Áo dài có từ bao giờ?
Theo tài liệu từ Bộ VHTT&DL, tiền thân của áo dài là áo ngũ thân cổ đứng, được hình thành từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765). Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đưa ra quy định kiểu áo mới là áo cổ đứng, cài khuy về bên phải, kết hợp với chiếc quần hai ống, được gợi ý từ kiểu áo của người Trung Hoa. Người ta gọi chúng là quần chân áo chít.
Lễ phục tiếp tân trong triều đình vua Bảo Đại/ Ảnh tư liệu |
Tới năm 1836-1837, vua Minh Mạng sau chuyến tuần du ra Bắc Hà, đã ban hành quyết định tiến hành cải cách trang phục triệt để. Từ đó áo dài được phổ biến trong cả nước. Câu ca dao “Tháng 8 có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng …” đã gián tiếp phản ánh thời kỳ phổ biến kiểu dáng áo dài cài khuy này. “Kiểu áo dài bấy giờ hẹp tay, vạt buông quá gối, không ôm người, không mang lại bất kỳ cảm giác khêu gợi hay kích thích từ vẻ đẹp của hình thể phụ nữ”, Trần Quang Đức viết.
Nhưng thời điểm đó, không ít trí thức nhà Lê đã bày tỏ sự phản đối, bất chấp lệnh cấm bằng việc duy trì trang phục cũ của người Bắc là áo tứ thân – váy đụp một thời gian dài. Một tài liệu của Bộ VHTT&DL cũng nhận định là sau chiếu chỉ của Minh Mạng thì: “Nếu như từ khu vực Huế trở vào Nam người dân đã quen rất nhanh với trang phục mới, thì trái lại ở miền Bắc người ta vẫn giữ các phong tục ăn mặc cũ tới tận thời nhà Nguyễn và thậm chí là thế kỷ XX, ví dụ phụ nữ miền Bắc vẫn mặc áo tứ thân với váy và yếm, bọc tóc trong khăn hoặc đội khăn mỏ quạ”
Áo tứ thân, váy đụp vẫn được người ngoài Bắc duy trì trong thời gian dài/ Ảnh tư liệu |
Đầu thế kỷ XX, dưới bàn tay của các họa sĩ như Cát Tường, Lê Phổ, quần chần áo chít dần được cách tân. Kiểu áo của nữ giới dần ôm sát, thắt eo. Chiếc quần hai ống được phổ biến rộng rãi vào khoảng những năm 1920.
Kiểu áo dài chúng ta thường thấy hiện nay đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi.
Áo dài có phải là Quốc phục Việt Nam?
Từ năm 1990 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Triển lãm xây dựng Đề án Quốc phục để tìm ra bộ trang phục mặc phổ biến trong công chức, nhà nước.
Năm 2013, 2014, Đề án Quốc phục chuyển thành Đề án Lễ Phục nhà nước (xây dựng bộ trang phục sử dụng trong các nghi lễ nhà nước và ngoại giao). Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được giao nhiệm vụ xây dựng đề án này. Cục đã tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia về tiêu chí và định hướng thiết kế, sau đó tổ chức cuộc thi thiết kế Lễ phục. Qua ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đại đa số đã đồng ý, giữ nguyên áo dài của nữ làm bộ Lễ phục (Quốc phục). Cần tập trung tìm Lễ phục của nam giới. Nhưng Đề án này không kết thúc được bởi các bộ Lễ phục của nam giới do các nhà thiết kế gửi đến đều không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ, không mang được bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và ý kiến còn rất khác nhau về Lễ phục của nam giới.
Áo dài của cụ Đặng Thị Lân - tiểu thư con chủ hiệu vải Thiện Tường, 56 Hàng Đào trước 1945. Áo làm bằng chất liệu dạ, thêu hoa đào, được may trong những năm 1940/ Ảnh: VnExpress |
Cá nhân nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng chiếc áo dài trải qua nhiều biến đổi, nhưng anh vẫn thích kiểu áo thời Nguyễn, “đặc biệt là những chiếc áo trong cung, được thêu, dệt cầu kỳ, với những đường may tinh tế, toát lên vẻ đẹp sang trọng, thâm trầm vốn có của người phương Đông”.
