Khó khăn của thị trường bất động sản

Năm 2021 được xem là năm khó khăn của thị trường bất động sản khi liên tục bị tác động bởi dịch covid-19. Nhiều dự án không thể thực hiện theo đúng tiến độ, đặc biệt một số còn phải tạm dừng triển khai thi công. Cùng với khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai dự án của doanh nghiệp.

Kết quả, hiện hàng trăm dự án bất động sản trên thị trường bị tắc nghẽn, đặc biệt là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng và các loại hình chung cư. Các dự án nhà ở khan hiếm cũng khiến giá trên thị trường có xu hướng đi lên. Trong bối cảnh đó, vẫn có một số doanh nghiệp tận dụng cơ hội, tranh thủ đẩy mạnh xây dựng sau giãn cách, đưa hàng ra thị trường.

Bất động sản luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó. Một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị của năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan hiện đã dần hoàn thiện nên không còn mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp  luật về đầu tư. Đơn cử như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Do đó, năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường.

Theo nhận định của giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn cung trầm trọng trên thị trường trong suốt vài năm gần đây. Thứ nhất, qua cả thập kỷ tăng trưởng, quỹ đất tại các đô thị lớn hiện nay đã gần hết, đặc biệt là ở khu vực nội đô. Cùng với đó, nhiều địa phương đã kiểm soát rất chặt, thậm chí hạn chế cấp phép các dự án mới. Điều này khiến thị trường bị co cứng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, khiến nguồn cung dậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua, chính là cơ chế, pháp lý còn nhiều bất cập. Nhiều quy định, luật pháp bị chồng chéo, chưa được tháo gỡ. Trong đó, 2 bộ luật gây tranh cãi nhiều nhất là Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong một giai đoạn dài, vấn đề thông tin ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là nội dung cần tiếp tục thực hiện nâng cấp, hoàn thiện để có một hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu. Theo ông Khởi, điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thông tin cơ bản về thị trường, về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, có định hướng sát thực tế trong việc hoạch định chính sách, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Chỉ ra những điểm ngược của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Khởi nói: “Trong lúc dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế có nhiều vấn đề tồn tại nhưng thị trường bất động sản tôi không biết nói là sáng hay cần quan tâm”.

Tại hội thảo nhận định thị trường bất động sản 2022: Xu hướng và thách thức do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.

Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là 1 trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh... so với nhiều nước trong khu vực . Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh tranh giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh.

Dự báo thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những yếu tố lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn giữ nguyên trong dài hạn. Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn khi các thị trường xung quanh nóng lên. Cùng đó, thị trường bất động sản cũng tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng có điều chỉnh. Bởi vậy, năm, 2022 tiếp tục là năm củng cố về thể chế; tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường.

“Dự kiến nguồn cung tăng, tuy nhiên với định hướng chung, tăng trưởng chung cả thị trường sẽ được điều tiết bởi chính sách vĩ mô. Phân khúc đất nền và cao cấp vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt và phân hóa rõ rệt, sẽ có căn hộ siêu cao cấp. Giá căn hộ bình dân và trung cấp, với sự hỗ trợ của Nhà nước, dự báo giá sẽ hợp lý hơn.

Với chính sách phục hồi phát triển kinh tế, đánh giá bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư của năm 2022, với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hoá”, ông Thanh nhận định.

Tổng Hợp