tuyệt vời khi những tà áo dài tung bay trên đường phố.

Mặc áo dài, khi đang đứng, muốn ngồi xuống ghế, nhớ vén nhẹ tà áo sang một bên đặt lên tà áo đằng trước, rồi nhẹ nhàng ngồi. Tránh tư thế ngồi xổm hay ngồi bệt xuống đất.

Khi mặc tấm áo dài, người ta không thể nói năng tuỳ tiện, cười cợt hớ hênh. Bây giờ, có những cô nữ sinh khi mặc áo dài vẫn leo trèo cây cối, chạy nhảy, nô đùa ầm ĩ. Trông không được hợp mắt cho lắm. Nhất là đừng có vừa mặc áo dài, vừa ăn quà ăn bánh dọc đường. Và đi đâu, dù là dự tiệc tùng, người mặc áo dài, cũng nên chú ý ăn uống vừa phải, kẻo dễ... bục đứt khuy áo, sẽ nguy to.

(Theo lời kể của bà Lại Đoan Trang và bà Phúc Lâm-Đỗ Thị Dung)

Vũ Tuyết Nhung (T/h)

Nhìn lại lịch sử chiếc áo dài Việt Nam

Nhìn lại lịch sử chiếc áo dài Việt Nam

“Lịch sử áo dài không so được với kiểu áo Giao lĩnh”, Đức khái quát.