Chân dung danh nhân Nguyễn Quý Đức (1648-1720, thời Lê Trung Hưng) với kiểu áo giao lĩnh |
“Trong khi người Việt Nam hiện đại một mực ca ngợi chiếc áo tân thời, họ đã vô tình lãng quên quá khứ, quên đi kiểu áo trước khi có sự pha trộn màu sắc phương Tây. Và cũng chẳng mấy ai đặt may, mặc lại kiểu dáng áo cổ truyền”, Đức nhận định.
Mẫu áo Nhật Bình - Triều phục cao quý nhất của Phi tần, Nữ quan và các Mệnh phụ thời Nguyễn - được phục dựng lại/ Ảnh: Sử Nguyễn |
Trong cuốn Ngàn năm áo mũ, Đức cũng mô tả khá rõ về kiểu áo Giao lĩnh, một trang phục lâu đời phổ biến của người người Đàng Trong cũng như người Đàng Ngoài trước năm 1744. Áo có cổ áo đan chéo trước ngực, thắt dải nằm ở gần nách.
Có hay không áo dài dân tộc Kinh Trung Quốc?
Dân tộc Kinh được Trung Quốc công nhận là 1 trong 55 dân tộc thiểu số nước này từ năm 1982. Nguồn gốc người Kinh ở đây) là từ Đông Nam Á di cư đến Trung Quốc. Với đặc trưng của vùng ven biển, khí hậu nóng ẩm, ngư nghiệp là chủ yếu nên trang phục của họ cũng mang nhiều họa tiết miền biển, màu sắc đơn giản. Sau này họ có những biến tấu về màu săc phù hợp với thời đại mới hơn.
Trang phục nam giới người Kinh Trung Quốc/ Ảnh: baike |
Người Kinh Trung Quốc chủ yếu sinh sống tại Khu tự trị Phòng Thành, Quảng Tây, tập trung tại 1 làng ven biển ở Đông Hưng.
Theo ghi chép trong "Phòng Thành huyện chí" (Khu tự trị huyện Phòng Thành là nơi có đông người Kinh Trung Quốc sinh sống): "Nam giới mặc áo dài quá đầu gối, tay áo hẹp, thắt lưng, quần rộng; nữ giới áo không quá hông, quần rộng".
Sau này, trang phục phố biến của người Kinh có biến đổi. Phụ nữ mặc áo lót hình lục lăng ở trong, nếu ra đường họ khoác thêm một áo có 4 tà, quần ống rộng, dùng dây lưng thắt lại hoặc dùng 2 tà trước để buộc lại giữa eo. Bình thường họ cũng mặc áo không cổ, tay ngắn, áo bó sát.
Một mẫu áo hiện đại người Kinh Trung Quốc sử dụng |
Trong một số tài liệu, trang phục của người Kinh Trung Quốc bị lẫn lộn với áo dài cách tân hiện đại của người Việt, điều này chưa chính xác. Người Kinh Quảng Tây không có kiểu cổ đứng, cài khuy bên phải – 1 đặc trưng của áo dài. Một số phụ kiện như nón lá, khăn đội cũng khác biệt. Tuy nhiên, theo sự biến đối thời gian, giao thoa văn hóa, người Kinh Trung Quốc cũng có mẫu áo cải tiến thành 2 tà.
Nhà thiết kế Trung Quốc “nhận vơ” áo dài Việt Nam là sáng tạo bản thân?
Một thương hiệu thời trang của Trung Quốc gây tranh cãi với bộ sưu tập sử dụng hoa văn giống của NTK Thuỷ Nguyễn của Việt Nam.